Monday, July 20, 2009

30 Tháng 4 Tưởng Nhớ Nhà Văn Chu Tử

Sáng ngày 2-5 của hơn ba chục năm về trước tại Subic Baỵ Tôi đứng dưới con đường dốc lối đi bệnh xá nhìn lên đám người đi ngược về khu tạm trú, chưa kịp vỡ cơn mừng đã vội tắt nụ cười, sững câm bởi vừa nhìn thấy Sơn với đôi nạng gỗ, có Vân dìu đỡ, khấp khểnh lê từng bước. Bà người làm tay bồng tay dắt hai đứa con gái của đôi vợ chồng người con trai lớn của nhà văn Chu Tử. Cả bà Hai lẫn Vân cũng vừa nhận ra tôi, mừng tủi khóc òa lên một lúc.

Tôi đón nhận tin ông Chu Tử chết trong buổi sáng hoang mang xao xác đó. Buổi sáng ngơ ngẩn như hồn đi lạc, xác thân cũng lạc, đường đột bước đi đến nơi bờ bến lạ, không ý thức được rằng mình đi như thế là đi xa đất nước, là rời bỏ quê hương. Tôi nghe choáng váng và lòng tầm tã một cơn mưa buồn thảm... Trọn cái tiểu gia đình đứng trước mặt tôi đều mang thương tích từ mảnh vụn B-40 quân Cộng bắn vào chiếc Việt Nam Thương Tín. Quả đạn đã giết được người và chỉ giết một người trong cái đám đông hốt hoảng chạy tìm đời sống và đất sống. Con người xấu số đó là nhà văn Chu Tử.

Định mệnh nào tai ác đã thù hằn theo đuổi để hại cho bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy, trong quãng giờ khắc điêu linh bất hạnh ấy của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình hài yếu đuối như hình hài Chu Tử, trưa ngày 30 tháng Tư, 1975 – khi ông buồn bã đứng dựa thành tàu, nhìn Saigon lần cuối, nhìn quê hương lần cuốỉ...

Chu Tử bị bắn một lần hồi tháng Tư, 1966 ngay trước nhà trong con hẻm trường Hoài An, Phú Nhuận - vỡ một mảnh hàm - nhưng ông sống sót và hồi phục chóng vánh kỳ diệu trong thương yêu phẫn nộ của công luận. Viên đạn oan khiên nghiệp chướng ngày 30 tháng Tư 75 cũng đã thổi bay hàm dưới và là viên đạn chí tử, dứt điểm mà định mệnh đã dành cho đời Chu Tử.

Tôi như nhìn thấy ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trên vũng máu và kêu rên, và gọi tên thống thiết đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã cùng mẹ, cùng em và chồng con ở lại... Tôi như nghe được cả tiếng ông giục Sơn dốc trọn ống thuốc ngủ cho ông nuốt chửng để khỏi kéo dài cơn thảm thiết. Chu Tử đã chào thua định mệnh, chết dữ dằn và phải chết trầm hà. Số mệnh tham lam đã bắt ông phải trả cả vốn lẫn lời quá nặng.

Tôi đã vô cùng gần gụi và có quá nhiều kỷ niệm với nhà văn Chu Tử. Đầu năm 64, tờ Ngày Nay của ông Hiếu Chân bị đóng cửa, tôi đã rời Ngày Nay, theo ông trong cái ê-kíp đầu tiên viết mướn cho cho những vị chủ báo, có vị không bao giờ viết báo. Từ tờ Tương Lai, Tiền Tiến của “vua thầu khoán” Đỗ Cường Duy. Rồi tờ Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền, Tranh Đấu của ông “vua đái đường” Ngô Đức Mão, Bến Nghé của “vua bóng bàn” Đinh Văn Ngọc... cho đến khi Chu Tử xin được măng-sét ra riêng tờ Sống, đứng tên Chủ nhiệm, tất cả kéo nhau về tòa soạn cũ trên đường Hồ Xuân Hương.

Cái “ê-kíp Chu Tử” đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn có vài người. Ngồi thường trực trong tòa soạn có Hoàng Anh Tuấn, Trọng Tấu, Đằng Giao và tôi. Vợ chồng Trần Dạ Từ – Nhã Ca và Tú Kếu mỗi đêm đến làm tin, dịch tin. Duyên Anh phụ trách trang thiếu nhi. Vũ Dzũng, Đỗ Quý Toàn trang Thanh niên, Sinh viên. Nguyễn Ang Ca ký giả thể thao, kịch trường. Võ Hà Anh phóng viên chạy ngoài. “Cô” Kim Chi Hoàng Anh Tuấn lo giải đáp tâm tình và tử vi đẩu số! Anh Hợp, Nguyễn Thụy Long, Tuấn Huy, Nguyễn Đức Nam, Lương Quân, Tiền Phong Từ Khánh Phụng viết tiểu thuyết trang trong, lâu lâu mới ghé một lần đưa bài và lấy tiền nhuận bút. Nhân vật “ngoại hạng” phải kể là “chí sĩ” Minh Vồ đặc trách mua bông giấy và ngoại giao với phòng Kiểm duyệt bộ Thông Tin, xin lại giấy phép mỗi khi bị chính quyền đóng cửa...

Tôi đã gần gụi ông Chu Tử trong cả trong đời sống bên ngoài tòa báo, can dự vào nhiều biến cố của gia đình ông như một thành phần ruột thịt. Ông cũng coi tôi như ruột thịt của gia đình và dành cho tôi một tin cậy, mến thương sâu đậm. Tôi đã chứng kiến ông hoan lạc, bi thương, vui, buồn, hờn giận... Chứng kiến một Chu Tử hồn nhiên đúng như Nguyễn Mạnh Côn nhận xét, “Một tâm hồn đứa trẻ trong thể xác ông già”. Nhưng có lẽ tôi thấy đời ông thống khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thể xác ông phải chịu những đớn đau nhiều và quá độ đối với hình hài yếu mảnh nhưng mạnh mẽ tinh thần phấn đấu. Như chứng kiến lần Minh Vồ chở ông sau chiếc vespa, bị taxi đụng gẫy chân để Chu Tử phải chống nạng và có bút hiệu Kha Trấn Ác trong mục “Ao Thả Vịt”. Lần ông bị bắn bốn viên đạn, phải đóng đinh trong hàm để giữ bộ răng giả, tay run lật bật khó khăn cầm bút và mất ngủ đến rên la kêu trời réo đất hàng đêm...

Nhưng tất cả những đau đớn thể xác ấy gom lại cũng không bằng cái đau thương thống khổ của ông ngày Chu Trọng Ly, đứa con trai út ông đặt lòng thương quý đã hủy mình bằng viên đạn carbine nổ vào đầu năm 14 tuổi. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, dịch giả Phan Huy Chiêm và tôi đã ở bên ông, trong căn phòng cho mượn của ông thẩm phán Phạm Hải Hồ đằng sau khu chợ Bà Chiểu, mủi lòng, bối rối, cảm thương, cực cùng xúc động trước cơn vật vã và tiếng khóc thê lương của người cha cô khổ.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Hơn ba mươi ngày 30 tháng Tư đánh dấu Việt Nam quốc hận. Hơn ba mươi năm ngậm ngùi tưởng niệm Chu Tử chết cùng vận nước. Tôi day dứt nhớ và tiếc nhiều điều chưa trọn vẹn cùng ông. Chu Tử sống mang biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một con người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung quanh... Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận.

Người như ông, đem thân lưu lạc mà nhìn thấy đám nhân loại nhơ bẩn quá nhiều, lừa dối, gian manh, đê tiện quá nhiều, sẽ héo hon, cô đơn thê thảm gấp trăm lần cái cô đơn thê thảm ngày xưa trên đất nước...

Đào Vũ Anh Hùng

Chuyện giữa những người mới quen

Không biết những chiếc ly đã cụng đến lần thứ bao nhiêu? Không biết chuyện đã đổi đề tài đến lần thứ mấy? Cái không khí riêng mà chung, chung mà riêng ở những quán nhậu xưa nay vẫn thế. Chuyện kể ra ở đây, có thể quên ngay cả trước lúc ra về, nhưng câu chuyện giữa hai chúng tôi (những người ngồi bên nhau hoàn toàn do run rủi) cứ ám ảnh tôi.

Đã 17 tiếng đồng hồ trôi qua, không đừng được, tôi đã ngồi vào bàn phím. Chuyện qua chuyện lại, cậu ta cho biết là khi tôi chiến đấu ở vùng ấy thì cậu ta chưa chào đời. Nhưng nhắc lại những địa danh như Yên Ninh, Yên Khánh, Khánh Ninh, Bến Xanh v.v… thì cả hai chúng tôi đều biết. Với cậu ta là quê hương, còn với tôi là một thời chiến trận, có những mối tình quân dân không thể thấy lại được trên đời.Xã cậu ta hàng năm có những cái tang chung, hậu quả những trận càn, những trận ném bom do giặc Pháp để lại.

Nhiều năm trôi qua, nỗi đau chung đã nguôi ngoai, không còn khói hương mù mịt rặng tre, không còn tiếng hờ tiếng khóc râm ran cả một vùng. Nhưng còn một đám tang, chỉ một đám, riêng mà chung hàng năm vẫn diễn ra đầy ai oán. Chung là vì người quá cố là người trong họ. Riêng là cái chết do một bên trong họ, do người cùng máu mủ gây ra.Cổng nhà ông thiếu tá nghỉ hưu, cứ hàng năm có một ngày người trong nhà không dùng đến, ra vào bằng lối khác. Cái cổng dành riêng cho bên nhà ông nguyên xã đội trưởng, chết cách đây đã năm mươi hai năm lập bàn thờ. Con cháu ông Xã đội làm giỗ cúng ông ở đó, ngay cổng nhà ông Thiếu tá, tàn hai hiệp hương rồi mới mang về bàn thờ chính ở nhà. Ông Thiếu tá và ông Xã đội là anh em thúc bá, ông Thiếu tá ngành dưới. Ai không biết thì nghĩ rằng ông Xã đội đã chiến đấu và hy sinh ở đó? Mà nghĩ như thế thì cũng đúng phần nào. Ông Xã đội chiến đấu là chiến đấu chống Pháp, còn ông hy sinh thì lại do chính bàn tay đồng chí của mình.

Món lẩu ốc đã được mang lên. Chủ quán thân chinh rút bao thuốc “Man Trắng” mời từng người, rồi sau đó mang ra một bình rượu xinh xinh chuốc mỗi người lưng chén. Cái này chắc thuộc dòng “đại bổ tửu” nên không thể uống nhiều. Trong nồi lẩu chen chúc như hội chợ triển lãm ngày khai mạc. Những chú ốc béo núng nẫn, những miếng chuối nhừ như nặn bằng bột, sự dằng co êm ái của những miếng đậu phụ rán già, lại có những miếng xạc xờ vô duyên như những lát thịt nạc. Ô hay, dọi đâu? ba chỉ đâu? Cái thứ này chắc nằm trong những viên mọc, hay trong gói vằn thắn ốc? Nồi lẩu xuất hiện như cô gái trẻ vận quần gin trễ đến mức không thể tụt hơn, đi giữa làng Khương Thượng không còn bóng dáng các bà yếm sồi, khăn vuông mỏ quạ. Cái bát bún ốc cổ truyền đi Văn Điển hết rồi hay sao? Hay thương trường đã định hướng đi tới Lẩu Ốc!?

- Kính cụ! lại cụng ly (mỏi cả tay).

- Kể tiếp đi cậu, tớ bị cậu ám rồi đấy nhé! Câu chuyện tiếp theo được cái cậu quê ở Khánh Ninh kể tiếp.

Trong lúc nghe, tôi đã đôi lần liếc sang xem cậu ta có say không, mà câu chuyện cứ hư hư thực thực, cứ như bịa.

- Sau hòa bình, quê cháu “cải cách”. Bác đã biết cái vùng này, một thời tề dõng, vệ sĩ, quân của đời, quân của chúa lộn tùng phèo, nên việc đấu tố gắt gao hơn nhiều vùng khác. Địa chủ, Phản động tuy hai mà một, tuy một mà hai, làm rối đầu các ông bà “Đội”. Ông Thiếu tá ngày ấy là đội trưởng một đội, nhưng đi hoạt động ở vùng khác. Ông Xã đội vẫn ở lại thôn, nhưng không ở trong “đội”. Một hôm ông xã đội được chính quân của mình bắt đi giam lại. Người ta phát hiện ông là Quốc Dân Đảng. Ông không thẳng tay với các cha cố. Ông chỉ khuyên bảo với các con cháu đi vệ sĩ, chứ không trừng trị gắt gao. Bố ông ngày xưa lại từng đi lính khố đỏ… Hồ sơ về ông qua những lần đấu tố cứ dầy lên cho đến khi ông “đủ tiêu chuẩn”.Khi đã “đủ tiêu chuẩn”, ông được đưa ra xử ở tòa án nhân dân lưu động. Ông lĩnh án tử hình. Bắn phản động phí đạn, ông được xử theo sáng kiến của đội. Ông phải công khai cái lá gan to của ông đã chống lại nông dân, chống lại cách mạng. Ông em ông (ông thiếu tá hưu bây giờ) được điều về để chính tay xử ông anh. Để dâng cao ý chí cách mạng tiến công. Để tỏ rõ người cách mạng không vì tư tình, vị nể. Một phát tên mà “đội” đã nhằm nhiều đích. Ông em đã dùng dao bầu mổ bụng ông anh theo “tiêu chuẩn”.

Thời gian sau, trong sửa sai, ông xã đội được công nhận chỉ chống tây chứ không hề chống ta. Mọi thứ ông đều được đền bù, riêng cái lá gan thì nó nát mất tiêu không thể bỏ lại bụng ông được nữa. Cũng vì thế con cháu nhà Xã Đội mới lấy cái cổng nhà Thiếu Tá để hàng năm cúng tế cái oan hồn ông, để ông được ngậm cười (hay ngậm miệng) nơi chín suối…

- Nào, cạn chén chúc sức khỏe cụ, cụ còn minh mẫn lắm!

Cạn chén rượu, trong lòng thấy các con cháu nhà xã đội kia, thiển cận, nhìn gần. Tại sao lại lấy ông Thiếu tá làm cái bung xung. Chịu khó vác ban thờ ông Xã đội đến cái nơi gốc gác đã sinh ra cái “tiêu chuẩn” ấy mà hương khói. Hương khói một thể cho cái “tiêu chuẩn” vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm ấy.

Anh bạn ơi, hình như không phải vì rượu mà là vì câu chuyện của anh đã làm tôi không còn minh mẫn nữa. Nhưng trách anh thì cũng không phải lẽ! Cũng là hồ đồ! Tôi cũng xin lỗi anh, nếu câu chuyện tôi viết không thật đúng những điều anh kể ra… Thì cũng chỉ vì chén “ngự tửu” của thằng cha chủ quán. Hắn đây này!

Nguồn : Blog Linh Gia

Phút lâm chung

Người ta nói rằng, người sắp ra đi, lúc hấp hối là lúc con người thật nhất.

Tôi cũng nghĩ như thế, còn gì nữa mà phải dấu diếm, giả trá? tất cả sắp thành con số không…Tôi có một ông chú họ xa, sinh thời ông là người trực tính, có gì đều nói ra miệng, không để trong lòng. Ông bị ung thư phổi, chạy chữa đã hết thuốc vẫn không cứu được ông. Mấy ngày cuối ông chỉ nằm lìm lịm, bỗng nhiên sáng nay ông vùng lên chửi bới tất cả mọi người, từ vợ con đến y tá bác sĩ, ông chửi tuốt, ai cũng là đồ nọ đồ kia. Mới đầu câu chửi còn mạch lạc sau cứ đuối dần rời rạc dần, không biết ông đã trút hết nỗi lòng chưa? Chỉ biết lúc ông không chửi được nữa cũng là lúc ông ra đi. Mọi người đều không chấp và cũng không hiểu phút lâm chung ông đã nghĩ gì?

Trường hợp sau đây thì hoàn toàn ngược lại. T.D. bị ung thư gan, bệnh viện đã cho về nhà, tối mùng hai Tết tôi ghé thăm thì thể trạng đã tồi lắm rồi. Luồn tay vào trong chăn thì thấy phần chân từ đùi trở xuống đã lạnh, bụng chỉ còn hơi âm ấm, tôi xoa bụng D và hỏi có đau lắm không? D gật gật và thều thào nói với tôi: “Đau lắm! … nhưng không dám kêu… sợ vợ con nó lo!”. Cả một đời không lúc nào hết lo cho vợ con, ngay cả lúc hấp hối rồi vẫn không thôi lo cho họ. 11 giờ đêm ấy D đã ra đi.

A.C dính ung thư phổi, nghe lời khuyên của bác sĩ viện A đã mổ phổi mà vẫn không thoát được. Mấy ngày cuối đã chuyển vào nằm phòng cách ly, tuy thế vẫn thấy bứt rứt vì một chuyện 3 tháng rồi, vợ ở bên cạnh mà không được “ấy”. Ngày cuối cùng, mắt đã đờ dại vẫn cố dơ ngón tay đeo chiếc nhẫn cưới lên nhìn, có lúc cứ lấy tay lôi ra đẩy vào chiếc nhẫn, hình như sợ mất… Chiếc nhẫn cưới đã nhắc nhở A.C những gì thì có nhẽ chỉ riêng anh biết, vợ con bạn bè chỉ có phỏng đoán chừng chừng, nhưng rứt khoát đối với người sắp ra đi thì đó phải là một điều gì thiêng liêng lắm.

T. là một diễn viên múa, tính tình hòa nhã điềm đạm, thuộc lớp diễn viên lớn tuổi, anh đã vào văn công từ thời kháng chiến chống Pháp. Lần cuối cùng lên sàn chấm rứt sau một cú nhẩy, anh sụp xuống và không gượng dậy được. Đưa vào bệnh viện 108, họ xét nghiệm và cho biết T bị ung thư xương hay cột sống gì đó. Từ ngày vào viện sức khỏe T sút giảm rất nhanh. Ngày cuối cùng bạn bè vợ con vây quanh giường bệnh. P. vợ T. ngồi thụp cạnh đầu giường thút thít nói với anh: “đừng bỏ em với con anh nhé!”… T. không gật đầu được nhưng mí mắt chớp chớp, một chút nước mắt nhểu ra nơi khóe mắt, tỏ ra anh nhận biết. Mọi người lặng đi vì thương cảm.

Có ai nói gì đó, T nhếch mép cười và cứ giữ nguyên nụ cười méo xệch đó anh đã ra đi.
Thì ra bí thư chi bộ vừa hỏi anh: - “đồng chí có muốn nhắn gì lại với đảng?”
“Có cái chết hóa thành bất tử…”


Nói quá hóa thậm xưng, chứ cái chết nào thì cũng hóa ra ma hết. Cả cái chết danh thơm để lại hay cái chết xú uế thì tiếng cũng để đời chứ bộ? Chợt nghĩ và tự cười mình cái thời mê muội, chứ cũng chẳng muốn cãi nhau vơi ông nhà thơ quá cố.

Kể tiếp một ca hấp hối nữa nha! Sau nhiều lần thư đi thư lại hẹn hò, lần đầu tiên ông đến với bà với một bông hồng nhung đỏ thắm trên tay. Bà sung sướng nhận bông hồng và ý nhị đặt lên bông hoa một nụ hôn. Mặt ông bừng lên vì hạnh phúc, ông dụt dè xin được hôn bà, bà không chấp nhận nhưng lại một lần nữa hôn lên bông hồng và khẽ đặt bông hoa lên môi ông rồi đỏ bừng mặt với nụ cười e thẹn…

Gần nửa thế kỷ hạnh phúc dưới một mái nhà, con cái phương trưởng thì bà bỏ ông “ra đi”. Khi còn bà cũng như khi đã vắng bóng bà, trong nhà vẫn luôn có một bông hồng nhung, chỉ một bông cắm vào chiếc cốc pha lê Tiệp mỏng tang trong vắt, đường viền vàng quanh miệng cốc chỗ còn chỗ mất đã trở nên xám xịt.

Chiếc cốc đã thay không biết bao nhiêu bông hồng, hôm nay được đặt ngay trên mặt tủ con cùng vài vật dụng cần thiết cho người bệnh. Ông vào viện đã sang đến ngày thứ 25, máu đã thay đến lần thứ 3 vì tiểu cầu luôn luôn sụt. Các con đều bận công bận việc nên không đứa nào ở bên săn sóc bố. Họ thuê một người giúp việc, trả 100 ngàn một ngày để chăm sóc ông. Ông cũng hưởng chế độ dịch vụ theo yêu cầu, một mình một buồng, thừa chỗ kê chiếc giường bạt cho “Ôsin”.
Khi cần thì ôsin chỉ việc dùng chiếc mô-bai của ông gọi, họ sẽ vào ngay.
Thế cũng tiện.

Nửa đêm tỉnh dậy, ông thấy lạnh. Ngoài kia gió heo may ràn rạt thổi, những vũng nước mưa ban chiều đọng lại loang lổ ánh trăng, lá rụng ào ào, lá nào lá ấy to bằng cái quạt. Có người đã nói cho ông biết tên cái cây có lá to ấy, nhưng cố nhớ mãi không ra.Con bé giúp việc đang tuổi ăn tuổi ngủ nên vô tư ngáy ro ro. Ông muốn co chân lên mà không được, thôi kệ, cứ để vậy, sáng mai nhờ bác sĩ xem giúp.
Nằm một lúc, ông chợt nghĩ có thể mình sắp được gặp bà ấy, với tay lấy bông hồng trong cốc, nhưng sao khó thế? mãi mới với tay lên được. Ông định đặt bông hoa lên môi như bà đã làm lần đầu gặp gỡ, nhưng sao tay run thế này…
Ôsin tỉnh dậy, hoảng hốt gọi bác sĩ trực và gọi cho người nhà. Ông nằm đó, mặt nhợt nhạt mắt đã nhắm, miệng he hé mở, cặp môi sướt sát đầy những vết cứa, máu chẩy đỏ cả hàm răng. Chiếc cốc trên bàn đổ vỡ, nước chẩy ra sàn lênh láng, bông hồng vẫn nằm đó, bàn tay để trên ngực ông cầm một mảnh pha lê nhuốm máu như một cánh hồng đỏ thắm.

Ông đã đến với bà.

Nguồn : Blog LinhGia

Truyện kể trong ngày Lễ của Mẹ

Lý Gia Đồng (Đài Loan)

Tôi sợ ngày Lễ của Mẹ Mother Day từ khi tôi còn nhỏ, vì tôi chào đời chưa bao lâu, tôi bị mẹ tôi vứt bỏ.

Mỗi năm tới Mother Day, tôi lại thấy ngại ngần, trước và sau dịp Lễ của Mẹ, ti vi thường chỉ phát những ca khúc ca ngợi tình yêu thương của mẹ, đài phát thanh cũng thế, có quảng cáo bánh quy đi chăng nữa, thì cũng cố lồng vào khúc nhạc ca ngợi tình mẹ. Mà đối với tôi, mỗi khúc ca lại gợi nỗi buồn.

Tôi đầy tháng thì bị người ta bỏ rơi ở ga xe lửa Tân Trúc, các bác cảnh sát trong đồn cạnh ga túm lại cho tôi bú, những người đàn ông này tìm ra được một bà đang nuôi con bú, giá mà không tìm được bà, có phải tôi đã khóc tới mức phát bệnh không. Đợi tôi bú no rồi ngủ ngon lành, các bác cảnh sát này mới nhẹ nhàng ẵm tôi tới Trung tâm nuôi dưỡng trẻ Đức Lan ở thôn Bảo Sơn, huyện Tân Trúc (Đài Loan). Tôi được trao cho các bà sơ hay cười ở đó.

Tôi chưa từng gặp mặt mẹ tôi, hồi nhỏ tôi chỉ biết có các sơ nuôi tôi lớn. Mỗi tối, khi các anh các chị ngồi học bài, tôi chả có việc gì làm bèn túm lấy các sơ, họ vào giáo đường đọc lễ tối, tôi cũng vào theo, có lúc chui xuống gầm bàn lễ chơi đùa, có lúc làm mặt quỷ doạ các sơ đang hành lễ, thường xuyên nhất là tôi dựa vào một sơ nào đó ngủ gục, và bà sơ tốt bụng không đợi xong buổi lễ, khẽ bế tôi về đưa lên lầu đi ngủ, tôi cứ cho rằng các bà sơ yêu tôi, là bởi tôi giúp họ có cớ trốn sớm ra khỏi các buổi lễ.

Những đứa trẻ như tôi đều là con của những gia đình không may mắn, nhưng đa số họ đều còn gia đình, tết đến, chú bác đều tới đón họ, chỉ có mỗi mình tôi, tôi không gia đình, nhà ở đâu tôi không biết.

Cũng vì thế, các nữ tu đối xử với đứa trẻ vô thừa nhận như tôi rất tốt, họ không bao giờ để cho ai bắt nạt tôi. Tôi học giỏi, các sơ vẫn tìm thêm người đến tình nguyện dạy tôi thêm.

Bấm đốt ngón tay, đã rất nhiều người làm gia sư cho tôi, đều là những nghiên cứu sinh, thậm chí giáo viên đại học các trường Thanh Hoa, Giao Thông quanh vùng, cả các kiến trúc sư, nên tôi từ nhỏ cũng rất giỏi tiếng Anh.

Các nữ tu ép tôi học đàn, năm lớp bốn tôi đã chơi phong cầm trong nhà thờ, tôi tham gia các cuộc thi hùng biện, được làm đại diện học sinh của trường, nhưng từ nhỏ tôi tôi không muốn tham gia bất kỳ chương trình nào kỷ niệm ngày Lễ của Mẹ.

Tôi yêu đàn, nhưng tôi kỵ phải chơi những bài hát tặng mẹ. Có những lúc tôi cũng nghĩ, mẹ mình là ai? Tôi đọc tiểu thuyết, tôi đoán tôi chính là một đứa con hoang. Cha tôi chơi bời chán thì bỏ rơi mẹ, và mẹ tôi còn quá trẻ chỉ còn biết mang tôi đi vứt bỏ.

Tôi đỗ vào cấp Ba trường Tân Trúc, rồi vào đại học, tôi đỗ khoa Xây Dựng của Đại học Thành Công (Đài Nam).

Thời sinh viên, tôi vừa học vừa làm, đôi khi bà Tôn, người nữ tu nuôi tôi lớn cũng đến thăm tôi, những cậu bạn cùng phòng thô lỗ của tôi vừa trông thấy bà đã vội trở nên lịch thiệp nhã nhặn. Rất nhiều bạn bè sau khi biết câu chuyện cuộc đời tôi đều an ủi, nói rằng, nhờ được các bà sơ nuôi dạy, tôi mới lịch lãm bặt thiệp và giỏi giang như bây giờ. Ngày tốt nghiệp, bạn bè ai cũng có cha mẹ tới mừng, tôi chỉ một người thân duy nhất là bà sơ họ Tôn, chủ nhiệm khoa vì thế đến chụp ảnh chung với bà.

Khi tôi đi lính nghĩa vụ, tôi tranh thủ về thăm trung tâm Đức Lan, lần này bà Tôn bỗng đột ngột trở nên nghiêm trang, bà gọi tôi ra, lấy từ ngăn kéo một phong bì, bảo tôi hãy xem bên trong có gì.

Trong phong bì có hai chiếc vé, bà Tôn cho tôi biết, khi cảnh sát ẵm tôi đến, trong áo tôi nhét hai tấm vé tàu này, rõ ràng mẹ tôi đã dùng hai chiếc vé này để đi từ nhà tới ga Tân Trúc, một vé là đi từ phía Nam lên Bình Đông, tấm vé tàu còn lại là đi từ Bình Đông lên Tân Trúc, đó là một tấm vé tàu chợ, tôi bỗng hiểu ra mẹ tôi là một phụ nữ nghèo.

Bà Tôn cho tôi biết, các bà sơ thường không thích đi dò hỏi tìm hiểu về gia cảnh những em bé sơ sinh bị vứt bỏ, vì thế họ cứ giữ hai tấm vé này, chờ bao giờ tôi lớn sẽ tính, họ đã quan sát tôi rất lâu, cuối cùng kết luận tôi là người lý tính, đã có đủ năng lực để xử lý việc này. Họ đã từng đi qua thị trấn ấy, thấy nơi đó rất nhỏ, nếu thực lòng tôi muốn tìm người thân, có lẽ sẽ không khó khăn.

Tôi luôn mơ ước được gặp cha mẹ tôi một lần, nhưng giờ đây cầm hai tấm vé, tôi lại do dự. Giờ đây tôi đang sống rất tốt, có bằng đại học, có một cô người yêu sắp tính chuyện trăm năm, vì sao tôi lại phải đi ngược về quá khứ. Đi tìm kiếm một quá khứ hoàn toàn xa lạ? Hơn nữa tới tám chín phần là sẽ tìm được một sự thật không vui vẻ gì.

Bà Tôn ngược lại đã khích lệ tôi, bà cho rằng tôi đã có một tiền đồ sáng lạn, không lẽ nào để bí ẩn về cuộc đời tôi trở thành một bóng đen u tối phủ lên tâm hồn, bà khuyên tôi nên chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất, cho dù phát hiện ra sự thật là những gì tồi tệ, cũng nên giữ lấy niềm tin vào bản thân mình trong cuộc đời phía trước.

Và tôi đã lên đường.

Đó là một thị trấn bé xíu tôi chưa từng nghe qua tên gọi, trên vùng núi, từ Bình Đông còn phải ngồi ô tô hơn một tiếng mới tới. Dù là phương Nam nhưng vì đang mùa đông, nơi đây lạnh lẽo, thị trấn đúng là rất nhỏ, chỉ có một con đường nhựa, một đôi cửa hàng tạp hoá, một đồn cảnh sát, một văn phòng của chính quyền thị trấn, một trường tiểu học, một trường trung học, ngoài ra không có gì nữa.

Tôi chạy đi chạy lại giữa đồn cảnh sát và văn phòng chính quyền, rốt cuộc cũng tìm thấy hai thông tin có vẻ liên quan, một là dữ liệu của một đứa trẻ sơ sinh, một là thông tin gia đình báo mất tích con trai, thời gian mất tích là ngày thứ hai sau khi tôi bị bỏ rơi, đứa bé ra đời trước đó một tháng. Theo ghi chép của các sơ, khi tôi được phát hiện tại ga Tân Trúc, tôi cũng chỉ khoảng đầy tháng tuổi. Xem ra đây có vẻ là thông tin về tôi.

Vấn đề là: Bố tôi đã chết rồi, bố tôi qua đời sáu năm trước, mẹ tôi cũng chết cách đây mấy tháng. Tôi có một anh trai, anh đã bỏ thị trấn, không biết đi đâu.

Dù sao cũng là thị trấn nhỏ, ai cũng quen biết nhau, một cảnh sát trong đồn bảo tôi, mẹ tôi làm nhân viên trong trường tiểu học, rồi ông dẫn tôi tới gặp hiệu trưởng.

Hiệu trưởng là một người đàn bà vô cùng nhiệt tình. Bà nói, đúng là mẹ tôi đã phục vụ lâu năm tại trường, là một người đàn bà vô cùng tốt bụng, còn bố tôi thì vô cùng lười biếng, tất cả đàn ông trong thị trấn đều ra ngoài kiếm việc làm, bố tôi không chịu đi xa, chỉ quanh quẩn trong thị trấn làm thuê công nhật, mà thị trấn nhỏ lấy đâu ra việc mà thuê người làm, vì thế cả đời bố tôi chỉ ăn bám vào tiền mẹ tôi làm nhân viên tạp vụ. Vì không chịu làm việc, tâm trạng ủ rũ, ông đành mượn rượu giải sầu, say rồi có lúc đánh đập mẹ tôi, đánh anh tôi. Tỉnh rượu thì cũng hối hận đấy, nhưng thói xấu quen rồi, mẹ tôi và anh tôi khổ sở cả đời vì ông. Anh trai tôi lúc học lớp Bảy đã phẫn chí bỏ nhà ra đi, từ đó không bao giờ quay trở lại đây.

Người đàn bà này rõ ràng có đẻ đứa con trai thứ hai, nhưng được một tháng tuổi thì đã mất tích bí ẩn.

Bà hiệu trưởng hỏi tôi mọi chuyện, tôi tình thực kể hết, khi bà biết tôi được lớn lên trong một cô nhi viện ở miền Bắc, bà bỗng xúc động lấy từ ngăn kéo ra một phong bì, đây là phong bì bà tìm thấy sau khi mẹ tôi mất, giấu dưới gối mẹ tôi, bà cho rằng những thứ trong đó chắc chắn phải có ý nghĩa rất quan trọng, nên bà quyết định giữ lại, đợi người thân của mẹ tôi tới nhận.

Tôi run rẩy mở ra, thấy bên trong có rất nhiều vé tàu, từng tệp vé tàu khứ hồi đi từ thị trấn miền Nam này tới Tân Trúc, tất cả được giữ gìn cẩn thận.

Bà hiệu trưởng cho tôi biết, nửa năm một lần mẹ tôi xin nghỉ đi miền Bắc thăm họ hàng, chả ai biết họ hàng nào, chỉ thấy mỗi khi về bà vui lắm. Cuối đời mẹ tôi theo đạo Phật, điều bà hạnh phúc nhất là đã quyên góp các tín đồ Phật giáo được một triệu Đài tệ để tặng cho cô nhi viện của đạo Thiên Chúa. Ngày trao tiền bà cũng đích thân đi.

Tôi nhớ lại, có lần một chiếc xe bus lớn đưa một đoàn thiện nam tín nữ từ phía Nam lên cô nhi viện. Họ trao tấm séc trị giá một triệu Đài tệ, quyên góp cho Trung tâm Đức Lan chúng tôi. Các bà sơ cảm động vô cùng, bắt tất cả bọn trẻ mồ côi phải đứng vào chụp ảnh kỷ niệm, tôi đang đánh bóng rổ cũng bị gọi vào chụp với mọi người một tấm ảnh. Giờ đây tôi bỗng dưng tìm thấy tấm ảnh ấy trong chiếc phong bì của mẹ, tôi hỏi mọi người mẹ tôi là ai, họ chỉ vào người đứng cách tôi không xa.

Nhưng làm tôi cảm động hơn là cuốn sổ lưu niệm ngày tốt nghiệp của lớp tôi, có một trang được photocopy lưu lại trong phong bì này, đó là trang chúng tôi đội mũ áo tốt nghiệp, có hình tôi ở trong đó.

Mẹ tôi, người mẹ đã vứt bỏ tôi, đã vẫn cứ đến thăm tôi, thậm chí có thể bà đã từng tham dự lễ tốt nghiệp của tôi.

Giọng hiệu trưởng nhẹ nhàng: "Anh nên cảm ơn mẹ anh, bà đã vứt bỏ anh, là để anh được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, nếu anh vẫn ở đây, cùng lắm là hết phổ thông anh lên thành phố làm thuê, ở đây hầu như rất ít người đỗ được vào Trung học. Mà nếu không may, không chịu nổi đòn roi của người cha, biết đâu anh cũng đã sớm bỏ nhà đi phiêu bạt như người anh trai, ra đi mãi mãi chả biết lưu lạc phương nào nữa."

Những giáo viên khác trong trường cũng đến, đều chúc mừng tôi đã tốt nghiệp đại học Quốc lập. Họ nói thị trấn này từ xưa tới nay chưa từng có học sinh nào thi đỗ được vào trường đại học Quốc lập.

Tôi bỗng nhiên rưng rưng, tôi hỏi bà hiệu trưởng ở đây có cây đàn nào không, bà nói, có đàn piano nhưng không tốt lắm, chỉ có đàn phong cầm thì mới mua.

Tôi mở nắp cây đàn, tôi hướng ra vừng mặt trời mùa đông ngoài cửa sổ, tôi chơi bản nhạc dành tặng mẹ trong những dịp Lễ của Mẹ, tôi muốn mọi người biết rằng, tôi tuy là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trong trại mồ côi, nhưng tôi không mồ côi. Vì tôi có những bà sơ tốt bụng nuôi dưỡng tôi như mẹ. Vì tôi có một người mẹ đẻ ra tôi luôn thương tôi, bà quyết đoán và bà hy sinh, để tôi có môi trường tốt lớn lên, để tôi có tiền đồ sáng sủa.

Những thầy cô trong trường hát theo tôi, tiếng đàn lan toả trong không trung, trong thị trấn vùng núi lạnh lẽo, trong ánh mặt trời chiều, những cư dân trong thị trấn nhất định sẽ ngạc nhiên hỏi, vì sao hôm nay lại có giai điệu ngợi ca người mẹ?

Vì hôm nay với tôi là ngày Lễ của Mẹ, chiếc phong bì đựng những tấm vé tàu cũ này, làm tôi từ hôm nay, không còn là một đứa trẻ mồ côi sợ hãi ngày Lễ của Mẹ nữa.

(Trang Hạ dịch)

Cần công bằng hơn với Thanh Tâm Tài Nhân

Hồi nhỏ tôi thường nghe mẹ tôi đọc Kiều, vì thương mẹ nên tôi gần như thuộc lòng luôn truyện Kiều, nhưng không mê. Lớn lên chút nữa, đọc Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn” cũng không thấy mê món “quốc hồn quốc túy” này, dù tôi chưa bao giờ ghét cụ Phạm Quỳnh, cũng như không ghét cụ Ngô Đức Kế khi cụ kịch liệt bài bác Truyện Kiều.


Khi nghe ông Tố Hữu gọi “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều” thấy hay hay, nhưng lúc ông bảo “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều” thì thấy ông không hẳn là thành thật.


Nói chung, khi người lớn đem Kiều ra làm chính trị, con nít không thấy hấp dẫn. Học Kiều ở trường phổ thông, bị buộc phải hiểu theo ý thầy cô, cũng không thấy thích.


Cho đến khi đọc Bùi Giáng, tôi mới thực sự thấy thích Kiều. Có lẽ vì tôi thích cái điên điên khùng khùng của Bùi Giáng nên thích luôn Kiều. Ngó tới ngó lui thì thấy người viết về Kiều vô tư hồn nhiên nhất là Bùi Giáng.


Khi thích Kiều rồi, tôi vẫn thấy lợn gợn một chuyện nhưng không sao tìm được lời giải đáp. Từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du phóng tác thành Truyện Kiều, ai cũng biết điều đó, nhưng giáo trình dạy cho học trò cũng như hầu hết các sách vở viết về Truyện Kiều đều nói rằng, Truyện Kiều của Nguyễn Du mới là kiệt tác văn chương bất hủ, còn Kim Vân Kiều truyện củaThanh Tâm Tài Nhân chỉ là một tác phẩm “tầm thường thô thiển”.


Tôi biết chắc những người nói điều này chưa bao giờ đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đơn giản là tác phẩm đó đã bị “thất truyền”. (Thực ra năm 1925 Nhà xuất bản Tân Dân có in thành sách một bản dịch Kim Vân Kiều truyện, sau đó có một vài bản dịch khác nữa, nhưng nói chung những sách này rất ít người biết, mãi đến năm 2005 nhiều người mới biết đến qua một bản dịch do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Nghe nói bản chép tay bằng chữ Hán đang được lưu giữ tại Viện Viễn Đông bác cổ Paris ).


Khoảng 13-14 năm trước, một lần nói chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng, ông bất ngờ đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ông bảo, Kim Vân Kiều truyện hoàn toàn không phải là “tác phẩm tầm thường” như người ta nói. Lúc đó tôi đang giúp Báo Nông thôn ngày nay làm tờ Nguyệt san, tôi quá hào hứng chuyện này nên đề nghị cụ Nguyễn Văn Xuân viết luôn một bài phân tích. Bài đó đã được đăng ngay.


Trước đây khi ca ngợi Truyện Kiều của Nguyễn Du, một số nhà nghiên cứu thường dẫn lời hai ông vua Minh Mạng và Tự Đức. Đúng là Minh Mạng – một minh quân trong lịch sử, và Tự Đức – một trong hai ông vua “hay chữ” nhất (người kia là Lê Thánh Tôn), đã hết lời ca ngợi Truyện Kiều. Nhưng cụ Nguyễn Văn Xuân đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy Minh Mạng và Tự Đức ca ngợi Kiều là ca ngợi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, chứ không phải ca ngợi Nguyễn Du. Có lẽ đây là bài nghiên cứu đầu tiên đặt ngược vấn đề lâu nay được số đông nhắm mắt thừa nhận. (Tôi hiện không có bài báo đó trong tay, nhưng chắc chắn tôi sẽ nhờ người tìm được).


Gần đây, một bài viết của cụ Vũ Quốc Thúc công bố tại Pháp năm 2006, có đề cập đến những tác phẩm của Minh Mạng và Tự Đức liên quan đến Truyện Kiều mà cụ thân sinh của cụ Thúc còn lưu giữ. Bài viết của cụ Vũ Quốc Thúc hoàn toàn không đề cập đến việc so sánh hơn kém giữa Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du, nhưng chỉ riêng tên gọi của những tài liệu này cũng phát ra một thông báo quan trọng. Từ thời vua Minh Mạng đến đầu thế kỷ 20 đã có ba thế hệ thi gia Việt Nam viết về Kiều, tập hợp lại thành một bộ với cái tựa chung là “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập”. Tập đầu tiên soạn khi Minh Mạng mới lên ngôi (1820) gồm những bài thơ xướng và họa bằng chữ Hán dựa theo từng hồi của Kim Vân Kiều truyện, do Phụ chính đại thần Hà Tôn Quyền chủ xướng, đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đích thân nhà vua viết một bài Tổng thuyết cho thi tập, cũng bằng chữ Hán. Vào năm 1871, tập tiếp theo do Tự Đức chủ xướng, đích thân nhà vua làm các bài thơ xướng cho mỗi hồi và viết lời tựa (Tổng từ)chung cho thi tập. Tập thứ ba ra đời vào cuối thế kỷ 19, có Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Khuyến tham gia. Những bản chép tay các tập thời Minh Mạng và Tự Đức mang tên "Thanh Tâm tài tử cổ kim minh lương đề tập biên" hiện lcũng được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hà Nội, ký hiệu VNV 240.


Nói tóm lại, dù Truyên Kiều của Nguyễn Du có ra đời trước, sau hay cùng lúc với “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập” thì, như chính tên gọi của công trình này, nó chỉ có thể là sự hưởng ứng với chính tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.


Trên tạp chí Văn học số 2, 1998, trong bài viết "Không có "Bản Kinh" Truyện Kiều do vua Tự Đức sửa chữa đưa in", tuy không phải là bài đánh giá so sánh tác phẩm, nhưng nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn sau khi phân tích, đã khẳng định : "Chắc chắn là : trong khi cầm bút viết Tổng thuyết hay Tổng từ, Minh Mệnh và Tự Đức đều viết về Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, chứ không phải viết về Truyện Kiều của Nguyễn Du".


Như vậy là trong suốt 4/5 thế kỷ 19 và mấy năm đầu của thế kỷ 20, ba thế hệ thi gia xuất sắc nước ta, trong đó có hai ông vua có học vấn uyên thâm là Minh Mạng và Tự Đức, dấy lên một cuộc xướng họa vô cùng tâm đắc với tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thì liệu nó có phải là một tác phẩm “tầm thường thô thiển” ? Lại nữa, qua lời của Tự Đức và ngày nay nhiều người đã biết, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có lời bình của Kim Thánh Thán. Nhà phê bình tài giỏi và kiêu ngạo đệ nhất Trung Hoa này liệu có để tâm đến một thứ phẩm văn chương ?


Nhưng vì lý do gì mà từ lâu văn học sử Trung Hoa không hề nhắc đến Kim Vân Kiều truyện ? Nó đã bị thất truyền ? Nhưng vì sao nó bị thất truyền ? Tôi không biết được. Chỉ biết rằng cho đến năm 1981 người Trung Quốc mới phát hiện ra nó.


Nguyên do là Truyện Kiều của Việt Nam quá nổi tiếng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Trong giáo trình văn học nước ngoài dạy cho sinh viên Trung Quốc, Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là “viên ngọc sáng” của văn học phương Đông. Giới nghiên cứu Trung Quốc đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du là “tác phẩm lớn vạch thời đại”, là “toàn vẹn không khuyết”. Và khi biết rằng cái truyện đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ bắt đầu “nóng mặt” lao đi tìm kiếm. Năm 1981, một nhà nghiên cứu nước này tên là Đổng Văn Thành bất ngờ phát hiện một bản Kim Vân Kiều truyện tại Thư viện Đại Liên. Năm 1983, Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ ấn hành tác phẩm này, từ đó nó mới được biết đến ở Trung Quốc. Giáo sư Đổng Văn Thành đã tiến hành một loạt các nghiên cứu chuyên sâu về Kim Vân Kiều truyện, trong đó có nghiên cứu “So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam ”. Bài so sánh này được nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu dịch, sau 10 năm “lưu hành nội bộ”, đã in trong cuốn “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” (NXB Giáo dục, 2005).


Bài nghiên cứu của ông Đổng Văn Thành được thực hiện công phu, đề cao cả Thanh Tâm tài Nhân lẫn Nguyễn Du, tuy nhiên ông lại lấy quan điểm giai cấp pha thêm một chút tư tưởng Đại Hán để chê những chuyện không đáng chê của Nguyễn Du và đề cao những chuyện không đáng đề cao của Thanh Tâm Tài Nhân. Bởi vậy mà những phân tích của Đổng Văn Thành không có sức thuyết phục, khiến người đọc lại định kiến với Thanh Tâm Tài Nhân. Tôi đọc cũng thấy choáng. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi không im lặng được, đã tức khí viết một bài dài “Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành” đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học tháng 12-2005, “đấu” trực diện với quan điểm lệch lạc của ông này, để bảo vệ Nguyễn Du.


Thành ra câu chuyện về giá trị thật của Kim Vân Kiều truyện cuối cùng vẫn … để đó, dù cả hai tác phẩm đã được in ra phổ biến rồi. Lẽ đời là vậy, phải bảo vệ “người nhà” trước đã, công bằng với “người ngoài” tính sau. Trăm sự đều do thói hồ đồ của cái ông Đổng Văn Thành này cả, ông ta lại một phen làm hại đến uy tín của Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng cần ghi nhận là đã có một số tác giả đã cho giới thiệu song song hai tác phẩm của Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân trong một công trình để người đọc tự đối chiếu, mở đầu cho việc đánh giá công bằng đối với Thanh Tâm Tài Nhân.

Tôi tay ngang trong văn chương, chỉ có thể nói leo tới đó.

Nguồn : Blog của Hòang Hải Vân

P/S : Năm 1972-1973, tôi đã đọc bản dịch "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân từ Thư Viện trường SNA. Đến cuối năm học lớp 7, tôi được sở hữu tác phẩm này trong phần thưởng của mình. Cái hay, cái đẹp của tác phẩm, tôi không đủ kiến thức để bình sọan, nhưng giá trị của nó rõ ràng là có thật...

Nếu cho rằng Nguyễn Du đã đem lại giá trị cho truyện Kiều, thì chính "Kim Vân Kiều truyện" đã tạo nên sự hứng khởi cho đại văn hào và theo bài viết trên, thì không chỉ Nguyễn Du, mà còn bao văn nhân, thi nhân khác nữa như vua Minh Mạng, Tự Đức...Riêng với tôi, "Kim Vân Kiều truyện" với thể lọai văn xuôi đã giúp tôi cảm nhận dễ dàng hơn nội dung câu truyện trước khi bước vào thế giới phong phú của những câu thơ truyện Kiều của Nguyễn Du

Đôi nét về truyện Kiều

Cẩm (Sưu Tầm nguồn VietMedia )

Truyện Kiều là tên gọi thông thường theo tên nhân vật chính trong tác phẩm của Nguyễn Du, còn lúc sáng tác, Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh nghĩa là "Tiếng nói mới về một nỗi đau đến đứt ruột".

Đoạn trường tân thanh được sáng tác không phải do nhà thơ đơn thuần tưởng tượng, hư cấu để viết ra, mà ông viết dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc, có tên là Kim Vân Kiều truyện (truyện về Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều) của một tác giả hiệu là Thanh Tân Tài Nhân.

Trong thời đại của Nguyễn Du các nhà thơ sáng tác thường dựa theo một tác phẩm của Trung Quốc như thế. Nói chung Nguyễn Du dựa khá sát vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân khi viết lại Truyện Kiều: cụ thể là những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đều là những nhân vật lấy từ Kim Vân Kiều truyện; những tình tiết, biến cố, cốt truyện trong Truyện Kiều hầu hết đều có trong KIm Vân Kiều truyện. Nhưng cái đặc sắc của Nguyễn Du là tuy dựa vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng lại hết sức sáng tạọ Điều đó quyết định ở chổ Nguyễn Du không phải nhằm chuyển dịch tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân sang tiếng Việt, mà ông tái tạo, bổ sung vào đó những điều mà ông từng day dứt, trăn trở, và với tài năng nghệ thuật tuyệt vời của mình, ông đã thể hiện lại bằng ngôn ngữ dân tộc và thể thơ dân tộc, cho nên tác phẩm của Nguyễn Du có sức sống mãnh liệt hơn và có chiều sâu trí tuệ mà nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân không có được.

Truyện Kiều là truyện về cuộc đời của một người con gái bất hạnh có tên là Vương Thúy Kiềụ Người con gái ấy có tài, có sắc, xuất thân trong một gia đình bình thường, lớn lên nàng yêu một chàng trai là Kim Trọng, nhưng rồi tai họa đã xảy đến cho gia đình: cha và em của nàng bị bắt, bị đánh đập, nhà cửa bị cướp phá sạch sành sanh. Thúy Kiều không có cách nào để cứu nguy cho gia đình, nàng buộc lòng phải bán mình cho người khác để lấy tiền chuộc cha và em; từ đó cuộc đời nàng trải qua không biết bao nhiêu là tai họa: nàng bị lừa lọc phải hai lần làm kỹ nữ ở nhà chứa, làm lẽ, đi ở... Có thể nói một câu chuyện thê thảm về vận mệnh của một người con gái như thế, bản thân nó đã có sức xúc động lớn. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, câu chuyện thê thảm ấy lại không thuần túy là vận mệnh của một người con gái, hay nói cách khác là thông qua vận mệnh của một người con gái nhà thơ đã nói lên vận mệnh của con người nói chung trong một xã hội bất công tàn bạọ Nhà nghiên cứu Hoài Thanh cho rằng vấn đề đặt ra trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vấn đề quyền sống của con người trong xã hội phong kiến. Nhà thơ Chế Lan Viên thì viết:

Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc,
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên...


Nói cho đúng, khi viết tác phẩm của mình Nguyễn Du không hoàn toàn ý thức hết những điều ông đã trình bàỵ Với một quan niệm truyền thống, ông cắt nghĩa những bất hạnh của Thúy Kiều là do mâu thuẩn giữa Tài và Mệnh: Thúy Kiều nhiều tài, nên số phận của Thúy Kiều bi thảm; và ông chủ trương để giải quyết những mâu thuẩn ấy, con người phải thực hiện chữ Tâm, phải "tu tâm". Chính quan niệm như vậy nên nhà thơ đã viết ở phần mở đầu tác phẩm:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau

và ở phần kết thúc, ông viết:

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài


Có điều quan niệm là như thế, nhưng khi tái hiện cuộc sống vào tác phẩm, Nguyễn Du đã hết sức trung thực, nên thực tế vấn đề đặt ra trong tác phẩm của ông có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều so với những gì mà ông đã phát biểụ

Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là cảm hứng về thân phận con ngườị Con người sẽ sống như thế nào giữa một xã hội bất công, tàn bạỏ Khi xây dựng nhân vật Thúy Kiều, nhà thờ muốn thể hiện ở nhân vật này tất cả những gì là ưu tú, là tinh hoa của con ngườị Thúy Kiều không phải chỉ có tài sắc thông thường như các cô gái khác trong văn học cổ, mà Thúy Kiều là tuyệt đỉnh của tài sắc; và không phải chỉ có tài sắc, mà Thúy Kiều còn có ý thức sâu sắc về cuộc sống của mình và của xung quanh. Có thể nói Nguyễn Du muốn xây dựng nhân vật Thúy Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa của con ngườị Một nhân vật như thế lẽ ra phải được sống một cuộc đời tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng vì nàng sống trong một xã hội bất công, tàn bạo nên cuối cùng những phẩm chất cao qúy nhất của nàng lại trở thành những tai họa đối với nàng. Do có tài có sắc, Thúy Kiều đã trở thành miếng mồi ngon cho cái xã hội đó xâu xé.

Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, ông hết lòng thương yêu và trân trọng con người mà phải thể hiện những cảnh con người bị vùi dập trong tác phẩm, nên ngòi bút của ông nhiều khi phẫn nộ và nhiều khi lại cay đắng, chua xót. Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét: Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấỵ

Cố nhiên đã yêu thương con người thì phải chống lại những lực lượng chà đạp con ngườị Về phương diện này có thể nói Truyện Kiều là một bản cáo trạng lên án đanh thép tất cả những lực lượng chà đạp con ngườị Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chà đạp Thúy Kiều không phải một vài con người cá biệt nào mà là cả một xã hội, từ kẻ đại diện cho cái xã hội ấy như bọn quan lớn, quan bé, gia đình quan lại, đến bọn thừa hành như đám nha lại, rồi những kẻ sống bằng nghề buôn bán nhan sắc của phụ nữ... Trong cái xã hội này, sau thế lực của bọn qúy tộc là thế lực của đồng tiền. Đồng tiền thực sự đã trở thành một tai họa đối với con ngườị Đồng tiền chi phối việc xử kiện của bọn quan lại; đồng tiền đã biến những nho sĩ như Mã Giám Sinh, Sở Khanh thành những tên ma cô dắt gái; đã biết Thúc Sinh thành một kẻ ăn chơi trác táng... Đồng tiền có thể mua bán cả cái trinh tiết thiêng liêng của người phụ nữ... Sống trong một xã hội như vậy những kẻ xấu, bất lương thì tha hồ lộng hành, còn người tốt, lượng thiện thì không có chỗ để tồn tạị Thúy Kiều bị dày vò đủ đường mà chỉ có một người duy nhất dám bênh vực nàng là Từ Hải, thì cái xã hội ấy lại coi Từ Hải là giặc, và cuối cùng bằng một sự phản bội xấu xa đã giết chết Từ Hảị Trong Truyện Kiều, Từ Hải bị giết và sau đó Thúy Kiều tự tử trên sông Tiền Đường là những kết thúc bi thảm nhưng không thể khác được. Việc Thúy Kiều được cứu sống, rồi được tái ngộ Kim Trọng với biết bao chua xót, bẽ bàng ở cuối truyện không hề làm giảm ý nghĩa tố cáo của tác phẩm, mà đúng như nhà thơ Xuân Diệu nhận xét, nó là "bản cáo trạng cuối cùng" của tác phẩm nàỵ

Truyện Kiều không những có nội dung sâu sắc, mà nghệ thuật của nó cũng đạt đến một thành tựu rực rỡ. Nói đến thành công trong nghệ thuật Truyện Kiều trước hết người ta thường nói đến thành công của nhà thơ trong việc vận dụng tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc. Trong Truyện Kiều có sự kết hợp sức nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Truyện Kiều có không ít từ Hán Việt và điển cố lấy trong sách vở với lối diễn đạt đài các, qúy phái, nhưng tất cả đều được sử dụng có liều lượng, đúng nơi, đúng lúc, nên đều hợp lý. Mặt khác trong Truyện Kiều lại có nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày, ca dao tục ngữ nhưng tất cả cũng được sử dụng có chọn lọc tinh vi, khéo léo, kết hợp hài hòa với ngôn ngữ bác học. Thể thơ lục bát trong Truyện Kiều được nhà thơ khai thác triệt để khả năng biểu hiện của nó, tinh tế, giản dị mà có âm vang, có thể diễn đạt được nhiều sắc thái của cuộc sống và những nét tinh vi, tế nhị trong tình cảm của con ngườị

Một thành công nữa cũng hết sức quan trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là nghệ thuật dẫn truyện và nghệ thuật miêu tả, bao gồm miêu tả con người lẫn miêu tả thiên nhiên, cảnh vật. Nhà thơ thường miêu tả rất tiết kiệm. Chỉ cần một vài câu thơ ông đã có thể khắc họa rõ nét được ngoại hình của một nhân vật hay dựng lên được một bức tranh phong cảnh. Nhưng tuyệt diệu nhất của nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều là miêu tả nội tâm nhân vật. Có thể nói trong văn học cổ không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm của nhân vật như Nguyễn Du, nhất là nội tâm của nhân vật Thúy Kiềụ

Có thể nói chính nhờ chiều sâu nhân bản ở nội dung của tác phẩm lại được thể hiện với nghệ thuật tuyệt vời nên Truyện Kiều của Nguyễn Du sống mãi với thời gian. Cho đến nay Truyện Kiều đã được tái bản nhiều lần ở trong nước, đã được dịch và giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Nhật.

So Sánh Đoạn Trường Tân Thanh và Kim Vân Kiều Truyện

Đối chiếu Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều Truyện, ta thấy cụ Nguyễn Du đã giữ nguyên diễn biến câu chuyện. Tuy nhiên, cụ đã lược bỏ rất nhiều chi tiết không cần thiết cho tác phẩm, điển hình là cụ đã bỏ hoàn toàn hồi thứ 6 của Kim Vân Kiều Truyện và tóm lược hồi 5 trong chỉ 20 câu thơ.

Trong một bài biên khảo đăng trong tuyển tập “Nguyễn Du, Tác Giả và Tác Phẩm” do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1999 tại Việt Nam [2], các tác giả Nguyễn Thạch Giang, Triệu Ngọc Lan, và Lô Úy Thu đã bỏ công tìm tòi những phần trong Kim Vân Kiều Truyện đã bị cụ Nguyễn Du lược bỏ. Khi so sánh Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều Truyện do Xuân Phong Văn Nghệ xuất bản, các tác giả này nhận thấy cụ Nguyễn Du đã loại bỏ 142 trang trên tổng số 214 trang, tức khoảng 2/3 tác phẩm. Cụ chỉ giữ lại 72 trang và dùng các chi tiết trong số trang này để viết thành 1313 câu thơ trong tổng số 3254 câu của Đoạn Trường Tân Thanh. Như vậy, 1941 câu còn lại do chính cụ sáng tác. Thêm nữa, cụ đã loại bỏ khá nhiều nhân vật phụ trong Kim Vân Kiều Truyện cùng các hành động của họ, và nhiều lúc sắp xếp lại các diễn biến để câu chuyện được tự nhiên. Vì vậy, tác phẩm của cụ trở nên chặt chẽ và lôi cuốn hơn rất nhiều. Điều này minh chứng được rằng Đoạn Trường Tân Thanh không phải chỉ đơn thuần là môt tác phẩm dịch như một số người lầm tưởng.

Trong pham vi hạn hẹp của bài báo, xin mời quý độc giả so sánh sự khác biệt giữa Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều Truyện trong một phần khá hấp dẫn của câu chuyện. Đó là phần tả cảnh Kiều dựa vào uy thế của Từ Hải để trừng phạt những kẻ cựu thù. Phần trong Kim Vân Kiều Truyện do ông Tô Nam Nguyễn Đình Diệm chuyển ngữ từ bản A953 nêu trên [4].

· Cuộc xử oán trong Kim Vân Kiều Truyện:

... Bấy giờ trong dinh bắt đầu nổi lên một tiếng trống hiệu, bọn lính tay cầm cờ mầu lam hô to lên rằng: Đem bọn phạm nhân lớp một vào hầu. Hạ Báo (một viên tướng của Từ Hải - ghi chú của Ngày Nay) liền dẫn Hoạn thị, Kế thị (tức mẹ của Hoạn Thư), Bạc Bà, Bạc Hãnh vào quỳ dưới sân.

Phu nhân bắt đầu tuyên bố tội trạng: Mụ Bạc Bà kia đẩy người vào trong cạm bẫy, còn tên Bạc Hãnh, bán người lương thiện vào nhà xướng ca. Vậy theo đúng lời thề trước của mi, lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn. Còn mụ Bạc thì đem chặt đầu bêu lên ngọn cây phía trước.

Bọn đao phủ được lệnh dạ lên một tiếng, tức thì lôi mụ Bạc Bà đem ra chặt đầu. Còn Bạc Hãnh thì dùng chiếu bó như bó củi, ngoài quấn dây thừng thật chặt, rồi hai người giữ, một người cầm cưa, cắt từ dưới chân lên đầu thành hơn 100 đoạn. Ghê thay một cái thân hình như vậy mà trong giây phút thịt nát như bùn, người coi ai cũng hoảng hồn chết ngất. Bọn đao phủ vào bẩm đã thi hành xong, phu nhân truyền đem đống thịt trộn lẫn với cỏ để cho ngựa ăn.

Kế đó, gọi đến phạm nhân họ Hoạn. Họan Thư chẳng còn hồn vía, kêu xin phu nhân tha thứ tính mạng kẻ hèn này.

Vương phu nhân rằng: Hoạn tiểu thư, nhà ngươi có nhiều mưu chước hay và cũng có gan nhẫn nại đó. Nhưng mà bất cứ việc gì cũng nên để lại chút tình, thì sau gặp gỡ khỏi ngượng. Vậy nay ngươi gặp lại ta, nhất định không thể sống được.

Hoạn Thư khấu đầu lia lịa thưa rằng: Tội của tiện thiếp thực đáng muôn chết, nhưng xin phu nhân nhớ lại trước kia phu nhân viết tờ cung trạng, làm thiếp tôi động mối tình thương, nên đã để phu nhân viết kinh trên Quan Âm Các. Rồi khi phu nhân bước ra khỏi cửa, thiếp chẳng hề đuổi theo. Cái đó đủ biết lòng riêng riêng vẫn kính yêu, chỉ vì thế bất lưỡng cập (tình thế không cho phép đứng đôi), nghĩa là không thể cắt sợi tơ tình chia lòng sủng ái, mà nó xui nên tội lỗi oan gia, dám xin phu nhân xét lại.

Vương phu nhân tỏ vẻ nghĩ ngợi một lát rồi nói tiếp: Ta đây chỉ muốn ăn thịt và lột da ngươi, để tiêu mối hận ngày trước. Nhưng giờ đây, sở dĩ ngươi được thoát chết là lúc ta đi ngươi chẳng đuổi theo, tỏ ý hé mở cửa lồng cho chim bay bổng. Nhưng còn tội sống thì ngươi không thể chối cãi được đâu. Vậy ta hỏi: Bọn sang Lâm Truy bắt ta là những tên nào? Cứ việc khai đúng sự thực, để chúng gánh bớt một phần tội lỗi cho ngươi.

Hoạn Thư cúi đầu thưa rằng: Những kẻ thi hành mưu kế dẫu là Hoạn Khuyển, Hoạn Ưng, nhưng người bầy ra mưu đó chính là tiện thiếp. Bọn chúng chẳng qua chỉ biết theo lệnh mà thôi. Nếu đem chúng ra gánh tội thay thì thiếp không nỡ.

Phu nhân rằng: Thế ra ngươi chính là phụ nữ dám nhận cả phần oan cừu vào mình đó chăng? Rồi nàng gọi quân đao phủ đem bọn Ưng Khuyển ra chém đầu để cảnh cáo những kẻ hào nô (nô bộc của phú hào) khác. Đao phủ dạ ran, lôi tuột hai tên ra chém đầu.

Phu nhân lại truyền tả hữu đem Kế thị ra nọc đánh 30 roi. Quân lính đương sắp ra tay thì Hoạn Thư ôm chầm lấy mẹ xin chịu đòn thay, và mụ quản gia (quản gia nhà mẹ Hoạn Thư, đã giúp đỡ Kiều khi nàng bị bắt về Vô Tích, và được Kiều tặng 100 lạng vàng, 2000 lạng bạc trong buổi báo ân xử oán - ghi chú của Ngày Nay) cũng vội quỳ xuống thưa rằng: Tội trạng của bà chủ tôi quả thực không thể tha thứ, vậy kẻ tớ già này xin tình nguyện thay chết cho chủ mẫu.

Phu nhân rằng: Thôi thì ta cũng nể lời mụ quản gia tha chết cho thị để mụ nhận lãnh đem đi.

Mụ quản gia tạ ơn rồi đỡ Kế thị ra ngoài dinh trại. Nhưng Kế thị năm ấy tuổi ngoài sáu mươi, lại là một vị nhất phẩm phu nhân, chưa từng gặp cảnh khổ nhục bao giờ mà nay bị bắt từ huyện Vô Tích giải đến, khổ sở biết bao, lại thấy ba quân giết người như rạ, trong khi tuổi nhiều sức yếu, mụ đã khiếp đảm chết ngay tức thì. Mụ quản gia đành ngồi một bên để trông nom thi thể.

Vương phu nhân thấy mụ quản gia đem Kế thị đi rồi, bèn truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo lên đánh 100 trượng.

Cung nữ dạ ran, túm tóc Hoạn Thư lôi ra, lột hết áo quần, chỉ để chừa một cái khố, tóc bị buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ mỗi tên túm một tay để lôi giăng ra, hai tên khác thì cầm vọt ngựa đứng trước và sau, một tên đánh từ trên đánh xuống, một tên đánh từ dưới đánh lên, đánh như con đỉa bỏ trong thùng vôi, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn dẫy dụa kêu trời. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn. Sau khi cung nữ báo cáo đủ 100 roi, phu nhân truyền lệnh lôi ra cho Thúc Sinh nhận lãnh.

Cung nữ vâng lệnh, cởi tóc đem Hoạn Thư xuống, lôi ra phía ngoài gọi Thúc Sinh vào nhận. Thúc Sinh tạ ơn xong nhìn đến Hoạn Thư, thấy nàng chỉ còn thoi thóp thì chàng than rằng: Em ơi, chỉ vì cái khiếu thông minh của em đó mà phải rước lấy tai vạ, cầm dao cắt thịt của mình. Rồi một mặt thu nhận thi thể Kế thị, một mặt đỡ Hoạn Thư về chạy chữa đến nửa năm trời mới khỏi.

Kế đó Sử Chiêu (một tướng khác của Từ Hải) giải bọn Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh vào dinh.

Phu nhân hỏi: Tú Bà, mi có nhận được ta là ai không?

Tú Bà đáp: Kẻ hèn mọn này không nhận được ạ!

Phu nhân thét bảo: Mi hãy ngóc đầu lên nhìn xem ta là ai?

Quân sĩ dạ ran, túm tóc mụ kéo lật về phía sau. Bấy giờ mụ mới nhận rõ là Vương Thúy Kiều, thì luôn miệng kêu rằng: Tội của kẻ hèn mọn này thật đáng muôn lần bị chết chém. Chỉ xin phu nhân thương cho phần nào.

Phu nhân cười bảo: Lúc này mà mi còn mơ tưởng đến sự sống sao? Lời thề trước ngọn đèn trời ngày xưa hỏi đã tiêu tan thế nào được hử? Quân sĩ đâu, lôi con Tú Bà này ra, lấy dầu vông đun sôi để tẩm vào người, rồi dựng ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, châm lửa đốt như ngọn đèn trời để làm tròn lời thề ngày trước. Mau lên!

Còn tên Mã Bất Tiến (tên thật của Mã Giám Sinh) thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho căng thẳng ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc, để ứng lời thề của nó. Ngoài ra, lại nấu một nồi dầu thông trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy thùng nước lã lớn để bên, rồi đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu thông đun sôi rưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo.

Quân sĩ được lệnh lôi ba phạm nhân ra ngoài. Tú Bà thì cuốn thành một cây sáp lớn. Phía dưới chỉ lộ cái đầu. Mã Giám Sinh thì bị căng xác. Sở Khanh bị quấn thành một thỏi sắt nguội.

Đoạn rồi phu nhân hô to: “Đốt sáp”, quân sĩ bèn châm lửa vào chân Tú Bà. Mụ mới bị châm một mồi lửa đã kêu đau ầm ĩ. Phu nhân mắng rằng: Mi cũng biết đau ư? Cớ sao ngày trước mi nỡ lòng hủy hoại da thịt người khác? Tú Bà chết ngất, không trả lời được nữa.

Kế đến Mã Giám Sinh, quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét da, rồi dùng lưỡi câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Giám Sinh lập tức chết tươi. Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Giám Sinh rời ra từng mảnh. Phu nhân bèn sai quẳng ra ngoài bể cho cá nóc ăn để báo lại tội bạc tình.

Còn Sở Khanh bị tẩm dầu thông và keo vỏ gai, bên trong tuy vẫn còn sống nhưng bên ngoài không cựa quậy được. Quân sĩ chạy đến bóc lột miếng vỏ gai nơi đầu ra, thì ngoài da đã bị dầu thông ăn loẽn, chẳng cần dùng sức, chỉ tuốt một cái thì lột hết da. Độ nửa giờ sau, thân thể Sở Khanh chỉ còn trơ lại một cục máu đỏ lòm nhưng vẫn còn thoi thóp. Phu nhân lại sai đem nước vôi rưới vào, tức thì toàn thân Sở Khanh nổi lên những cái mụn như là bọt nước. Rồi sau ít phút trở thành mủ, rã thịt lòi xương mà chết thê thảm...

· Cuộc xử oán trong Đoan Trường Tân Thanh:

Cuộc xử oán dông dài và man rợ trong Kim Vân Kiều Truyện được cụ Nguyễn Du tóm tắt qua 42 câu thơ:

Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.

Thoạt trông nàng đã chào thưa:

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?

“Đàn bà dễ có mấy tay,

“Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan?

“Dễ dàng là thói hồng nhan,

“Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca,

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,

“Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,

“Nghĩ cho khi gác viết kinh,

“Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo,

“Lòng riêng, riêng những kính yêu,

“Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.

“Trót lòng gây việc chông gai,

“Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”

- “Khen cho thật đã nên rằng

“Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời,

“Tha ra thì cũng may đời,

“Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen.

“Đã lòng tri quá thì nên...”

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

Tạ lòng, lạy trước sân mây,

Cửa viên lại dắt một giây dẫn vào.

Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao,

“Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta!”

Trước là Bạc Hãnh, Bạc Bà

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.

Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,

Các tên tội ấy đáng tình, còn sao?

Lệnh quân truyền xuống nội đao,

Thề sao thì lại cứ sao gia hình.

Máu rơi thịt nát tan tành,

Ai ai trông thấy, hồn kinh phách rời.

Cho hay muôn sự tại trời,

Phụ người, chẳng bỏ khi người phụ ta!

Mấy người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.

Ba quân đông mặt pháp trường,

Thanh thiên, bạch nhật rõ ràng cho coi.

So sánh các đoạn trên trong Kim Vân Kiều Truyện và Đoạn Trường Tân Thanh, ta nhận thấy những điểm nổi bật sau:

- Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Thúy Kiều tha tội hoàn toàn cho Hoạn Thư. Trong Kim Vân Kiều Truyện, Kiều tha tội chết nhưng ra lệnh đánh Hoạn Thư một cách dã man.

- Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Thúy Kiều không sai quân sĩ bắt mẹ Hoạn Thư đem về trị tội như trong Kim Vân Kiều Truyện.

- Cụ Nguyễn Du chỉ tả cảnh xử tội Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hãnh, Bạc Bà, và Ưng, Khuyển một cách vắn tắt chứ không chi tiết và tàn nhẫn như trong Kim Vân Kiều Truyện. Qua ngòi bút của cụ Nguyễn Du, chúng ta cảm thấy đồng tình với Kiều khi nàng tha bổng Hoạn Thư nên không phê phán nàng nặng nề khi nàng trả thù những nhân vật khác. Trái lại, khi đọc Kim Vân Kiều Truyện, có lẽ người đọc phải chau mày và có ý niệm chán ghét Kiều trước cách trừng trị dã man, tàn bạo, thiếu nhân tính nàng áp dụng đối với kẻ thù.

Ngoài phần xử oán vừa kể, trong toàn bộ câu chuyện, rất nhiều lần cụ Nguyễn Du đã loại bỏ những sự kiện có hại đến nhân phẩm của Thúy Kiều, và cả của các nhân vật quan yếu trong Kim Vân Kiều Truyện như Từ Hải và Kim Trọng. Điều này là một trong những yếu tố khiến chúng ta yêu thương những nhân vật này hơn.

***

Khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, ngoài việc lược bỏ những đoạn hoặc rườm rà hoặc không cần thiết trong Kim Vân Kiều Truyện, cụ Nguyễn Du đã chứng tỏ biệt tài trong việc sử dụng ngôn ngữ qua những đoạn tả cảnh, tả tình, tả tình trong cảnh, tả cảnh trong tình; cũng như đã thành công trong việc miêu tả nhân vật và tô đậm cá tính nhân vật với chỉ vài câu thơ. Thêm nữa. cụ cũng đã trang bị cho các nhân vật một đời sống nội tâm phong phú với những suy tư, những khao khát, những rung động phù hợp với con người của họ theo từng hoàn cảnh của câu chuyện. Đây là những điều Thanh Tâm Tài Nhân đã thiếu xót khi sáng tác Kim Vân Kiều Truyện.

Chính tài nghệ của cụ Nguyễn Du đã cắt nghĩa được tại sao hai tác phẩm kể cùng một câu chuyện lại có hai số phận khác nhau. Một bên nhanh chóng chìm vào quên lãng ngay chính trên quê hương của nhân vật trong truyện, một đằng vừa xuât hiện đã được quần chúng mở rộng vòng tay đón nhận và trở thành tác phẩm bất hủ của dân tộc.

(Báo Ngày Nay số 512, phát hành ngày 1 tháng 10 năm 2003)

Tài Liệu Tham Khảo:

[1] Nguyến Trí Tích, “Viết Về Nguyễn Du và Truyện Kiều”, Nhà xuất bản Thanh Niên, Việt Nam, 2001.

[2] Trình Bá Đĩnh, “Nguyễn Du Về Tác Giả và Tác Phẩm”, Nhà xuất bản Giáo Dục, Việt Nam, 1999.

[3] Dương Quảng Hàm, “Nguồn Gốc Truyện Kiều Của Cụ Nguyễn Du”, Tạp chí Tri Tân số 4, Hà Nội, 1941.

[4] “Kim Vân Kiều Truyện”, bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, nhà xuất bản Văn Hóa, phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn, 1971.

Nguồn : Blog Nguyển Thanh Thủy

Nàng là ai ? Hỡi Thúy Kiều

Là nhân vật chính trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, một người đẹp toàn tài, được xây dựng bằng một ngòi bút tài hoa, thấm đẫm tâm sự u uẩn của tác giả, nên nhiều người tin rằng nàng là người Việt. Nhưng theo Dương Quảng Hàm và nhiều nhà nghiên cứu thì nàng là người Tàu chính gốc một trăm phần trăm. Và người đã sản sinh ra nàng chính là Thanh Tâm Tài Nhân, cũng một người Tàu chính hiệu. Vậy thì cớ gì từ giới bác học đến bình dân, từ thành thị đến nông thôn, từ 200 năm trước đến tận hôm nay, nàng vẫn được nhắc đến như một mỹ nhân tiêu biểu của người Việt? Theo tôi, ấy là do thiên tài của Nguyễn Du, chính cụ đã đem nàng về từ Trung Hoa. Rồi, bằng thể thơ lục bát êm ái như tiếng võng ru, bằng những âm điệu ngọt ngào trong ca dao, bằng nỗi biệt ly thăm thẳm trong Chinh Phụ Ngâm, bằng nỗi ai oán nghẹn ngào trong Cung Oán Ngâm Khúc, cụ đã dựng nên một nàng Kiều vừa đáng thương mà cũng vừa đáng giận, một nàng Kiều thông minh rất mực nhưng cũng ngớ ngẩn khờ dại khôn cùng. Nghĩa là một nàng Kiều vừa cao xa nhưng cũng vừa gần gụi, vừa là một trang quốc sắc nghiêng nước nghiêng thành bên cạnh các nhà nho khoa cử, cũng lại vừa là một cô thôn nữ “sao anh múc ánh trăng vàng đổ đi”.

Nói theo kiểu chợ búa là “mông má” lại nàng. Nói theo kiểu tân thời là được giải phẫu thẩm mỹ. Nói theo các nhà phê bình, nàng không phải là con đẻ của Nguyễn Du mà là con nuôi, tức là phóng tác. Nhưng dù nói gì thì nàng cũng đã đến Việt Nam trên 200 năm. Và trong 200 năm đó, đúng như cuộc đời chìm nổi của nàng, biết bao nhiêu khen chê, bão táp, biết bao nhiêu lần chết đi sống lại. Linh Mục Thanh Lãng, tác giả Bản Lược Đồ Văn Học Việt Nam đã chia ra 7 thời kỳ nàng vừa được xưng tụng vừa bị đánh đập như sau:

1. Thế hệ những người cùng thời Nguyễn Du ( 1788-1820): Kiều chỉ mới là một hài nhi nên những người bạn của tác giả cũng chỉ ngó qua vậy thôi. Chủ yếu là nói nhiều đến nỗi mang nặng đẻ đau hay công phu khó nhọc của tác giả.

2. Thế hệ Nguyễn Công Trứ ( 1820-1862): Kiều bị chê là con bé ranh mãnh hỗn xược. Một người rất chịu chơi là Nguyễn Công Trứ mà cũng phải hạ những câu độc địa như:

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải

Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu

Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu

Mà bướm chán ong chường cho đến thế

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

3. Thế hệ Chu Mạnh Trinh (1862-1913): Kiều được nhìn

nhận như một cô gái nhỏ bé đáng thương, đồng hóa thân phận Kiều với tác giả, phê bình Kiều với thái độ nghệ sĩ, giàu cảm tính rất tài tử mà tiêu biểu là Chu Mạnh Trinh Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu…đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên

4. Thế hệ Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh (1913-1932): Kiều được tôn xưng là hoa hậu, là minh tinh. Phạm Quỳnh còn đi xa hơn nữa muốn Kiều trở thành giáo chủ, truyện Kiều là Thánh kinh, là Phúc âm của cả một dân tộc. Tâng bốc lên tận mây xanh, nên Phạm Quỳnh bị kết tội là học phiệt, bị Ngô Đức kế mỉa mai nước Việt Nam là Kim Vân Kiều Quốc!

5. Thế hệ Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945): Lúc này xuất hiện nàng Loan trẻ trung sôi nổi trong Đoạn Tuyệt, nàng Mai dịu dàng dằm thắm trong Nửa Chừng Xuân, nên Kiều trở thành một bà già lẩm cẩm chẳng còn ai tơ tưởng tôn xưng nàng thành thần tượng nữa.

6. Thế hệ sau 45: Kiều bị đem ra đấu tố trước tòa án nhân dân, bị kết tội là phản động, đồi truỵ, bị đem thiêu đốt.

7. Thế hệ sau 54: Kiều đầu thai. Ở miền Bắc nàng bỗng trở thành một cô gái vô sản, là hiện thân của hàng triệu phụ nữ Việt Nam bị các thế lực phong kiến và bọn địa chủ đàn áp bóc lột. Ở Miền Nam, nàng là một cô gái hiện sinh dám dấn thân, dù suốt mười lăm năm là những tháng ngày buồn nôn. Và hai nàng Nam và Bắc hơn 20 năm gườm nguýt nhau, chửi bới nhau không thương tiếc!

Sau 75, cụ Thanh Lãng không còn sống để thấy rằng nàng Kiều miền Bắc đã hất cẳng nàng Kiều miền Nam ra khỏi các trường Đại học, các thư viện, khiến nàng phải lê lết dơ bẩn trong các chồng sách cũ bên vệ đường, hay theo những người đi kinh tế mới chùi đít cho những đứa bé bụng ỏng đầy gân xanh.

Nàng Kiều “thống nhất” bảnh chọe ngồi trên ngai vàng được Nguyên soái thi ca TH và nhị thập thiên bát tú xưng tụng ngất trời, còn hơn cả Phạm Quỳnh ngày trước. Giờ đây, những cuộc thi hoa hậu đủ vành đủ kiểu mở ra quanh năm suốt tháng, nàng lại được trọng vọng xưng tụng nhiều hơn nữa. Nàng phơi mở cái tòa thiên nhiên dầy dầy sẵn đúc cho thiên hạ lé mắt ra mà ngước nhìn bình phẩm.

Như thế đó, hơn 200 năm, Kiều đã thoát ra khỏi cái êm đềm trướng rũ màn che của sách vở để sống một cuộc đời thực cùng với những Tú Bà, Mã Giám Sinh nhan nhãn trên cõi đời này. Bị vùi dập, ngay cả đem đi thiêu sống mà nàng vẫn không chết, nên nàng trở nên dày dạn hơn, lọc lõi hơn. Ta có thể gặp nàng trên đường phố mang kính dâm chạy xe Spacy, trong quán bar mặc áo hai dây, quần phơi rốn và chỉ hơn Eva một chiếc lá nho bước đi nghệu nghễnh trên sàn diễn.

Trong văn học Việt Nam không có một nhân vật nữ nào lại có một đời sống dữ dội như thế. Bây giờ, không còn ai buồn biết tới cái tâm sự u uẩn, hay cái thuyết tài mệnh tương đố của cụ Tiên Điền nữa. Người ta chỉ biết có nàng đang lồng lộng hóa thân thành muôn ngàn Kiều @ ngập tràn trong đời sống. Cụ Nguyễn mà có sống lại cũng ngẩn ngơ khi ngước nhìn!

Trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, Kiều chết hẳn ở sông Tiền Đường sau khi mưu phản để Hồ Tôn Hiến giết chết Từ Hải. Nhưng cụ Nguyễn, vì quá yêu nàng nên đã để cho nàng được sống mà gặp lại người tình Kim Trọng. Chỉ có vậy thôi, không ngờ nàng sống mãi đến tận bây giờ và còn sống “phẻ” đến nhiều trăm năm nữa.

Thôi, cũng xin chúc mừng nàng cho dù nàng là người Việt gốc Tàu.

Trần Bình Dân

HOÀNG CÁT VÀ TRUYỆN NGẮN CÂY TÁO ÔNG LÀNH

NTT: Hoàng Cát nổi tiếng bởi truyện ngắn "Cây táo ông Lành" đăng trên báo Văn Nghệ năm 1974. Nổi tiếng vì "bị đánh". Một cái truyện hiền lành viết về tình cảm tốt đẹp ông Lành dành cho trẻ con, đã bị giới "phê bình quan phương" suy diễn nâng thành quan điểm chống lại CNXH. Thời đó người ta còn bảo nhân vật ông Lành là ám chỉ Tố Hữu, vì Tố Hữu được gọi là anh Lành và đầu nhà có trồng cây táo "Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt", "Sân trường táo rụng nhớ đàn em"... Nhưng sau này Hoàng Cát kể chuyện gặp Tố Hữu thì Tố Hữu nói tớ có biết gì đâu. Vì vậy nên khi làm cái Blog cho Hoàng Cát, ghi chú về tác giả dưới ảnh Avatare, tôi liền ghi dòng này: Hoàng Cát, gần cây táo ông Lành

Mới biết sự suy diễn của giới "phê bình quan phương" vô cùng nguy hiểm, làm khổ Hoàng Cát bao năm "mang án không án", không được đăng cả tên mình dưới những bài viêt. Để nhớ lại thời kỳ kinh hãi đó, mời các bạn đọc lại truyện ngắn này cùng với lời "qui tội" của Tạp chí CỘNG SẢN (Tạp chí Học Tập thời đó).

TCCS: "... Một truyện ngắn về thiếu nhi đăng trên tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết kiểu "biểu tượng hai mặt", truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta. Miêu tả cuộc sống heo hút, tâm trạng u buồn của một ông già, người vợ chết vì bom, người con trai độc nhất "vô bộ đội đợt đầu tiên kể từ sau khi có lệnh hoà bình", truyện này không những bộc lộ quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh, mà còn có tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến trânh cách mạng, có hại cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước của nhân dân ta. Trong điều kiện chuyên chính vô sản, cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở miền Bắc tiếp tục diễn ra gay go , phức tạp, tác giả truyện ngắn này đưa ra hình ảnh cái đầu lâu khủng khiếp và nói về việc " từ bỏ con đường này đi theo con đường khác" là có dụng ý gì? Phải chăng đây là sự phản ứng giai cấp trước một số biện pháp như kiểm tra hành chính , thu lại ruộng đất bị lấn chiếm , chống bọn ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và bọn làm ăn trái phép, bọn đầu cơ, móc ngoặc, vv...mà nhà nước dân chủ nhân dân đã áp dụng để bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề "ai thắng ai" ở miền Bắc? Cùng với lối viết bóng gió, xuyên tạc "nhà mới mà đã dột vì chuột bọ", tác giả đe doạ "bỏ" con đường mà tác giả cho là "con đường tắt" để đi con đường khác! Đó là một sự thách thức chế độ ta. Chuyện đã không chân thật, chủ đề lại lấp lửng, chi tiết lại đáng ngờ, gieo rắc những quan điểm, tư tưởng sai trái, đây rõ ràng là một truyện xấu và có hại. Vì tính chất độc hại của nó, truyện ngắn này đã bị đông đảo bạn đọc kịch liệt phản đối..."

CÂY TÁO ÔNG LÀNH

Tên thật ông là gì, nhiều người không biết. Đã từ lâu, người ta vẫn quen gọi ông là ông Lành. Vì tính ông hiền lành và rất yêu lũ trẻ trong làng. Lâu dần, nó thành ra tên của ông.
Vườn nhà ông khá rộng, có nhiều cây ăn quả như chuối, mãng cầu, vú sữa, táo... Ông Lành thú nhất là cây táo lai. Nó đứng ở góc vườn, trùm cái tán khum khum lên một vạt đất chừng dăm tấm chiếu. Cạnh cây táo quý ấy, ông đã cất lên một căn nhà ba gian, hai chái; chung quanh tường xây gạch, mái còn tạm lợp tranh. Ấy là căn nhà ông làm chuẩn bị cho cậu con trai duy nhất của ông lấy vợ, ở riêng. Nhưng nhà vừa làm xong thì thằng Sửu lại xung phong vô bộ đội đợt đầu tiên, kể từ sau khi có lệnh hoà bình của Chánh phủ cách mạng lâm thời.Thế là ngôi nhà đành tạm để không. Và nó được mang mãi cái tên "Nhà mới". Mặc dù cho đến nay, mái tranh của nó đã có đôi chỗ dột vì chuột bọ, vì thiếu hơi người ở.

Cây táo quý đứng ngay góc sân ngôi nhà mới ấy. Cây táo càng đẹp thêm, và ngôi nhà cũng đẹp thêm.Mé dậu vườn là con đường ống chạy xuyên qua làng. Sáng sáng, lũ trẻ học trò lớp Một đi tắt qua đấy để đến trường. Bao giờ chúng cũng đi thật sớm, tíu tít như một đàn chim, vồ lượm những quả táo rụng.

Vốn là một ông già yêu trẻ, ông Lành lấy thế làm niềm vui. Nhiều khi đứng trong cửa sổ nhìn ra, ông thấy lũ trẻ lấy gạch ngói, đất đá hoặc que khăng ném cho táo rụng xuống để lượm được nhiều. Ông cũng chẳng la mắng chúng nó làm chi. Ông hiểu, lũ trẻ thích ăn táo lắm. Chỉ những đứa trẻ nào nghịch quá, ném vung đất đá vào sân hay làm rơi hỏng mái tranh ngôi nhà mới của ông, thì ông mới nhẹ nhàng bảo chúng đừng ném nữa. Lũ trẻ cũng biết nể ông, ông chỉ cần nhắc một lần là chúng ngoan ngoãn rủ nhau kéo đi. Chúng vừa đi, vừa ăn táo, và "nhồm nhoàm" trêu chọc lẫn nhau. Rồi chúng đuổi nhau chạy. Rồi chúng cười. Rồi chúng hát nghêu ngao...

Những lúc thảnh thơi, ông Lành nhìn lũ trẻ hò nhau nhặt táo rụng mà càng thêm ao ước một ngày gần đây thằng Sửu về cưới vợ; rồi ông sẽ có những đứa cháu cũng líu lo như thế. Ước mơ ấy luôn cho ông niềm vui ngầm trong bụng.

Bà vợ ông đã chết vì bom toạ độ Mỹ từ mùa gặt năm 1967, đúng vào kỳ cây táo sai quả nhất. Thằng Sửu của ông cũng đã đi thoát ly, vào quân chủ lực. Chỉ còn lại mình ông. Nỗi thèm khát có đứa cháu bên cạnh cho ấm áp tuổi già, càng lúc càng âm ỉ trong lòng ông Lành. Những đêm sương nặng hạt, nằm không ngủ được, lắng nghe tiếng táo rụng lộp bộp ngoài vườn lẫn với tiếng sương rơi, ông Lành chỉ mong chóng sáng để được thấy lũ học trò đi qua nhặt táo...

Nhưng một buổi sáng ông đang ngồi hí húi vót lạt mây để buộc cái nạng, chống cho cây táo đỡ ngả xuống vườn vì nặng quá, thì bỗng "bịch rộp!" - một hòn đất rơi trúng đầu ông, tung toé cả lên vai, lên gáy! May mà hòn đất bở, không to lắm, chứ không thì có lẽ ông đã té xỉu xuống rồi. Thế mà cũng choáng váng mất một lúc. Vừa ngẩng lên, ông Lành thấy thằng Thìn đang trân trân nhìn ông, vẻ hối hận lắm.

Nó lắp bắp:

-Cháu...cháu lỡ!... Ông tha...

Đang cơn bực mình, ông Lành ném cây rựa xuống sân đánh "phựt" , đứng phắt lên:

-Ông, ông cái con khỉ!...

Hoảng quá, thằng Thìn co giò bỏ chạy.

Cũng vừa lúc ấy, nó gặp lũ bạn ngoài ngã ba cây bông điệp. Nó cản các bạn lại, làm ra vẻ bí mật:

-Nè, chúng bay à! Tao đi qua cây táo ông Lành vừa nãy, mà sợ quá, phải chạy lui đó nghe!
-Sao?
-Gì thế? Cái gì thế?

Lũ bạn nhao nhao lên hỏi, đầy vẻ băn khoăn và sợ hãi.Thằng Thìn, cậu bé lên tám, mắt tròn ấy, bấy giờ mới một tay kéo quần, một tay vừa ôm vở, vừa vung lên làm hiệu và nói như thật:

-Tao đi qua cây táo ông Lành, tưởng như mọi khi, tao vô lượm trái rụng. Bất chợt có tiếng "ư hừm!"rõ to! Mà giọng nó ồ ồ kỳ lắm! Tao tưởng là ông Lành đùa. Nào ngờ, nhìn khắp mà chẳng có ai hết. Tao lại nghe "ư hừm" thiệt to và kéo dài lượt nữa; chừng như có người nào ngồi trên cây táo. Tao mới nhìn lên, thì eo ôi! Một cái sọ dừa đen ngòm trên ấy nó trêu tao! Tao sợ hết hồn, co cẳng vùng chạy một mạch tới đây. Hú vía!

Thìn kể say sưa và hồi hộp thật. Các bạn nó ngơ ngác nhìn nhau, giọng se sẽ thì thào; có đứa tái mét cả mặt:

-Vậy làm sao mà tới lớp bây giờ?

Thìn liền láu lỉnh:

-Đây có phải là đường chính của chúng mình tới Trường đâu. Đường chính là đường to, vòng quanh làng chứ. Đường qua vườn ông Lành là đường tắt cho nhanh!

Lâu nay lũ trẻ quen đi đường tắt này, vừa nhanh lại vừa được lượm táo. Bây giờ, nghe Thìn nói vậy, cả lũ réo lên:

-Thôi! Bỏ đường cây táo ông Lành!
-Bỏ thôi!
-Bỏ! Bỏ!

Vậy là lũ trẻ quay ùa ra đường cái, vòng quanh làng.Riêng có thằng Tỵ và thằng Ngọ chưa tin hẳn lời thằng Thìn, bèn rủ nhau bò tới rình xem. Chỉ một lát sau, hai đứa vội vàng co giò chạy trở lại; càng làm cho lũ trẻ tin chuyện cái sọ dừa đen trên cây táo là có thật.

Từ đó, đường qua vườn ông Lành vắng hẳn. Những quả táo chín, rơi vàng cả một góc sân ngôi nhà mới, rơi cả ra đường...Ông Lành nhìn táo rụng vàng ối, mà chẳng có trẻ nhặt, lòng dạ không đành. Đêm nằm nghe tiếng táo rụng với tiếng sương rơi lộp bộp ngoài vườn, ông thắc thỏm đoán ngày mai thế nào lũ trẻ cũng đến lượm, hò reo, hí hửng với những túi táo đầy. Nhưng đã hết năm ngày, năm đêm rồi, mà vẫn không nghe tiếng chân lũ trẻ đi qua nhà ông để đến trường nữa, chứ đừng nói là chúng vào lượm táo.

Ông Lành ân hận. Hay là thằng nhóc ấy đã nói với lũ bạn nó thế nào, để tất cả lũ chúng giận ông? Mà ông đã làm gì nó kia chứ! Một cục đất rơi thẳng vào đầu, chứ có phải chuyện chơi đâu. Chưa biết căn nguyên vì sao lũ học trò lớp Một trong làng lại không đi qua nhặt táo rụng nữa, nhưng ông Lành cũng mang cái rổ ra lượm tất cả táo trên sân, trên vườn, rửa sạch sẽ. Thế nào rồi cũng có lúc chúng nhớ mà đi qua chứ.

Ông vừa làm xong việc đó được một lúc , thì chợt thấy thằng Mùi hớt hơ hớt hải cắp sách chạy qua. Nhưng nó không đoái hoài đến cây táo. Ông Lành liền gọi giật nó lại:

-Nè con!

Thằng Mùi ngoái đầu, "dạ" một tiếng rõ to, rồi định quay đi chạy thẳng. Nhưng ông Lành đã kịp bưng rổ táo chín múp chạy tới, giữ nó lại. Thằng Mùi tròn mắt, không dám lấy:

-Táo có ma đầu-lâu-đen, cháu không ăn đâu ông ạ!
-Ai bảo mày thế?
-Thằng Thìn! Hôm kia nó đi sớm, vào lượm táo một mình, bị ma đầu-lâu-đen doạ "ưm hừm" đấy!
-Ở đâu? - Ông Lành càng ngạc nhiên.
-Nó bảo có đầu-lâu-đen trên cây táo của ông! - Thằng Mùi vừa thở vừa nói , rồi quay mặt đi chỗ khác, đưa tay chỉ lên cây táo.

Ông Lành mới vỡ lẽ! Ông chửi yêu thằng Mùi, chửi yêu cả lũ bạn nó:

-Cha mẹ chúng bay nghe! chỉ bày trò dại mà doạ nhau thôi. Tổ kiến đen đấy cháu ạ! Ông nuôi tổ kiến trên ấy cho nó ăn sâu đi, để táo khỏi bị sâu ăn chứ. Rồi ông Lành ngồi vậy, ôm hẳn thằng Mùi đứng vào giữa hai đùi ông:

-Cháu đến lớp nói với các bạn là không có ma nào hết nghe! Đây nè, để ông đi chọc tổ kiến cho cháu xem.

Rồi ông Lành cười thoả thuê, dắt tay thằng Mùi đến bên cây táo, lấy sào nứa đâm vào tổ kiến. Lập tức đàn kiến bò ra, bu đen cả đầu sào. Thằng Mùi vỗ tay reo lên, cười khanh khách. Rồi nó quay vội sang, nói với ông Lành:

-Bữa nay vì cháu ngủ quên, sợ đến trễ, cô giáo la, nên mới liều chạy tắt qua đường này đó ông ạ! Bây giờ cháu phải đến lớp kẻo trễ, nghe ông!

- Ờ! Mà cháu phải mang chỗ táo ông nhặt đây cho cả lớp ăn với chứ.

Trước đây, cô giáo Hà đến xin ông Lành cho mượn căn nhà mới để làm trường cho học sinh lớp Một. Suy đi tính lại , rồi ông không cho. Lắm lúc, ông cũng thấy có cái gì đó không đành. Hoá ra, như thế mình không nghĩ đến tình làng nước nữa sao? Nhưng mà, ái chà chà! Cái lũ trẻ ấy cũng nghịch quá lắm! Nếu để cho chúng nó học ở đấy, rồi đến tường nhà cũng lở lói hoặc bị bôi vẽ bẩn thỉu những gà mẹ, gà con, lợn nái , mèo hoa lên thôi, Và tất nhiên là cây táo quý hoá của ông cũng sẽ trụi thụi lụi cả quả lẫn cành mất.

Nhưng chỉ mấy ngày vắng bặt tiếng trẻ hò reo lượm táo, vắng bặt tiếng rậm rịch bước chân của lũ chúng qua trước nhà ông để đến lớp học , ông Lành mới thấy hết thế nào là hạnh phúc của một người ông. Ông nhớ lũ trẻ hơn hớn kia quá. Và ông càng đâm ra nghĩ ngợi , nhớ lây sang thắng Sửu nhà ông , với niềm hy vọng một ngày gần đây ông sẽ có cháu nội . Rồi chúng cũng đi học lớp Một, cũng nhặt táo rụng trên vườn kia...

Thế là ông Lành quyết định đến lớp gặp cô giáo Hà. Và tất nhiên, ông sẽ được gặp tất cả lũ trẻ nữa. Thứ nhất, ông sẽ nói để cô giáo biết chuyện thằng Thìn bịa ra trên cây táo quý của ông có cái đầu lâu đen, làm cho lũ trẻ khiếp vía, sợ lây cả ông. Thứ hai, ông sẽ bảo cô giáo chuyển cho lũ nhỏ về ngôi nhà mới của ông mà học. Chả là ông đã nghe phong thanh, đâu cái chỗ lớp học hiện giờ chật chội quá, cô giáo Hà định dời lớp sang một làng khác.

Ông Lành đến lớp học của lũ trẻ lớp Một.Vừa thấy ông từ xa, lũ trẻ đã cầm mỗi đứa một vài quả táo trên tay, chạy ùa ra hò reo đón ông. Riêng có thằng Thìn vội ngồi sụp xuống dưới chân bàn , mồm đang ngậm một quả táo, mỉm cười tinh nghịch. Nó đỏ dừ hai tai...

Mùa táo chín 1973

Nguồn : Blog của Nguyễn Trọng Tạo

ĐÊM QUA LÀ CÁI ĐÊM GÌ? MỘT CÂU HỎI TRONG TÁC PHẪM BÍCH CÂU KỲ NGỘ

Bích Câu Kỳ Ngộ là một áng thơ tuyệt tác trong kho tàng văn học Việt Nam

Bích Câu Kỳ Ngộ gồm có ...... câu thuộc thể thơ lục bát, là một tác phẩm lớn có giá trị văn chương , nghệ thuật thuộc vào hàng kiệt tác qúi hiếm , tác giả là ai ? có phải làdo nhà sư họ Bùi trù trì chùa An Quốc chép lại ? chuyện kể về chàng Tú Uyên là một thư sinh ở vào đời Lê Thánh Tôn. Cha mẹ đều mất sớm. Tú Uyên dựng nhà học giữa hồ Bích Câu. Một hôm trong nhân đi hội chùa Ngọc Hồ, Tú Uyên lượm được một bài thơ bảo có tiên nữ xuống xem hội. Tú Uyên thấy có một cô gái đẹp từ chùa bước ra. Chàng bèn theo tán chuyện ướm tình, đến Quảng Văn Đình trước cửa Nam thành Thăng Long, thì nàng biến mất.

Uyên cố tìm hỏi mà không ra tông tích. Càng trở nên buồn rầu ốm nặng. May có bạn, họ Hà, khuyên can, cho nên chàng gượng đi cầu mộng ở đền Bạch Mã tại phố Hàng Bạc. Thần báo ngày mai hãy đợi ở bên cầu Đông trên sông Tô Lịch, sẽ gặp

Chàng theo đúng như lời Tú Uyên gặp một ông già tay cầm một bức họa từ xa bước lại. Người trong tranh là nàng mỹ nữ mình gặp hôm kia. Mua tranh về Tú Uyên hàng ngày ngắm nghía chuyện trò. Đến bữa, dọn bát đũa mời ăn như người thật. Bổng một hôm, nguời trong tranh dường như mĩm cười.

Một hôm Uyên từ trường về, thấy có cơm nước sẵn sàng, mà toàn những cao lương mỹ vị. Sau đó hôm nào cũng vậy, chàng nghi rằng đã có người tiên đến giúp mình, cho nên tìm cách gặp mặt. Một ngày kia, chàng giả đò đi học, nửa đường quay trở về rình ngoài phên, quả nhiên chàng thấy có mỹ nhân trong tranh bước ra. Chàng liền đẩy cửa chạy vào. Mỹ nữ đành không tránh nữa. Nàng tự nhận là tiên nữ Hà Giáng. Vốn có duyên cùng chàng.

Sau đêm động phòng hoa chúc . Vợ chồng bên xướng họa sáu mươi vần để ghi riêng đầu đuôi câu chuyện tình.

Tú Uyên dần dần sinh ra nghiện rượu tình vợ chồng nghe như đã nhạt mùi ân ái . Đã không nghe lời vợ chồng khuyên can, thường lại còn đánh đập nàng. Giáng Kiều bỏ nhà trở về cỏi tiên. Có lúc tỉnh rượu, chàng biết lổi tại mình, cố đi tìm vợ mà không thấy nữa. Luyến tiếc, sinh ra sầu não đau ốm.

Tú Uyên toan tự vẫn thì đúng vào lúc đó Giáng Kiều lại hiện ra. Chàng bèn từ tạ, xin nối lại duyên xưa.

Ngoài những bài phê bình văn học của nhiều học giả từ xưa cho đến bây giờ thường chỉ chú tâm quan sát cách kết cấu bố cục của tác phẫm , tâm lý nhân vật , tư tưởng Phật giáo và triết lý lão giáo thoát tục.... , văn chương với những câu thơ bóng bẩy chải chuốc cực kỳ điêu luyện , với những cảm xúc sâu sắc tinh tế của tác giả...

Ỡ đây chúng tôi lại nhìn tác phẫm và các nhân vật như Giáng Kiều là một phụ nữ đãm đang nội trợ , gợi cảm và Tú Uyên là môt nghệ sĩ tài hoa nhưng lại là một người đàn ông đam mê sắc dục và nghiện rượu mà Tú Uyên đã từng tuyên bố :

Trăm năm thân ấy ra gì

Nay còn son trẻ ta thì cứ say

Giải sầu ba chén làm khuây

Mua vui một bát.....

Dưới khía cạnh liên quan đến đời sống thực của một con ngưởi bao gồm tình yêu , nỗi nhớ nhung , mong đợi và đời sống về tình dục , chúng ta thử xem trong tác phẫm Bích Câu Kỳ Ngộ tác giả đã nêu vấn đề đó ra sao ? nó có khác gì với Nguyễn Du qua lời Tú bà dạy nàng Kiều

Này con thuộc lấy nằm lòng

Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

Hay như Nguyễn Gia Thiều :

    Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt

Lúc cười sương cợt tuyết đền phong

Cái cách mô tả Giáng Kiều trong Bích Câu Kỳ Ngộ hoàn toàn khác hẵn với cung cách của Nguyễn Gia Thiều và Nguyễn Du khi giới thiệu nàng cung nữ hay nàng Kiều

Bóng hoa cốt giễu bóng người

Dầy dầy da tuyết trắng ngời, thích sao !

Ba canh ngược thấu nguồn đào

Gió Chằm Nhất Dạ thổi tiêu lót phàm

Rỏ ràng tác giả rất cố ý khi dùng chữ thích sao trong câu thơ để xác định cái cảm nhận của mình trước cái sắc đẹp gợi tình của Giang Kiều và cái điên tích Chằm Nhật dạ đã gợi lên trong trí tưởng người đọc một bức tranh mà trong Lĩnh Nam Chích Quái mô tả cảnh công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tữ hai người trần truồng không một mảnh vải che thân , cảnh ấy còn trử tình và khêu gợi hơn cả ông Adam và bà Eve trong vườn địa đàn

Không như Cung Oán Ngâm Khúc nàng cung nữ hồi tưởng lại giây phút thất thân với hoàng đế :

Cái đêm hôm ấy đêm gì

Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng

mà ở đây Giáng Kiều và Tú Uyên cùng đem câu chuyện vùa mới xảy ra, còn nóng hổi , còn vươn mùi vị ái ân nồng nàn đêm qua để nói với nhau , trong nghệ thuật sống và trong tình dục học thì đó là là một cách trao đổi rất cần thiết dể giúp nhau đạt đến hạnh phúc trong cuộc sống chăn gối , bởi vì có những cặp sống với nhau đến mãn đời vẫn không biết người hôn phối có đạt được cái rung cảm của thân xác hay không , qua cái nhìn và mô tả hành động này mới thấy hết được sự sâu sắc , và tư tưởng cấp tiến trong quan niệm tình dục vốn rất tối kỵ ở thời điễm đó

Đêm qua là cái đêm gì ?

Chúa xuân hé cửa màn the dộng phòng

Cầu ô đã bắt ngang sông

Mảnh gương trắng bạ xế trông mày ngài

Trong đời sống lứa đôi thì bức tranh của Giáng Kiều và Tú Uyên quả thật là đáng được nhiều người noi theo không chỉ là tâm đầu ý hợp mà cả cái say mê hưỡng lạc thú vui nhục dục họ cũng đồng điệu

Đủa ngà chén ngọc lạ lùng ai hay.

Rượu kèo chén cạn lại đầy,

Giọng thanh khúc hát khi chầy khi mau

Mặt cười hoa nở kề nhau

Vẻ trong huyền ảo ai hầu đoán ra?

Nhạc du dương khách la đà

Nhịp giày quay múa, nhìn mà say mê?

Tiệc riêng trên nệm cùng ngồi kề nhau

Vui đùa trong khói trầm bay,

Nồng nàn luyến ngọc, thày lay ghẹo vàng.

Lòng càng đắm, hứng càng cao,

Nồng nàn sắc dục, ngọt ngào tình yêu

Một cảm xúc về tình dục trong cuộc giao hoan mà giường chiếu nệm màn khăn gối được sửa soạn thật tỉ mĩ không thua gì một bài giáo khoa trong nghệ thuật chăn gối dưới ngọn bút của tác giả dã trở nên thần thánh hóa và thi vị

Dời đèn, rũ bức màn thêu

Lò nghê thêm xạ, thêm khêu gợi tình

Cầm đôi tay ngọc trắng xinh

Vui vào trướng gấm thêu hình năm hoa

Thân mền yểu điệu thật là

Gió tình đẩy động, thổi đà xiêu xiêu

Thẹn thùng cúi mặt yêu kiều

Aùnh hồng ửng má, áo điều lìa tay

Ngọc ngà trong trắng nào tày

Nhà vàng, giường báu, thân này xứng nên

Mấy đời sánh mặt người tiên

Vóc này đâu thấy ở miền trần ai.

Và trận mây mưa đạt đến đĩnh cao của sự hoan lạc khi trầm lúc bổng khi nhặc lúc khoan theo nhịp dập của con tim ân ái , ở đây tác giả chỉ cần dùng một chữ mồ hôi không thôi cũng đủ cho người đọc liên tưởng những gì đã xãy ra trong cơn cực khoái của con người

Nệm canh sóng hứng vỗ xê

Gió xuân thổi dập màn the phập phồng

Tóc mây trâm lỏng buông tung

Nét son, lớp phấn ướt cùng mồ hôi

Nói sao được chuyện trong chăn

Thú vui trên gối, tâm thần biết thôi

Và cuộc mây mưa hứa hẹn mãi mãi suốt đời

Suốt đời sẽ náo phòng khuê

Cùng nhau sẽ lấy cầm thi vui vầy.

Và câu hỏi " Đêm qua là cái đêm gì ? " đã dược trả lời như sau :

Trong giường còn mảng mưa mây,

Ngoài song thơ lặn, trời tây còn hồng

Vẫn còn trằn trọc phòng trong

Miệt mài vui cuộc tình chung chưa tàn

Mỏng manh mảnh áo dính thân

Đầu này cuối mắt nhìn gần mà no!

Thang lan mát mẻ thơm tho

Phấn giồi, chấm điểm, son tô, hương lồng

Chuyện đêm qua những thẹn thùng

Càng tăng vụ mới, càng nồng đẹp xưa

Nếu đem so sánh với các tình tiết kiểu như thế này với một vài tác phẫm khác như Nhị Độ Mai hay Phạm Công Cúc Hoa thì Bích Câu Kỳ Ngộ vượt xa rất nhiều trong lãnh vực cấm kị này

Riêng về khía cạnh tình dục được mô tả , nhắc nhở đến trong tác phẫm Bích Câu Kỳ Ngộ thì đây có thể xem như một bài học căn bản để giử gìn hạnh phúc trong đời sống vợ chồng

BS HỒ ĐẮC DUY - www.ykhoa.net