Tuesday, October 28, 2008

Tự Lực Văn Đoàn

Xuất xứ:

Tự Lực văn đoàn xuất hiện năm 1932 do Nhất Linh khởi xướng. Đó là một tổ chức văn học, có tôn chỉ, mục đích (công bố trên báo Phong hóa, số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934), có cơ quan ngôn luận là tờ báo Phong hóa (từ 1932 - 1936), sau tờ Phong hóa bị đóng cửa là tờ Ngày nay, có nhà xuất bản Đời nay, chuyên trách xuất bản sách riêng thuộc văn phái mình. Thành viên chính thức của Tự Lực văn đoàn - theo Tú Mỡ, một thành viên chủ chốt của Tự Lực văn đoàn, công bố trên Tạp chí Văn học số 5-6/1938 và số 1/1939 gồm có: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu và Xuân Diệu.

Hoạt động:


Hoạt động trong khoảng 10 năm, với tám người chủ chốt, nhưng văn đoàn này đã đạt được một số kết quả đáng trân trọng. Tám thành viên của Tự Lực văn đoàn thực sự đã trở thành những tác giả truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ trữ tình và thơ trào phúng có vị trí trong văn giới nói chung.

Không chỉ chú trọng in và công bố các tác phẩm của những tác giả trong nhóm văn đoàn của mình, Tự Lực văn đoàn còn rất quan tâm tới việc tạo ra một phong trào văn học bằng việc sốt sắng và nhiệt tình cổ vũ cho những cây bút mới và trẻ, tổ chức đọc, bình giá và trao giải thưởng cho sáng tác của các đồng nghiệp gần xa.

Giải thưởng:

Giải thưởng Tự Lực văn đoàn cứ 2 năm xét trao giải một lần, xét vào các năm lẻ là 1935, 1937, 1939.

Qua ba lần trao giải thưởng, Tự Lực văn đoàn đã “cấp chứng chỉ văn chương” cho các tác phẩm như sau:

Giải thưởng năm 1935, gồm bốn giải khuyến khích với tổng số tiền thưởng là 100 đồng cho:

- Ba, truyện ngắn của Đỗ Đức Thu.

- Diễm dương trang, tiểu thuyết của Phan Văn Dật.

- Bóng mây chiều, tiểu thuyết của Hàn Thế Du.

(Tác phẩm thứ tư hiện chưa rõ).

Giải thưởng năm 1937:

- Về kịch, trao cho Kim tiền của Vi Huyền Đắc, kèm theo 50 đồng.

- Về phóng sự tiểu thuyết (cách gọi của những năm 30-45), trao cho Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, kèm theo 30 đồng.

Giải khuyến khích, trao cho tiểu thuyết đầu tay của nhà giáo Nguyễn Khắc Mẫn có tên Nỗi lòng, kèm theo có số tiền 30 đồng, do một phụ nữ tự nhận tên là L.D (có người cho là Dương Liễu viết tắt ngược lại - một người hâm mộ văn thi gia) gửi nhờ Tự Lực văn đoàn giao.

Giải thưởng năm 1939 được trao đồng hạng cho:

- Làm lẽ, tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư

- Cái nhà gạch, tiểu thuyết của Kim Hà (khi xuất bản thành sách tác phẩm này đổi tên gọi là Tiếng còi nhà máy)

Hai tiểu thuyết này được thưởng mỗi cuốn 100 đồng.

Hai tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ và Nghẹn ngào của Tế Hanh được Ban Giám khảo đặc biệt ưu ái.

Anh Thơ được tặng riêng 30 đồng;

Giải thưởng Tự lực văn đoàn chỉ trao cho các tác giả không phải là thành viên của tổ chức Tự Lực văn đoàn, vì vậy mà tính khách quan của giải thưởng được dư luận chung trong Văn giới đánh giá rất cao. Giải thưởng Tự lực văn đoàn thực sự là một giải thưởng lớn, đáng trân trọng trong tâm tưởng của các nhà văn và bạn đọc lúc bấy giờ.

Một số tác phẩm:

Xin giới thiệu một số tác phẩm được giải của Tự Lực văn đoàn mong muốn làm vừa lòng bạn đọc và góp một phần vào công việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ của dân tộc

1/ Ba

Truyện ngắn của Đỗ Đức Thu
Giải thưởng năm 1935

2/ Diễm Dương Trang

Tiểu thuyết của Phan Văn Dật
Giải thưởng năm 1935

3/ Bóng Mây chiều

* Tiểu thuyết của Thế Du
Giải thưởng năm 1935

4/ Kim tiền

Kịch của Vi Huyền Đắc
Giải thưởng năm 1937

5/ Bỉ vỏ

Tiểu thuyết của Nguyên Hồng
Giải thưởng năm 1937

6/ Nỗi lòng

Tiểu thuyết của nguyễn khắc mẫn
Giải thưởng L.D, do TLVĐ trao năm 1937

7/ Bức tranh quê

Thơ của Anh Thơ
Giải thưởng năm 1939

8/ Nghẹn ngào

Thơ của Tế Hanh
Giải thưởng năm 1939

9/ Tiếng còi nhà máy

Tiểu thuyết của kim hà
Giải thưởng năm 1939

10/ làm lẽ

Tiểu thuyết của mạnh phú tư
Giải thưởng năm 1939

(St)

No comments: