Đọc tiểu sử thấy họ viết rằng Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (hay Diệm), sinh năm 1921, mất năm 1988. Ông sinh ra ở Hà Nội, và nguyên quán ở làng Đan Phượng (Hà Đông), nhưng trong thơ thì ông là người của Sơn Tây. Thật vậy, rải rác trong thơ ông, Sơn Tây và vùng phụ cận được đề cập thường xuyên đến nổi có người lầm tưởng ông quê quán ở Sơn Tây! Có người giải thích rằng Đan Phượng là làng giáp ranh giữa Hà Đông và Sơn Tây. Ngoài ra, Hà Đông và Sơn Tây được phân chia bằng con sông Đáy. Có lẽ vì thế mà trong thơ của Quang Dũng, những Sơn Tây, Sông Đáy, Phủ Quốc xuất hiện khá nhiều.
Quang Dũng làm thơ không nhiều, nhưng bài nào cũng có giá trị văn chương. Nói đến nhà thơ này, phần lớn chúng ta nghĩ ngay đến bài Đôi mắt người Sơn Tây mà Phạm Đình Chương đã phổ thành nhạc mang cùng tựa đề mà tôi vừa đề cập.
Về bài ĐMNST, tôi thấy có thể tóm gọn vài nét chính như sau. Nội dung: một câu chuyện buồn, chạy giặc. Không gian: Sơn Tây. Thời gian: vào thời kháng chiến chống Pháp, khoảng 1949. Nhân vật: người tình mà thi sĩ gọi là “em”, và tác giả, một người lính xa thành đi chiến đấu. (Thời đó, Quang Dũng làm Đại đội trưởng trong đoàn quân Tây Tiến.) Tôi từ chinh chiến cũng ra đi là thế.
Bài thơ được sáng tác theo cảm hứng lãng mạn. Những yếu tố cường điệu, phóng đại đã tạo nên cái phi thường, cao đẹp, không rơi vào sáo ngữ, giả tạo mà chỉ tô đậm thêm vẻ đẹp của hình tượng người con gái Sơn Tây theo phong cách lãng mạn: Đôi mắt người Sơn Tây / U uẩn chiều luân lạc / Buồn viễn xứ khôn khuây.
Ở vài đoạn, nhà thơ dẫn dắt người đọc đi sâu vào những kỉ niệm đẹp nhất và cũng mờ ảo sương khói nhất của cái thực và mơ, của cảnh vật quyến luyến và hồn vương vấn: Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt / Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, nhưng phần lớn dùng câu 7 chữ. Thơ 7 chữ là một dạng nới rộng từ thể thơ thất ngôn Đường luật. Với 7 chữ trong mỗi câu, nhà thơ có nhiều tự do hơn là thơ 4 hay 5 chữ để mô tả câu chuyện. Thơ 7 chữ cũng có cái lợi là nhịp điệu có thể thay đổi nhiều và liên tục, có thể là nhịp 4/3 (vd: Em đã bao ngày em nhớ thương) hay nhịp 2/2/4 (như: Từ đó thu về hoang bóng giặc), hay thậm chí 4/2/1 (không có trong bài này). Cũng chính vì đặc tính này làm nên nhạc điệu đặc biệt trong bài ĐMNST. Nhạc điệu của cuộc sống của tâm hồn. Mỗi đoạn thơ mang theo một nhạc điệu riêng vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển khi đưa người đọc về với những kỉ niệm xa nên thơ và gợi cảm, khi dồn dập trong những tiết tấu mạnh: Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc / Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng. Do đó, không ngạc nhiên khi phổ thành nhạc, nó trở thành một tác phẩm bất hủ. Nhờ hồi còn là sinh viên, lúc nào tôi cũng ngâm nga vài đoạn trong ĐMNST và Áo anh sức chỉ đường tà (Phạm duy phổ từ Đồi tím hoa sim của Hữu Loan). (Cả hai bài hát, nhạc điệu phong phú, luân chuyển liên tục, lúc buồn, lúc vui, lúc hoài niệm, v.v... rất sát với ý thơ.)
Phân tích kĩ hơn, tôi thấy không những giàu nhạc điệu, bài thơ còn dùng rất nhiều chữ mang phụ âm vang và nguyên âm bổng. Trung bình, tiếng Việt ta có khoảng 11% từ mang phụ âm vang và nguyên âm bổng (hãy gọi tắt là “vang-bổng”), nhưng trong bài thơ này, có đến 21% chữ vang-bổng! Nhưng bài thơ còn dùng nhiều thanh bằng hơn bình thường (59% so với thông thường là 55%). Điều này giải thích tại sao bài thơ vừa trầm buồn, nhưng lại rất ngân nga. Để ý những câu như Vầng trán em mang trời quê hương / Mắt em dìu dịu buồn Tây phương / Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm / Em đã bao ngày em nhớ thương những chữ cuối toàn là những từ trầm-bổng, cộng với cách gieo vần rất nhịp nhàng, làm cho câu thơ cứ bay bổng lên, bay bổng lên, gây ra tác dụng lôi cuốn người đọc.
Nhưng ĐMNST không phải là bài thơ hay của Quang Dũng. Có một bài khác của Quang Dũng ít ai biết đến có tựa đề là “Tây Tiến”, được sáng tác vào năm 1948, tức trước ĐMNST một năm. Đứng trên khía cạnh văn học nghệ thuật mà nói, Tây Tiến mới là tuyệt tác của Quang Dũng. Thực vậy, trong giới phê bình văn học, Tây Tiến là Quang Dũng, và nói đến Quang Dũng là nói đến Tây Tiến.
Trong Tây Tiến, Quang Dũng viết về những cảm nghĩ và kỉ niệm của ông trong đoàn quân nổi tiếng này. Bài thơ đọc lên cho thấy một khí thế oai hùng, hừng hực lửa chiến tranh, nhưng lại rất lãng mạn. Khổ đầu của bài thơ diễn tả cảnh rừng núi mà đoàn quân hoạt động với núi cao trùng điệp. Câu thơ hun hút đi lên mãi với rừng núi (Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm), nhưng cũng có câu thơ như gấp khúc giữa chiều cao và chiều sâu (Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống). Núi rừng được khắc họa với bút pháp lãng mạn: thiên nhiên vừa dữ dội, lại vừa hùng vĩ như đang thử thách với con người qua từng chặng đường hành quân. Chốn rừng núi ấy đã được diễn tả rất xa xôi, mờ ảo, chơi vơi trong kỉ niệm nhưng lại hiện thực như khung cảnh mà người lính Tây Tiến đang trực tiếp trải qua trong hiện tại. Thiên nhiên hiểm trở mà đẹp. Tác giả như tô đậm mặt gian khổ của những thử thách nhưng không ngại ngùng lo sợ.
Mạch thơ chuyển sang phần II đi sâu vào những kỉ niệm tình quân dân trong những ngày đóng quân ở vùng quê với những đêm hội đuốc hoa, với điệu kèn gợi cảm và dáng người mềm mại trên độc mộc lặng lẽ xuôi dòng:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Đoạn thơ làm dịu hẳn cái không khí dữ dội của vùng rừng núi hiểm trở mà chan hòa trong hình ảnh đẹp của bản làng.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lao nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ họa đông đưa
Hình ảnh của người chiến binh được miêu tả trong giai đoạn này qua nhiều bài thơ còn nhiều vất vả gian truân. Sốt rét, rụng tóc, da xanh, v.v. là những căn bệnh được Quang Dũng tả khá đầy đủ. Tuy vậy, bên trong con người chiến binh vẫn là những tấm lòng sắt đá, mạnh mẽ, vẫn “dữ oai hùm”.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Đoàn quân Tây Tiến được hình thành từ những thanh niên Hà Nội. Họ đi chiến đấu mà vẫn nén lại bao thương nhớ nơi thành phố, nơi có những “dáng kiều thơm”. Có thời những câu thơ như thế được xem là “tiểu tư sản”, là “mơ mộng”. Nhưng làm sao mà ngăn được tâm hồn con người mơ đến hình ảnh của một người con gái xa xôi. Tình cảm ấy không hề làm cho họ yếu, nản lòng. Ấy thế mà cũng vì hai câu thơ này mà Quang Dũng phải lận đận lao đao cả 30 năm sau vụ Nhân văn giai phẩm.
Tôi thấy trong thơ của Quang Dũng, bài nào cũng giàu nhạc điệu. Cái độc đáo của Quang Dũng là cái dấu ấn của phong cách thơ, chỉ cần đọc vài hàng, người yêu thơ ta có thể đoán ngay đó là thơ của Quang Dũng. Tôi nghiệm ra, cái dấu ấn đó là những nốt nhạc trong thơ. Chẳng hạn như trong không khí hùng tráng của chiến đấu, chữ sông Mã, vần trắc gợi liên tưởng đến hình ảnh những con ngựa đang phi nước đại, chắc chắn đắc địa hơn những chữ sông Hồng, sông Thương, hay sông Hương. Những chữ Sài Khao, Mường Lát, tự chúng trong người Việt chả có gì gần gụi, mà rất xa lạ, man dại và bất trắc. Nhưng cái man dại đó làm tăng thêm hình ảnh rừng núi mù mịt. Tương tự, chữ Pha Luông hay vì nó là hai vần bằng, một vần bằng mở (kết thúc bằng nguyên âm a) và một vần bằng vang (kết thúc bằng phụ âm ng) khiến cho nhạc điệu câu thơ trở thành ngân nga, vang hưởng dìu dặt.
Tóm lại, Tây Tiến hay Đôi mắt người Sơn Tây là những bài thơ có giá trị về nghệ thuật cao. Cả hai bài được viết ra với màu sắc thẩm mỹ phong phú. Có cái đẹp hùng tráng của núi rừng hiểm trở, và vẻ đẹp bình dị nên thơ của cuộc sống nơi bản làng quê hương, có cảm hứng mạnh mẽ hòa hợp với chất trữ tình nhẹ nhàng mềm mại trong thơ.
NVT
Xin chép lại ba bài thơ của Quang Dũng
Đôi Bờ
Quang Dũng (1948)
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai ?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai ?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia ?
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mợ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?
Đôi Mắt Người Sơn Tây
Quang Dũng (1949)
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương ?
Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có một thằng em nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông !
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn !
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan ?
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang dùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta ?
Tây tiến
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngưởi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lao nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ họa đông đưa
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm mặt chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Nguồn : http://tuanvannguyen.blogspot.com
Cố Quận
Trăng sáng vẫn vờn đôi bóng cau
Ngồi đây mà gửi nhớ phương nào
Gió mát lung linh vầng Bắc Đẩu
Tiếng hè ếch nhái rộn bờ ao.
Ngồi đây năm năm miền ly hương
Quê người đôi gót mải tha phương
Có những chiều chiều trăng đỉnh núi
Nhà ai chày gạo giã đêm sương
Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran
Côn trùng im ỉm lối trăng tàn
Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn
Tóc bạc trông chừng cảnh héo hon
Ngõ trúc quanh quanh sầu bóng lá
Trăng vàng rơi rắc nẻo nào xưa
Ngõ cũ không mong người trở lại
Mà mùi hoa mộc vẫn thơm đưa
Đốt khói lên rồi hương viễn vông
Dòng xanh thoáng biến cảnh hư không
U hiển liễu trai về quá khứ
Chuối vườn rũ lá đóm bay vòng
Em ơi, em ơi đêm dần vơi
Trông về phương ấy ngóng trông người
Trăng có soi qua vầng tóc bạc
Nẻo về cố quận nhớ thương ôi!
Quán bên đường
Tôi khách qua đường trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch bốn tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa trưa khách vắng
Em đắp chăn dầy, tóc em trĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan...
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng lên má đỏ
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu
Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là khách mười phương
Biệt cố đô cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường
Tiền nước trả em rồi trưa nắng gắt
Đường xa xa mờ mờ núi và mây
Hồn khách vương vài qua sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay...
Đêm Việt Trì
Em là con hát ở bên sông
Hát mãi từ khi em bỏ chồng
Chiều đến, em ngồi trên bến vắng
Gửi người bốn xứ mảnh tình không!
Em là con hát ở bên sông
Lạnh với trường giang kiếp má hồng
Chiều đến em bừng son phấn mộng
Rẻ người không tiếc mảnh hồn trong.
Em là con hát ở bên sông
Ðàn phách là đôi bạn khốn cùng
Khách ghé phương nao thây kiếp khách
Hoài đâu nước mắt khóc tình chung.
Em là con hát ở bên sông
Nước chảy ngàn xưa luống chảy ròng
Nước chảy không về nguồn quá khứ
Em buồn dĩ vãng, mắt khô trong.
Em là con hát ở bên sông
Ðừng nhớ thương em uổng tấc lòng
Em ở kiếp này là ở tạm
Tìm em kiếp khác Liễu Trai Nương.
Chiêu Quân
Tuyết lạnh che mờ trời Hán Quốc
Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương
Tang tình năm ngón sầu dâng lệ
Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang
Đây Nhạn Môn Quan đường ải vắng
Trường Thành xa lắm Hán Vương ơi!
Chiêu Quân che khép mền chiên bạch
Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi
Ngó lại xanh xanh triều Hán Đế
Từng hàng châu lệ thấm chiên nhung
Quân vương chắc cũng say và khóc
Ái khanh! Ái khanh! Lời nghẹn ngùng
Hồ xang hồ xang xừ hồ xang
Chiêu Quân nàng ơi lệ dâng hàng
Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống
Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang.
Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương
Tang tình năm ngón sầu dâng lệ
Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang
Đây Nhạn Môn Quan đường ải vắng
Trường Thành xa lắm Hán Vương ơi!
Chiêu Quân che khép mền chiên bạch
Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi
Ngó lại xanh xanh triều Hán Đế
Từng hàng châu lệ thấm chiên nhung
Quân vương chắc cũng say và khóc
Ái khanh! Ái khanh! Lời nghẹn ngùng
Hồ xang hồ xang xừ hồ xang
Chiêu Quân nàng ơi lệ dâng hàng
Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống
Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang.
(1937)
No comments:
Post a Comment