Tuesday, November 11, 2008

QUANG DŨNG, THƠ MỘT THỜI CỦA MỘT ĐỜI BẤT ĐẮC CHÍ

Thi nhân yêu quê hương và hình như lúc nào trong tâm thức cũng lẩn quẩn những bước chân hay những hình bóng của quê nhà. Với Quang Dũng, quê hương là con sông Đáy hiền hòa một dòng lửng lơ chậm rãi giữa hai bờ xanh tươi những bãi mía nương dâu. Quê hương là Bương, Cấn, là núi Sài Sơn, là những làng đồi, có những giếng nước trong soi đôi mắt cô thôn nữ đa tình:



“Bao giờ trở lạo đồng Bương, Cấn

Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng..”



Sơn Tây, nơi có “ đôi mắt người Sơn Tây/ u uẩn chiều lưu lạc / buồn viễn xứ khôn khuây.”Sơn Tây, nơi “vừng trán em mang trời quê hương/ mắt em dìu dịu buồn Tây Phương/Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm / em có bao giờ em nhớ thương/”

Bài thơ “ Đôi mắt người Sơn tây” mang cái u uẩn của người xa xứ, luôn hoài niệm nhớ về quê làng xưa, thôn ấp cũ. Chiến tranh làm mọi người trôi dạt, nhưng vẫn mong có ngày trở về, để nghe tiếng sáo thanh bình, thấy lại đỉnh Ba Vì, để thấy lại quê Bất bạt…

Và , không phải Quang Dũng chỉ là một thi sĩ , mà ông còn là nhạc sĩ. Bài hát “Ba Vì”thông dụng trong thời kháng chiến có những câu như:



Ba Vì mờ cao

làn sương chiều xa buông

gió về hương ngát thơm

đưa hồn về đâu?..



Một bản nhạc của tấm lòng yêu quê hương thiết tha!

Quang Dũng (1921-1988) từ trần vào ngày 14 tháng 10 năm 1988 thì vào ngày này mười lăm năm sau , năm 2003, tình cờ tôi giở đúng một trang sách cũ viết nhân ngày kỷ niêm năm năm ngày mất của thi sĩ. Bài viết “Khúc Độc Hành Quang Dũng” của một tác giả tên Văn Chinh đăng trong nguyệt san Văn Nghệ Quân Đội xuất bản ở Hà Nội tháng 10 năm 1993. Trong đó tôi tìm được một vài đoạn làm tôi suy nghĩ. Như:

“… Dọc con đường đến hiệu cà phê Hói, tôi cứ trân trân ngó tấm lưng gấu hơi gù của Quang Dũng, lòng cứ thắc mắc mãi. Một thân hình cao to quá khổ, mỗi bữa ăn hết một cân gạo cơm mậu dịch với năm mét phiếu vải và mười ba cân rưỡi gạo, ông sống thế nào nhỉ?

Vậy mà ông đã đổ vạ cho tôi những tội danh “anh hùng cá nhân tiểu tư sản”! Trong sổ tay chép thơ hồi tôi còn đi học có bài Tây Tiến. Bị phát hiện, tôi phải làm kiểm điểm. Tôi còn nhớ rất rõ những day dứt tự xỉ vả và cả quá trình phấn đấu đầy nhọc nhằn xóa bài thơ khỏi trí nhớ và thản nhiên đốt cuốn sổ tay thơ. Cũng còn nhớ cảm giác chân thành thích thú rồi chân thành ghét bỏ Tây Tiến…”

Ơ kìa, tại sao một bài thơ có thể gọi là tuyệt tác của thi ca Việt Nam mà lại bị coi như tài liệu quốc cấm như the?. Tại sao mà phải nhọc nhằn xóa bỏ bài thơ, phải đốt bỏ, phải tự kiểm điểm để ghét bỏ nó.?Có phải vì chính sách chủ trương của lãnh đạo văn nghệ Đảng như vậy ?

Nhà thơ Quang Dũng đã tự nói về bài thơ tuy tâm huyết nhưng lại gây tai họa cho cuộc đời mình như sau trong bài viết “Nhớ về Tây Tiến" in trong Sách Nhà Văn nói về Tác Phẩm , Nhà xuất bản Văn Học :

“.. Chúng tôi lúc đầu đi bằng ô tô, sau chuyển sang hành quân bằng đôi chân, thực sự nếm mùi Tây Tiến: mở rừng, ngủ rừng. Những cái dốc thăm thẳm” heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu ngươi” .. tôi mô tả trong thơ rất là thực… Hồi ấy trong đoàn chúng tôi có rất nhiều người sốt rét trọc cả đầu. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn nên bộ đội không những bị ốm mà còn chết vì sốt rét cũng nhiều. Chúng tôi đóng quân ở nhà dân cứ mỗi lần nghe tiếng cồng nổi lên, lại tập trung ra đến nhà trưởng thôn để tiễn một con người vĩnh biệt núi rừng. Tiếng cồng ở Tây Tiến thật buồn. Buồn đến nẫu ruột. Kể chuyện lại, bây giờ tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng cồng…"

Tại sao một bài thơ mà mang lại nhiều hứng cảm cho tác giả đến cả mấy chục năm sau lại bị để ý và coi như là có “vấn đề” ? có phải vì thành phần “tạch tạch sè(tiểu tư sản)” của lý lịch tác giả? Hay vì lòng ghen tài của thợ thơ Tố Hữu người cầm cân nẩy mực lãnh đạo văn nghệ của Đảng ? Hoặc vì ý tưởng lãng mạn của bài thơ nói thực cái tâm cảm của một người yêu nước ? Chỉ biết, về sau, một tài năng thơ như Quang Dũng mà phải long đong mưu sinh và những tác phẩm sau cũng là những gượng gạo, những bươc chân đi trong vòng kiềm tỏa, mang mang tâm thức của một người bất đắc chí lầm lũi trong cuộc nhân sinh. Cơm áo bó buộc, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, những nhu cầu tối thiểu của một con người cũng chưa đầy đủ, chưa nói đến cái nổi hãi sợ cứ luôn ám ảnh. Hoàn cảnh ấy làm sao mà có được môi trường sáng tác tốt cho văn chương hiển lộng?

Nhà văn Phan Lạc Tiếp khi từ hải ngoại trở về thăm quê nhà có ghé đến thắp hương trên bàn thờ nhà thơ Quang Dũng và cảm khái :

“..Và những ngày cuối đời của Quang Dũng thật buồn. Ốm đau nằm không còn nói được . Và đến lúc ấy, lúc nằm chờ chết , Hà Nội mới cho in tác phẩm của anh, “Mây Đầu Ô" vào tháng 5 năm 1986. bạn bè đến thăm và mừng táv phẩm anh phải nhờ con viết và ký hộ. Cứ vất vưởng như thế “làm khổ vợ con”:



“ Răng long , đầu bạc lo cơm áo

Tay em : chìa khóa của đời anh

Cái nghèo đeo đuổi mãi không thôi

Chăn không có đắp , tiết đông rồi

Các con oán mẹ không tháo vát

các con trách cha không thức thời..”



Từ xưa đến nay, chiến tranh đã là một hứng khởi cho thi nhân. Chỉ có nỗi niềm của người chinh phu chinh phụ cũng đủ làm cho tâm tư người đọc rung động thiết tha với biết bao nhiêu liên tưởng trùng điệp. Có mấy ai không cảm thấy chất ngất qua những câu Lương Châu từ của Vương Hàn đời Thịnh Đường “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi. Dục ẩm tì bà mã thượng thôi. Túy ngọa sa trường quân mạc tiaú . Cổ Lai chinh chiến kỷ nhân hồi” mà cụ Vân Bình Tôn Thất Lương đã dịch:



"Rượu bồ đào, chén dạ quang

Ngập ngừng muốn uống tiếng đàn giục đi

Say nằm bãi cát li bì

Xưa nay chinh chiến người đi ai về”



Hay, đọc những câu Chinh Phụ Ngâm, những xúc cảm lại rưng rưng trong tâm thức.Những hùng tráng trộn lẫn với những thiết tha, nỗi nhớ mong cộng với niềm cô quạnh, tất cả làm thành một thế giới lãng mạn cho ký ức mỗi người . Những hình ảnh tạo dựng bằng thi ca đã thành những vệt ghi chép hằn trong bộ óc nhớ maĩ tận ngàn sau.

Tôi lại nhớ đến những câu thơ Nguyễn Bắc Sơn. Những vần hào sảng ngang tàng. Những hình ảnh đẹp mà buồn bã, những câu thơ hùng tráng mà vẫn đầy chất lôi cuốn Thơ như những giong tay đi vào một thế giới lửa đạn, những câu như :”… Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu. Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo. Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo. …’’ hay “ Lỡ mai đụng trận may còn sống .Về ghé sông Mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm. Đốt tiền mua vội một đêm vui… “ Những nỗi buồn rất thật. Chiến tranh của những người yêu hòa bình, cầm súng để tự vệ. Bao nhiêu năm , những thanh niên cùng huyết thống giết nhau vì trò chơi chủ nghĩa. Máu xương chồng chất, sinh lực dân tộc bị phung phí vào đấu trường bày ra bởi những cường quốc chia hai phe quốc cộng tương tàn lẫn nhau. Vì chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai, miền Bắc gây ra cuộc chiến để bao nhiêu bi kịch xảy ra suốt mấy chục năm cho dân tộc. Thơ Nguyễn Bắc Sơn buồn như tâm sự mênh mang thiên cổ, của tấm lòng thi sĩ sinh bất phùng thời . Thơ là kết tinh từ nỗi đau gửi gấm lại cho đời những hằn dấu chung mang của cả một thế hệ. Thơ có chia sẻ chung của những con tim đập những nhịp đập của thời quốc biến vang dội từ tiếng trống thúc quân xa xưa đến âm vọng chinh phu chinh phụ bây giờ. Tôi thích thơ Nguyễn Bắc Sơn bởi lắng nghe một mẫu số chung của thời đại chúng tôi từ ngôn ngữ chân thành và nhịp điệu giục giã. Những người lính, không chỉ đơn thuần là những chiến sĩ mà là những con người tràn đầy tình cảm. Thơ nẩy sinh từ traí tim…

Trở lại bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng vẽ laị những hào hùng của những chàng trai Hà Nội.Theo lời nhà văn Mai Thảo khi còn sinh tiền hay kể về đơn vị đặc biệt này thì Trung đoàn Tây Tiến thành lập từ đầu năm 1947 gồm những chàng trai tiểu tư sản xuất thân từ thành thị. Họ xuất quân đi về phía biên giới Lào với những địa danh như châu Mai, châu Mộc sang Sầm Nứa rồi vòng qua phía tây Thanh Hóa. Lính Tây Tiến có những học sinh cũ các trường Bưởi, Thăng Long, Bảo Hộ …như Quang Dũng , Vạn Thắng, Tuấn Sơn, Như Trang. .. Lại có những nhân vật đặc biệt như bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, hay cô y tá nổi tiếng hoa khôi một thời của Hà Thành mỹ danh Phương Lan một thời đã làm rung động những trái tim trai trẻ….

Quang Dũng viết bài thơ trong cái hào khí một thời, chất ngất xúc cảm,đầy ắp không khí của Kinh Kha bên bờ Dịch Thủy:



“ Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”



Những câu thơ mang lại tai họa cho Quang Dũng. Những câu thơ mà ngày sau có người đọc lại bị lôi cuốn vào những xúc động trùng trùng. Thơ như những làn kiếm sắc, vút lên rồi loang loáng ánh trăng. Những ngôn ngữ có âm vang của đồng vọng thiên cổ, của những hy sinh vô bờ mà con dân nước Việt ra đi không tiếc nuối xác thân:



“ ..Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”



Tây tiến là một cuộc hành quân qua Lào từ ngõ Tây bắc để mở một mặt trận mới nhằm chia sẻ chủ lực của quân Pháp. Địa hình cực kỳ hiểm trở, và cuộc di hành đầy gian khổ đói rét . Trung đoàn Tây Tiến sau cuộc hành quân trở về bị hao hụt quân số trầm trọng . nhưng, theo Đỗ lai Thúy thì nhan đề của bài thơ còn một ý nghĩa nữa :

“..Đó là một chuyến đi về phía Tây, phía núi , phía mặt trời lặn, phía , theo quan niệm dân gian, của những người chết. Không phải ngẫu nhiên mà xưa nay nghĩa địa làng , những làng ma đều ở phía tây. Và người chết đều được chôn chân về hướng núi , Tây Tiến như vậy , là từ ( chìa khóa của bài thơ, bó lá dứa gai treo trước cổng những ngôi nhà tang tóc , điềm báo về cái chết.



Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục bên súng mũ bỏ quên đời..



Nhưng cũng có lúc , sự lãng mạn đã đưa suy tưởng đến vùng liên tưởng xa hơn không gian và thời gian hiện tại. Mơ mộng giống như một sự thúc đẩy như hình ành vườn lê thơm ngọt của Tào Tháo gợi ra khi cả đoàn quân đang khát nước đến cực độ. Con người chiến sĩ cùng với tâm thức thi sĩ đã vượt qua những khắc nghiệt của chiến tranh, những gian nan của thiên nhiện cheo leo hiểm ác. Một phản xạ lạc quan của những người vì lòng yêu đất nước mà quên mình:



Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

kìa em xiêm áo tự bao giờ

khèn lên man điệu nàng e ấp

nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

người đi châu Mộc chiều sương ấy

có thấy hồn lau nẻo bến bờ

có nhớ dáng người trên độc mộc

trôi dòng nước lũ hoa đong đưa..



Những câu thơ diễn tả lại một tâm trạng của một thế hệ . Có câu thơ nào gợi lại cho chúng ta một cảm giác mạnh mẽ hơn câu thơ “ áo bào thay chiếu anh về đất . Sông Mã gầm lên khúc độc hành…” Chữ “ gầm lên khúc độc hành” thật nhiều gợi cảm, thật nhiều liên tưởng đến những hình ảnh một thời hào hứng của đất nước chiến tranh.

Rồi câu “mắt trừng gởi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm… “ lại bị phê bình là đầy chất tiểu tư sản mà mục tiêu nhắm đến của những cuộc đấu tranh giai cấp. Kháng chiến gian khổ mà còn nghĩ đến tình cảm lãng mạn ngại khó ngại khổ không chịu hy sinh!!!

Đảng chuyên chế muốn con người thành những bộ máy vô tri không yếu mềm tình cảm. Thành ra, chế độ ấy đã mang cơm áo làm vòng kim cô để trói buộc con người. Cũng như, những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường một đời trí thức thông minh tài hoa hết mực mà bị chế độ trù dập đến khi chết mà vẫn còn thấy “ sợ “.Họ đánh vật với sinh kế chưa xong nói gì đến chuyện thực hiện những tâm đắc của đời mình. Một người như Nguyễn Tuân mà giới văn nghệ gọi là Nguyễn Bất Tuân với nhiều giai thoại cũng phải chịu khuất phục và thú nhận mình sống còn đến lúc đó là biết sợ.

Quang Dũng thời kháng chiến tài hoa là như vậy , anh dũng là như vậy mà sau này bị loại khỏi quân đội , làm một nhân viên có cấp bậc lương thấp kém nhất và lúc nào cũng lẩn quẩn với sinh kế, vật lộn đến hụt hơi với cái ăn cái mặc . Người ông to cao nên sức ăn cũng nhiều hơn người thường nên bị đói kinh niên. Thảm thương cho người thi sĩ khi qua một câu chuyện kể về một bữa ăn giữa Quang Dũng và Nguyễn Tuân . Khách là Quang Dũng ăn hết tám bát xôi thịt trong khi người mời là Nguyễn Tuân chỉ ăn có một bát . Và câu mời lễ phép “Thưa ông , ông dùng nữa ạ?” của tác giả Vang Bóng Một Thời Với câu trả lời bình thản của Quang Dũng “ Vâng “ tới tám lần như một điệp khúc nhói đau, của những người sinh ra lầm thế kỷ . Một người văn võ toàn tài, biết võ nghệ , đánh kiếm , lại thơ văn trác tuyệt , thế mà cứ lủi thủi trong góc hẹp thành phố để có lúc phải thét lên trong Mây Đầu Ô:



Mây ở đầu ô mây lang thang

Ôi ! chật làm sao

Góc phố phường

Mây ở đầu ô

Hẹn những chân trời xa lạ…



Cho nên, khi Quang Dũng được nghe những bài thơ như Đôi Bờ hay Đôi Mắt Người Sơn Tây được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc qua giọng hát Thái Thanh thì nước mắt lại ròng ròng vừa cảm khái vừa sợ sệt. Cũng như khi nghe ai đó tán thưởng câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm “ thì thi sĩ lại chắp tay lại than thở “ Tôi suốt một đời khổ vì những câu thơ này!”. Ôi một chế độ bạo tàn đã làm sĩ khí Bắc Hà chỉ còn như trong chuyện cổ tích.Đã xa xôi lắm rồi có phải những ngẩng cao đầu đứng dậy nhìn ánh mặt trời?…Thế mà vẫn còn những câu thơ sống mãi. Như bài thơ Tây Tiến, như Đôi Mắt Người Sơn Tây…

Nguyễn Mạnh Trinh

No comments: