Monday, July 20, 2009

Chuyện giữa những người mới quen

Không biết những chiếc ly đã cụng đến lần thứ bao nhiêu? Không biết chuyện đã đổi đề tài đến lần thứ mấy? Cái không khí riêng mà chung, chung mà riêng ở những quán nhậu xưa nay vẫn thế. Chuyện kể ra ở đây, có thể quên ngay cả trước lúc ra về, nhưng câu chuyện giữa hai chúng tôi (những người ngồi bên nhau hoàn toàn do run rủi) cứ ám ảnh tôi.

Đã 17 tiếng đồng hồ trôi qua, không đừng được, tôi đã ngồi vào bàn phím. Chuyện qua chuyện lại, cậu ta cho biết là khi tôi chiến đấu ở vùng ấy thì cậu ta chưa chào đời. Nhưng nhắc lại những địa danh như Yên Ninh, Yên Khánh, Khánh Ninh, Bến Xanh v.v… thì cả hai chúng tôi đều biết. Với cậu ta là quê hương, còn với tôi là một thời chiến trận, có những mối tình quân dân không thể thấy lại được trên đời.Xã cậu ta hàng năm có những cái tang chung, hậu quả những trận càn, những trận ném bom do giặc Pháp để lại.

Nhiều năm trôi qua, nỗi đau chung đã nguôi ngoai, không còn khói hương mù mịt rặng tre, không còn tiếng hờ tiếng khóc râm ran cả một vùng. Nhưng còn một đám tang, chỉ một đám, riêng mà chung hàng năm vẫn diễn ra đầy ai oán. Chung là vì người quá cố là người trong họ. Riêng là cái chết do một bên trong họ, do người cùng máu mủ gây ra.Cổng nhà ông thiếu tá nghỉ hưu, cứ hàng năm có một ngày người trong nhà không dùng đến, ra vào bằng lối khác. Cái cổng dành riêng cho bên nhà ông nguyên xã đội trưởng, chết cách đây đã năm mươi hai năm lập bàn thờ. Con cháu ông Xã đội làm giỗ cúng ông ở đó, ngay cổng nhà ông Thiếu tá, tàn hai hiệp hương rồi mới mang về bàn thờ chính ở nhà. Ông Thiếu tá và ông Xã đội là anh em thúc bá, ông Thiếu tá ngành dưới. Ai không biết thì nghĩ rằng ông Xã đội đã chiến đấu và hy sinh ở đó? Mà nghĩ như thế thì cũng đúng phần nào. Ông Xã đội chiến đấu là chiến đấu chống Pháp, còn ông hy sinh thì lại do chính bàn tay đồng chí của mình.

Món lẩu ốc đã được mang lên. Chủ quán thân chinh rút bao thuốc “Man Trắng” mời từng người, rồi sau đó mang ra một bình rượu xinh xinh chuốc mỗi người lưng chén. Cái này chắc thuộc dòng “đại bổ tửu” nên không thể uống nhiều. Trong nồi lẩu chen chúc như hội chợ triển lãm ngày khai mạc. Những chú ốc béo núng nẫn, những miếng chuối nhừ như nặn bằng bột, sự dằng co êm ái của những miếng đậu phụ rán già, lại có những miếng xạc xờ vô duyên như những lát thịt nạc. Ô hay, dọi đâu? ba chỉ đâu? Cái thứ này chắc nằm trong những viên mọc, hay trong gói vằn thắn ốc? Nồi lẩu xuất hiện như cô gái trẻ vận quần gin trễ đến mức không thể tụt hơn, đi giữa làng Khương Thượng không còn bóng dáng các bà yếm sồi, khăn vuông mỏ quạ. Cái bát bún ốc cổ truyền đi Văn Điển hết rồi hay sao? Hay thương trường đã định hướng đi tới Lẩu Ốc!?

- Kính cụ! lại cụng ly (mỏi cả tay).

- Kể tiếp đi cậu, tớ bị cậu ám rồi đấy nhé! Câu chuyện tiếp theo được cái cậu quê ở Khánh Ninh kể tiếp.

Trong lúc nghe, tôi đã đôi lần liếc sang xem cậu ta có say không, mà câu chuyện cứ hư hư thực thực, cứ như bịa.

- Sau hòa bình, quê cháu “cải cách”. Bác đã biết cái vùng này, một thời tề dõng, vệ sĩ, quân của đời, quân của chúa lộn tùng phèo, nên việc đấu tố gắt gao hơn nhiều vùng khác. Địa chủ, Phản động tuy hai mà một, tuy một mà hai, làm rối đầu các ông bà “Đội”. Ông Thiếu tá ngày ấy là đội trưởng một đội, nhưng đi hoạt động ở vùng khác. Ông Xã đội vẫn ở lại thôn, nhưng không ở trong “đội”. Một hôm ông xã đội được chính quân của mình bắt đi giam lại. Người ta phát hiện ông là Quốc Dân Đảng. Ông không thẳng tay với các cha cố. Ông chỉ khuyên bảo với các con cháu đi vệ sĩ, chứ không trừng trị gắt gao. Bố ông ngày xưa lại từng đi lính khố đỏ… Hồ sơ về ông qua những lần đấu tố cứ dầy lên cho đến khi ông “đủ tiêu chuẩn”.Khi đã “đủ tiêu chuẩn”, ông được đưa ra xử ở tòa án nhân dân lưu động. Ông lĩnh án tử hình. Bắn phản động phí đạn, ông được xử theo sáng kiến của đội. Ông phải công khai cái lá gan to của ông đã chống lại nông dân, chống lại cách mạng. Ông em ông (ông thiếu tá hưu bây giờ) được điều về để chính tay xử ông anh. Để dâng cao ý chí cách mạng tiến công. Để tỏ rõ người cách mạng không vì tư tình, vị nể. Một phát tên mà “đội” đã nhằm nhiều đích. Ông em đã dùng dao bầu mổ bụng ông anh theo “tiêu chuẩn”.

Thời gian sau, trong sửa sai, ông xã đội được công nhận chỉ chống tây chứ không hề chống ta. Mọi thứ ông đều được đền bù, riêng cái lá gan thì nó nát mất tiêu không thể bỏ lại bụng ông được nữa. Cũng vì thế con cháu nhà Xã Đội mới lấy cái cổng nhà Thiếu Tá để hàng năm cúng tế cái oan hồn ông, để ông được ngậm cười (hay ngậm miệng) nơi chín suối…

- Nào, cạn chén chúc sức khỏe cụ, cụ còn minh mẫn lắm!

Cạn chén rượu, trong lòng thấy các con cháu nhà xã đội kia, thiển cận, nhìn gần. Tại sao lại lấy ông Thiếu tá làm cái bung xung. Chịu khó vác ban thờ ông Xã đội đến cái nơi gốc gác đã sinh ra cái “tiêu chuẩn” ấy mà hương khói. Hương khói một thể cho cái “tiêu chuẩn” vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm ấy.

Anh bạn ơi, hình như không phải vì rượu mà là vì câu chuyện của anh đã làm tôi không còn minh mẫn nữa. Nhưng trách anh thì cũng không phải lẽ! Cũng là hồ đồ! Tôi cũng xin lỗi anh, nếu câu chuyện tôi viết không thật đúng những điều anh kể ra… Thì cũng chỉ vì chén “ngự tửu” của thằng cha chủ quán. Hắn đây này!

Nguồn : Blog Linh Gia

No comments: