Hồi nhỏ tôi thường nghe mẹ tôi đọc Kiều, vì thương mẹ nên tôi gần như thuộc lòng luôn truyện Kiều, nhưng không mê. Lớn lên chút nữa, đọc Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn” cũng không thấy mê món “quốc hồn quốc túy” này, dù tôi chưa bao giờ ghét cụ Phạm Quỳnh, cũng như không ghét cụ Ngô Đức Kế khi cụ kịch liệt bài bác Truyện Kiều.
Khi nghe ông Tố Hữu gọi “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều” thấy hay hay, nhưng lúc ông bảo “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều” thì thấy ông không hẳn là thành thật.
Nói chung, khi người lớn đem Kiều ra làm chính trị, con nít không thấy hấp dẫn. Học Kiều ở trường phổ thông, bị buộc phải hiểu theo ý thầy cô, cũng không thấy thích.
Cho đến khi đọc Bùi Giáng, tôi mới thực sự thấy thích Kiều. Có lẽ vì tôi thích cái điên điên khùng khùng của Bùi Giáng nên thích luôn Kiều. Ngó tới ngó lui thì thấy người viết về Kiều vô tư hồn nhiên nhất là Bùi Giáng.
Khi thích Kiều rồi, tôi vẫn thấy lợn gợn một chuyện nhưng không sao tìm được lời giải đáp. Từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du phóng tác thành Truyện Kiều, ai cũng biết điều đó, nhưng giáo trình dạy cho học trò cũng như hầu hết các sách vở viết về Truyện Kiều đều nói rằng, Truyện Kiều của Nguyễn Du mới là kiệt tác văn chương bất hủ, còn Kim Vân Kiều truyện củaThanh Tâm Tài Nhân chỉ là một tác phẩm “tầm thường thô thiển”.
Tôi biết chắc những người nói điều này chưa bao giờ đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đơn giản là tác phẩm đó đã bị “thất truyền”. (Thực ra năm 1925 Nhà xuất bản Tân Dân có in thành sách một bản dịch Kim Vân Kiều truyện, sau đó có một vài bản dịch khác nữa, nhưng nói chung những sách này rất ít người biết, mãi đến năm 2005 nhiều người mới biết đến qua một bản dịch do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Nghe nói bản chép tay bằng chữ Hán đang được lưu giữ tại Viện Viễn Đông bác cổ Paris ).
Khoảng 13-14 năm trước, một lần nói chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng, ông bất ngờ đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ông bảo, Kim Vân Kiều truyện hoàn toàn không phải là “tác phẩm tầm thường” như người ta nói. Lúc đó tôi đang giúp Báo Nông thôn ngày nay làm tờ Nguyệt san, tôi quá hào hứng chuyện này nên đề nghị cụ Nguyễn Văn Xuân viết luôn một bài phân tích. Bài đó đã được đăng ngay.
Trước đây khi ca ngợi Truyện Kiều của Nguyễn Du, một số nhà nghiên cứu thường dẫn lời hai ông vua Minh Mạng và Tự Đức. Đúng là Minh Mạng – một minh quân trong lịch sử, và Tự Đức – một trong hai ông vua “hay chữ” nhất (người kia là Lê Thánh Tôn), đã hết lời ca ngợi Truyện Kiều. Nhưng cụ Nguyễn Văn Xuân đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy Minh Mạng và Tự Đức ca ngợi Kiều là ca ngợi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, chứ không phải ca ngợi Nguyễn Du. Có lẽ đây là bài nghiên cứu đầu tiên đặt ngược vấn đề lâu nay được số đông nhắm mắt thừa nhận. (Tôi hiện không có bài báo đó trong tay, nhưng chắc chắn tôi sẽ nhờ người tìm được).
Gần đây, một bài viết của cụ Vũ Quốc Thúc công bố tại Pháp năm 2006, có đề cập đến những tác phẩm của Minh Mạng và Tự Đức liên quan đến Truyện Kiều mà cụ thân sinh của cụ Thúc còn lưu giữ. Bài viết của cụ Vũ Quốc Thúc hoàn toàn không đề cập đến việc so sánh hơn kém giữa Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du, nhưng chỉ riêng tên gọi của những tài liệu này cũng phát ra một thông báo quan trọng. Từ thời vua Minh Mạng đến đầu thế kỷ 20 đã có ba thế hệ thi gia Việt Nam viết về Kiều, tập hợp lại thành một bộ với cái tựa chung là “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập”. Tập đầu tiên soạn khi Minh Mạng mới lên ngôi (1820) gồm những bài thơ xướng và họa bằng chữ Hán dựa theo từng hồi của Kim Vân Kiều truyện, do Phụ chính đại thần Hà Tôn Quyền chủ xướng, đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đích thân nhà vua viết một bài Tổng thuyết cho thi tập, cũng bằng chữ Hán. Vào năm 1871, tập tiếp theo do Tự Đức chủ xướng, đích thân nhà vua làm các bài thơ xướng cho mỗi hồi và viết lời tựa (Tổng từ)chung cho thi tập. Tập thứ ba ra đời vào cuối thế kỷ 19, có Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Khuyến tham gia. Những bản chép tay các tập thời Minh Mạng và Tự Đức mang tên "Thanh Tâm tài tử cổ kim minh lương đề tập biên" hiện lcũng được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hà Nội, ký hiệu VNV 240.
Nói tóm lại, dù Truyên Kiều của Nguyễn Du có ra đời trước, sau hay cùng lúc với “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập” thì, như chính tên gọi của công trình này, nó chỉ có thể là sự hưởng ứng với chính tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.
Trên tạp chí Văn học số 2, 1998, trong bài viết "Không có "Bản Kinh" Truyện Kiều do vua Tự Đức sửa chữa đưa in", tuy không phải là bài đánh giá so sánh tác phẩm, nhưng nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn sau khi phân tích, đã khẳng định : "Chắc chắn là : trong khi cầm bút viết Tổng thuyết hay Tổng từ, Minh Mệnh và Tự Đức đều viết về Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, chứ không phải viết về Truyện Kiều của Nguyễn Du".
Như vậy là trong suốt 4/5 thế kỷ 19 và mấy năm đầu của thế kỷ 20, ba thế hệ thi gia xuất sắc nước ta, trong đó có hai ông vua có học vấn uyên thâm là Minh Mạng và Tự Đức, dấy lên một cuộc xướng họa vô cùng tâm đắc với tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thì liệu nó có phải là một tác phẩm “tầm thường thô thiển” ? Lại nữa, qua lời của Tự Đức và ngày nay nhiều người đã biết, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có lời bình của Kim Thánh Thán. Nhà phê bình tài giỏi và kiêu ngạo đệ nhất Trung Hoa này liệu có để tâm đến một thứ phẩm văn chương ?
Nhưng vì lý do gì mà từ lâu văn học sử Trung Hoa không hề nhắc đến Kim Vân Kiều truyện ? Nó đã bị thất truyền ? Nhưng vì sao nó bị thất truyền ? Tôi không biết được. Chỉ biết rằng cho đến năm 1981 người Trung Quốc mới phát hiện ra nó.
Nguyên do là Truyện Kiều của Việt Nam quá nổi tiếng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Trong giáo trình văn học nước ngoài dạy cho sinh viên Trung Quốc, Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là “viên ngọc sáng” của văn học phương Đông. Giới nghiên cứu Trung Quốc đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du là “tác phẩm lớn vạch thời đại”, là “toàn vẹn không khuyết”. Và khi biết rằng cái truyện đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ bắt đầu “nóng mặt” lao đi tìm kiếm. Năm 1981, một nhà nghiên cứu nước này tên là Đổng Văn Thành bất ngờ phát hiện một bản Kim Vân Kiều truyện tại Thư viện Đại Liên. Năm 1983, Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ ấn hành tác phẩm này, từ đó nó mới được biết đến ở Trung Quốc. Giáo sư Đổng Văn Thành đã tiến hành một loạt các nghiên cứu chuyên sâu về Kim Vân Kiều truyện, trong đó có nghiên cứu “So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam ”. Bài so sánh này được nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu dịch, sau 10 năm “lưu hành nội bộ”, đã in trong cuốn “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” (NXB Giáo dục, 2005).
Bài nghiên cứu của ông Đổng Văn Thành được thực hiện công phu, đề cao cả Thanh Tâm tài Nhân lẫn Nguyễn Du, tuy nhiên ông lại lấy quan điểm giai cấp pha thêm một chút tư tưởng Đại Hán để chê những chuyện không đáng chê của Nguyễn Du và đề cao những chuyện không đáng đề cao của Thanh Tâm Tài Nhân. Bởi vậy mà những phân tích của Đổng Văn Thành không có sức thuyết phục, khiến người đọc lại định kiến với Thanh Tâm Tài Nhân. Tôi đọc cũng thấy choáng. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi không im lặng được, đã tức khí viết một bài dài “Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành” đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học tháng 12-2005, “đấu” trực diện với quan điểm lệch lạc của ông này, để bảo vệ Nguyễn Du.
Thành ra câu chuyện về giá trị thật của Kim Vân Kiều truyện cuối cùng vẫn … để đó, dù cả hai tác phẩm đã được in ra phổ biến rồi. Lẽ đời là vậy, phải bảo vệ “người nhà” trước đã, công bằng với “người ngoài” tính sau. Trăm sự đều do thói hồ đồ của cái ông Đổng Văn Thành này cả, ông ta lại một phen làm hại đến uy tín của Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng cần ghi nhận là đã có một số tác giả đã cho giới thiệu song song hai tác phẩm của Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân trong một công trình để người đọc tự đối chiếu, mở đầu cho việc đánh giá công bằng đối với Thanh Tâm Tài Nhân.
Tôi tay ngang trong văn chương, chỉ có thể nói leo tới đó.
Nguồn : Blog của Hòang Hải Vân
P/S : Năm 1972-1973, tôi đã đọc bản dịch "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân từ Thư Viện trường SNA. Đến cuối năm học lớp 7, tôi được sở hữu tác phẩm này trong phần thưởng của mình. Cái hay, cái đẹp của tác phẩm, tôi không đủ kiến thức để bình sọan, nhưng giá trị của nó rõ ràng là có thật...
Nếu cho rằng Nguyễn Du đã đem lại giá trị cho truyện Kiều, thì chính "Kim Vân Kiều truyện" đã tạo nên sự hứng khởi cho đại văn hào và theo bài viết trên, thì không chỉ Nguyễn Du, mà còn bao văn nhân, thi nhân khác nữa như vua Minh Mạng, Tự Đức...Riêng với tôi, "Kim Vân Kiều truyện" với thể lọai văn xuôi đã giúp tôi cảm nhận dễ dàng hơn nội dung câu truyện trước khi bước vào thế giới phong phú của những câu thơ truyện Kiều của Nguyễn Du
No comments:
Post a Comment