Trong một lần dọn dẹp nhà cửa mới đây, họa sĩ Phạm Cung đã tìm lại được hơn 20 bức tranh của thi sĩ Bùi Giáng. Lâu nay, những người yêu mến Bùi Giáng đều biết rằng “trung niên thi sĩ” có vẽ tranh nhưng là vẽ trước năm 1975. Riêng hơn 20 bức tranh họa sĩ Phạm Cung đang lưu giữ đều được Bùi Giáng vẽ từ năm 1982 đến khoảng 1994 trước lúc ông qua đời (1998).
Chỉ vẽ khi ngà ngà…
Họa sĩ Phạm Cung kể rằng khi sinh thời, thi sĩ Bùi Giáng thường lui tới ăn, ở tại nhà ông. Trong những lúc Bùi Giáng ngồi chơi uống rượu xem Phạm Cung vẽ tranh, ông đã ngẫu hứng mượn cọ, xin màu, giấy và… vẽ. Bùi Giáng chỉ vẽ khi đã có tí men ngà ngà cùng với những câu chuyện văn chương nghệ thuật qua nói chuyện với Phạm Cung bốc lên trong đầu. Thế nhưng, những bức tranh của Bùi Giáng lại vẽ những đề tài rất… Bùi Giáng. Chẳng hạn như cách đặt tên những bức tranh như sau: Bò khát bia, Chó hút thuốc, Người say, Người cưỡi ngựa hộc máu, Chân dung người điên, Chân dung, Lão Từ Hải thất vọng… cùng nhiều bức tranh không đặt tên khác.
Những bức tranh Bùi Giáng vẽ trong giai đoạn này (1982 – 1994) tại nhà họa sĩ Phạm Cung chủ yếu bằng màu nước hoặc bút bi trên giấy khổ A4. Màu nước được họa sĩ Phạm Cung mua riêng cho Bùi Giáng vì họa sĩ sợ thi sĩ “nghịch hao” sơn dầu của mình trong thời buổi khó kiếm. Dù được Phạm Cung mua cho nhiều lọ màu nước khác nhau, nhưng Bùi Giáng chỉ dùng một hoặc tối đa là ba màu cho mỗi bức tranh. Tuy vẽ bằng màu nước, vậy nhưng “trung niên thi sĩ” lại dùng cọ chuyên để vẽ sơn dầu.
Họa sĩ Phạm Cung cho biết: “Anh Bùi Giáng vẽ rất mạnh tay nhiều khi rách toạc tờ giấy. Mà vẽ mạnh ta thì không thể dùng cọ vẽ màu nước do đầu cọ mềm nên không làm chủ được nét dày mỏng của bức tranh”. Còn giấy để Bùi Giáng vẽ đa phần là giấy… “phế liệu” do Phạm Cung lúc ấy quá nghèo không mua được giấy trắng, tốt. Khi đó, vợ họa sĩ Phạm Cung buôn bán trà nên ông đã lấy những tờ giấy gói trà màu vàng, ủi phẳng, xếp ngay ngắn dành cho Bùi Giáng. Nguyên vật liệu chỉ đơn giản có vậy, nhưng Bùi Giáng vẽ rất say mê, đến độ hết màu nước ông chuyển sang vẽ bằng bút bi.
Tại sao những bức tranh của Bùi Giáng còn được một họa sĩ lão làng như Phạm Cung gìn giữ đến hôm nay? Họa sĩ Phạm Cung thành thật: “Thực ra họa sĩ chuyên nghiệp như tôi không xem đường nét hay sắc màu trong tranh Bùi Giáng là cái gì cao siêu đâu. Nhưng tôi quý tranh của anh Bùi Giáng vì tư tưởng, cách đặt tên và đặc biệt là những câu thơ anh viết lên bức tranh”. Mỗi bức tranh Bùi Giáng vẽ xong, họa sĩ Phạm Cung xếp cất vào một góc riêng, biểu hiện sự trân trọng những gì Bùi Giáng làm ra, nhưng chính họa sĩ lại lãng quên ngay sau đó.
Mỗi bức tranh là một câu chuyện
Trong số hơn 20 bức tranh của Bùi Giáng, có 2 bức khá đặc biệt: Chân dung do Bùi Giáng tự họa và Lão Từ Hải thất vọng. Bức Chân dung được Bùi Giáng tự họa vào năm 1994. Họa sĩ Phạm Cung cho biết ông có vẽ, làm tượng chân dung Bùi Giáng. Khi Bùi Giáng xem chân dung của mình qua nét cọ Phạm Cung liền ngẫu hứng tự họa chân dung mình. Họa sĩ Phạm Cung đánh giá bức chân dung tự họa này của Bùi Giáng rất xuất thần vì rất… Bùi Giáng.
Còn bức tranh Lão Từ Hải thất vọng (vẽ khoảng năm 1982) có hai câu thơ: “Đêm nay nhớ lại Kiều nhi/ Mới hay không phải tử thi của Kiều” kèm cụm từ: “tặng đại ca” cũng rất… Bùi Giáng. Lão Từ Hải thất vọng vẽ chân dung một người đàn ông râu tóc lởm chởm, sau lưng có đầu một con ngựa. Họa sĩ Phạm Cung nhận xét: Bùi Giáng gọi là vẽ Từ Hải nhưng thực chất cũng là vẽ chính mình. Trong năm 1994, Bùi Giáng cũng vẽ một bức Chân dung người điên với hai con mắt như thơ ông: “Còn hai con mắt khóc người một con”.
Trong số hơn 20 bức tranh của Bùi Giáng đang được họa sĩ Phạm Cung lưu giữ, mỗi bức có một câu chuyện đính kèm thể hiện cuộc sống thời điểm đó của thi sĩ. Như bức Chó thuốc, theo lời họa sĩ Phạm Cung: “Khi đó tui mời anh Bùi Giáng một điếu xì gà do người quen của tui cho, anh đưa lên mũi ngửi tới ngửi lui rồi vẽ thành bức Chó hút thuốc rồi giải thích: Chó còn thèm hút thuốc huống gì là tao. Chó hút thuốc hình như vẽ năm 1982”. Tương tự, bức tranh Bò khát bia cũng thế, điều đó thể hiện sự túng thiếu một thời đến độ thi sĩ phải mượn loài vật để nói hộ mình những nhu cầu cơ bản của một con người.
Theo TRẦN HOÀNG NHÂN
(Thể Thao & Văn Hóa)
No comments:
Post a Comment