Người ta nói rằng, người sắp ra đi, lúc hấp hối là lúc con người thật nhất.
Tôi cũng nghĩ như thế, còn gì nữa mà phải dấu diếm, giả trá? tất cả sắp thành con số không…Tôi có một ông chú họ xa, sinh thời ông là người trực tính, có gì đều nói ra miệng, không để trong lòng. Ông bị ung thư phổi, chạy chữa đã hết thuốc vẫn không cứu được ông. Mấy ngày cuối ông chỉ nằm lìm lịm, bỗng nhiên sáng nay ông vùng lên chửi bới tất cả mọi người, từ vợ con đến y tá bác sĩ, ông chửi tuốt, ai cũng là đồ nọ đồ kia. Mới đầu câu chửi còn mạch lạc sau cứ đuối dần rời rạc dần, không biết ông đã trút hết nỗi lòng chưa? Chỉ biết lúc ông không chửi được nữa cũng là lúc ông ra đi. Mọi người đều không chấp và cũng không hiểu phút lâm chung ông đã nghĩ gì?
Trường hợp sau đây thì hoàn toàn ngược lại. T.D. bị ung thư gan, bệnh viện đã cho về nhà, tối mùng hai Tết tôi ghé thăm thì thể trạng đã tồi lắm rồi. Luồn tay vào trong chăn thì thấy phần chân từ đùi trở xuống đã lạnh, bụng chỉ còn hơi âm ấm, tôi xoa bụng D và hỏi có đau lắm không? D gật gật và thều thào nói với tôi: “Đau lắm! … nhưng không dám kêu… sợ vợ con nó lo!”. Cả một đời không lúc nào hết lo cho vợ con, ngay cả lúc hấp hối rồi vẫn không thôi lo cho họ. 11 giờ đêm ấy D đã ra đi.
A.C dính ung thư phổi, nghe lời khuyên của bác sĩ viện A đã mổ phổi mà vẫn không thoát được. Mấy ngày cuối đã chuyển vào nằm phòng cách ly, tuy thế vẫn thấy bứt rứt vì một chuyện 3 tháng rồi, vợ ở bên cạnh mà không được “ấy”. Ngày cuối cùng, mắt đã đờ dại vẫn cố dơ ngón tay đeo chiếc nhẫn cưới lên nhìn, có lúc cứ lấy tay lôi ra đẩy vào chiếc nhẫn, hình như sợ mất… Chiếc nhẫn cưới đã nhắc nhở A.C những gì thì có nhẽ chỉ riêng anh biết, vợ con bạn bè chỉ có phỏng đoán chừng chừng, nhưng rứt khoát đối với người sắp ra đi thì đó phải là một điều gì thiêng liêng lắm.
T. là một diễn viên múa, tính tình hòa nhã điềm đạm, thuộc lớp diễn viên lớn tuổi, anh đã vào văn công từ thời kháng chiến chống Pháp. Lần cuối cùng lên sàn chấm rứt sau một cú nhẩy, anh sụp xuống và không gượng dậy được. Đưa vào bệnh viện 108, họ xét nghiệm và cho biết T bị ung thư xương hay cột sống gì đó. Từ ngày vào viện sức khỏe T sút giảm rất nhanh. Ngày cuối cùng bạn bè vợ con vây quanh giường bệnh. P. vợ T. ngồi thụp cạnh đầu giường thút thít nói với anh: “đừng bỏ em với con anh nhé!”… T. không gật đầu được nhưng mí mắt chớp chớp, một chút nước mắt nhểu ra nơi khóe mắt, tỏ ra anh nhận biết. Mọi người lặng đi vì thương cảm.
Có ai nói gì đó, T nhếch mép cười và cứ giữ nguyên nụ cười méo xệch đó anh đã ra đi.
Thì ra bí thư chi bộ vừa hỏi anh: - “đồng chí có muốn nhắn gì lại với đảng?”
“Có cái chết hóa thành bất tử…”
Nói quá hóa thậm xưng, chứ cái chết nào thì cũng hóa ra ma hết. Cả cái chết danh thơm để lại hay cái chết xú uế thì tiếng cũng để đời chứ bộ? Chợt nghĩ và tự cười mình cái thời mê muội, chứ cũng chẳng muốn cãi nhau vơi ông nhà thơ quá cố.
Kể tiếp một ca hấp hối nữa nha! Sau nhiều lần thư đi thư lại hẹn hò, lần đầu tiên ông đến với bà với một bông hồng nhung đỏ thắm trên tay. Bà sung sướng nhận bông hồng và ý nhị đặt lên bông hoa một nụ hôn. Mặt ông bừng lên vì hạnh phúc, ông dụt dè xin được hôn bà, bà không chấp nhận nhưng lại một lần nữa hôn lên bông hồng và khẽ đặt bông hoa lên môi ông rồi đỏ bừng mặt với nụ cười e thẹn…
Gần nửa thế kỷ hạnh phúc dưới một mái nhà, con cái phương trưởng thì bà bỏ ông “ra đi”. Khi còn bà cũng như khi đã vắng bóng bà, trong nhà vẫn luôn có một bông hồng nhung, chỉ một bông cắm vào chiếc cốc pha lê Tiệp mỏng tang trong vắt, đường viền vàng quanh miệng cốc chỗ còn chỗ mất đã trở nên xám xịt.
Chiếc cốc đã thay không biết bao nhiêu bông hồng, hôm nay được đặt ngay trên mặt tủ con cùng vài vật dụng cần thiết cho người bệnh. Ông vào viện đã sang đến ngày thứ 25, máu đã thay đến lần thứ 3 vì tiểu cầu luôn luôn sụt. Các con đều bận công bận việc nên không đứa nào ở bên săn sóc bố. Họ thuê một người giúp việc, trả 100 ngàn một ngày để chăm sóc ông. Ông cũng hưởng chế độ dịch vụ theo yêu cầu, một mình một buồng, thừa chỗ kê chiếc giường bạt cho “Ôsin”.
Khi cần thì ôsin chỉ việc dùng chiếc mô-bai của ông gọi, họ sẽ vào ngay.
Thế cũng tiện.
Nửa đêm tỉnh dậy, ông thấy lạnh. Ngoài kia gió heo may ràn rạt thổi, những vũng nước mưa ban chiều đọng lại loang lổ ánh trăng, lá rụng ào ào, lá nào lá ấy to bằng cái quạt. Có người đã nói cho ông biết tên cái cây có lá to ấy, nhưng cố nhớ mãi không ra.Con bé giúp việc đang tuổi ăn tuổi ngủ nên vô tư ngáy ro ro. Ông muốn co chân lên mà không được, thôi kệ, cứ để vậy, sáng mai nhờ bác sĩ xem giúp.
Nằm một lúc, ông chợt nghĩ có thể mình sắp được gặp bà ấy, với tay lấy bông hồng trong cốc, nhưng sao khó thế? mãi mới với tay lên được. Ông định đặt bông hoa lên môi như bà đã làm lần đầu gặp gỡ, nhưng sao tay run thế này…
Ôsin tỉnh dậy, hoảng hốt gọi bác sĩ trực và gọi cho người nhà. Ông nằm đó, mặt nhợt nhạt mắt đã nhắm, miệng he hé mở, cặp môi sướt sát đầy những vết cứa, máu chẩy đỏ cả hàm răng. Chiếc cốc trên bàn đổ vỡ, nước chẩy ra sàn lênh láng, bông hồng vẫn nằm đó, bàn tay để trên ngực ông cầm một mảnh pha lê nhuốm máu như một cánh hồng đỏ thắm.
Ông đã đến với bà.
Nguồn : Blog LinhGia
Monday, July 20, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment