Monday, November 24, 2008

Thơ cũ của nàng

Người đi qua đời tôi
Trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời

Người đi qua đời tôi
Hồn lưng miền rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên

Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng

Người đi qua đời tôi
Nghe những lời linh hồn
Phi lao dài tiếng ru
Êm ái lòng hối tiếc
Trên lối về nghĩa trang
Trong mộ phần tồi đen

Người đi qua đời tôi
Không nhớ gì sao người

Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em...

Trần Dạ Từ

Truyện cực ngắn, nhưng phải suy nghĩ nhiều

Trang viết & cuộc đời


Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật "người chồng" luôn… bị chết trước vợ.

Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: "Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại."

Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn

(ST)

Vợ chồng

Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy, anh lại ôm lấy chị, vỗ về:
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào !
Công ty phá sản. Từ cương vị gián đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh !

(ST)

Mồ côi

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…

(ST)

Quà sinh nhật

Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: “Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?”
Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: “Sao má chẳng ăn gì?” Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…

(ST)

Con Nuôi

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói:
- Mình biết tất cả về con nuôi đấy.
Một học sinh khác hỏi:
- Thế con nuôi là gì?
Cô bé trả lời:
- Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

(ST)

Khóc

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.

(ST)

Lời cuối

Chuông điện thoại reo vang, giật mình, như cái máy, tay bật đèn đầu giường, mắt nhìn đồng hồ: 12 giờ 20 đêm. Chờ đến tiếng thứ ba mới nhấc điện thoại. Giọng thằng em từ quê nhà lạc lỏng, buông xuôi :

- Má xấu quá rồi, không còn biết gì nữa! Anh nói với Má vài tiếng đi!!

Tôi tuyệt vọng :

- Má đâu còn nghe được !?

Thằng em nài nỉ :

- Anh nói với Má vài tiếng đi, Má còn chờ anh đó !!

Tôi nghẹn ngào trong điện thoại như một lời tạ tội :

- Má ơi, con không về kịp, thôi Má hãy đi đi, đừng chờ con nữa.

Mười lăm phút sau, chuông điện thoại lại reo vang, giọng thằng em não ruột: " Má đã ra đi !"

(ST)

Một buổi sáng

Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
- Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống.
Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
- Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.

(ST)

Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:

- Cua rang muối thật đó mẹ.

Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:

- Còn răng đâu mà ăn?!

(ST)

Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

- Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con

Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố.

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?

Trời vẫn nắng, vẫn râm...

...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

(ST)

Dạ khúc thứ năm

Tôi bước vào gian phòng
Với que diêm loè sáng
Gian phòng không
Mọi người đi hết rồi
Những chỗ ngồi bỏ trống

Tôi cúi sâu mặt bàn
Những ngón tay buồn so
Trang sách vô hình mở
Và mọi người đi qua
Không một lời nào nữa

Tôi cúi sâu lòng mình
Và que diêm tắt phụt
Sự lãng quên rõ dần
Tất cả đều nín thinh
Tất cả đều ngủ yên

Trừ một người...
Trong trí nhớ....

Trần Dạ Từ

Saturday, November 22, 2008

Nhật ký Anne Frank

Anne Frank: 'Tôi muốn tiếp tục sống ngay cả khi chết đi'

Anh Nhi
http://evan.com.vn/News/chan-dung/2006/11/3B9AD542/

Anne chết tại trại tập trung, nhưng những gì cô mong muốn, “tiếp tục sống, ngay cả khi chết đi” đã trở thành hiện thực. Nhật ký của cô đã được xuất bản và trở thành một nhân chứng có sức sống động ghê gớm tới lương tri của con người.

Cuốn nhật ký của một số phận bi thảm

Cuốn nhật ký Anne Frank được tìm thấy trong căn gác áp mái ở Hà Lan, nơi mà cô bé và gia đình đã sống hai năm cuối (1942-1944) của cuộc đời mình trong quá trình trốn chạy khỏi bàn tay hủy diệt của phát xít Đức với người Do Thái.

Một ngày ngồi chống tay vào cằm, và cảm thấy sự tẻ nhạt, chán ngán, uể oải, cô bé mười ba tuổi bắt đầu viết nhật ký với lý do không có một người bạn thật sự nào. Theo tự sự của cô bé, chắc chả ai tin, cô là một người có ba mẹ yêu quý, một chị gái 16 tuổi, quen 30 người có thể là bạn, hàng lô bạn trai và ai cũng mong được cô bé để mắt một tí và hàng lô cậu khác không được mình nhìn đến thì chỉ muốn nhìn trộm cô bé qua những tấm gương.

Họ hàng không thiếu, mái nhà cũng ấm cúng, ấy nhưng, để là một người thân thiết thực sự thì không có ai cả. Cô đặt tên cho cuốn nhật ký của mình là Kitty.

Cô bé Anne rất trung thực với trang viết, cô không bao giờ thỏa hiệp với chính mình và là con người có cá tính. Anne Frank viết nhật ký trong vòng 2 năm cho đến 4 ngày trước khi cả gia đình cô bị bắt vào trại tập trung, lúc đó, cô 15 tuổi. Cuộc sống bí mật trong bầu không khí ngột ngạt, lo sợ, những trục trặc của sinh hoạt thường ngày, những ước mong không bao giờ có được của những người đang lánh nạn diễn ra trong chái nhà bí mật đó. Cô bé thương mẹ nhưng phải buồn bã mà thú nhận rằng cô yêu ba hơn yêu mẹ, và hiểu một người bạn hơn là hiểu mẹ. Cô không muốn sống như mẹ, cô phải là người mạnh mẽ nhất, phải là một nhà báo, một nhà văn giỏi, chứ không mơ làm bà đỡ như chị gái của mình. Nhưng 1 năm sau, khi nhìn nhận lại những gì mình đã viết, Anne dường như trưởng thành và mong muốn tự hoàn thiện mình hơn. “Mình thương mẹ, thương mẹ lắm lắm, lần đầu tiên trong đời mình thấy mẹ đau khổ vì sự lạnh nhạt của mình.”… “Cái thời gian mình khiến mẹ phải rơi nước mắt qua rồi. Mình lớn khôn hơn, và thần kinh mẹ đã đỡ căng thẳng hơn trước”.

Vì chiến tranh, và tránh sự hủy diệt của phát xít Đức, Anne Frank không được đi học nữa, nhưng cô vẫn tự học và đọc rất nhiều sách vở, học nhiều thứ tiếng ngoại ngữ khác, và giữ được niềm say mê viết.

Nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng

Không khí ngột ngạt trong tâm trí của Anne, cô bé không nghe thấy một tiếng chim hót bên ngoài. Sự im lặng chết chóc bao trùm kín mít khắp nơi, giữ chặt lấy con người, như muốn lôi con người vào địa ngục.
Đó là những ý nghĩ của một con người có ý nghĩ già dặn, biết suy nghĩ về thời cuộc, về cuộc sống bản thân. Sự nhạy cảm làm cho Anne cảm thấy cô đơn, bao bọc bởi một sự trống rỗng to lớn. Tuy lòng nhân ái khi nghĩ tới những người khốn khổ khác, đầu óc cô chợt choáng váng. Sự chờ đợi không biết nỗi khốn khổ bao giờ mới chấm dứt. Người Do Thái và người Cơ đốc chờ đợi, cả trái đất chờ đợi và có biết bao nhiêu người chờ đợi cái chết. Người Do Thái phải đeo trên áo ngôi vàng, không được ăn ở các nhà hàng, không được đi xe chung, học trường riêng. Nỗi lo sợ làm cho cô bé Anne đến hai tháng qua không thấy bị hành kinh, cô muốn khao khát nhìn thấy một cơ thể nào đó khác mình, một cơ thể bạn gái khác cũng được, và đến một lúc nào đó, cô nhận ra rằng, không phải cái cô mong đợi là một bạn gái, mà là một người bạn trai.

Một cô bé mười mấy tuổi, mà tự đặt câu hỏi cho mình, cô ghi trong nhật ký: “Mình cứ tự hỏi nhiều lần rằng không hiểu có tốt hơn nếu bọn mình đã chết thì sẽ không phải trải qua tất cả những nỗi khốn khổ này, nhất là sẽ không đầy những người đã che chở bọn mình vào nguy hiểm hơn nữa”. Nỗi sợ hãi kêu gào trong cô bé, cô muốn cái yên tĩnh giả tạo kia, và nỗi sợ hãi khủng khiếp kia trôi đi nhanh hơn, bởi vì không có cách nào giết nổi nỗi sợ và sự yên tĩnh ấy. 8 người trong chái nhà nhỏ bí mật giống như một mẩu nhỏ của bầu trời xanh giữa những đám mây giông đen kịt. Anne viết: “Giá như cái vòng tròn đen kịt kia có thể lùi ra và mở cho chúng con một cánh cửa”.

Chính trị và niềm tin

Sự thống khổ mà Anne và gia đình trong những năm tháng lánh nạn trên tầng áp mái đó làm cho cô bé suy nghĩ và phẫn nộ, uất ức về tình cảnh đang diễn ra. Sự chịu đựng, không biết kết thúc như thế nào làm cho họ mòn mỏi. Anne viết: Ai gây ra cho bọn mình điều này? Ai đã làm cho người Do Thái khác với dân tộc khác? Ai đã cho phép bọn chúng bắt bọn mình phải chịu đựng những đau khổ khủng khiếp như vậy?
Bên cạnh một tâm hồn nhạy cảm, Anne rất mạnh mẽ, thích độc lập. Phương châm sống của một cô bé 15 tuổi là biết điều mình muốn, có một mục tiêu, một quan điểm, có tín ngưỡng và có tình yêu, phải dũng cảm và vui tươi. Cô bé tin rằng bản chất con người vẫn tốt đẹp. Anne không xây đắp các hy vọng trên một nền móng bao gồm những bối rối, khốn khổ và cái chết. Cô thấy thế giới đang dần chuyển thành một sự hoang dại, cô nghe những tiếng sấm đang đến dần, hủy diệt con người, và cô cảm thấy rõ nỗi đau khổ của hàng triệu người nhưng ở Anne, niềm tin vẫn vô cùng mãnh liệt, “nếu ngước nhìn lên bầu trời mình nghĩ rằng mọi chuyện ổn thỏa, cái tàn nhẫn sẽ chấm dứt, rằng hòa bình và yên tĩnh sẽ trở lại.”

Tôi muốn tiếp tục sống, ngay cả sau khi đã chết đi

Cuốn nhật ký dừng lại ngày 1/8/1944. Ngày 4/4/1944, qua sự chỉ điểm của một kẻ đê tiện người Hà Lan, quân Đức đã phát hiện, bắt giam và chuyển gia đình Anne Frank tới trại Auschwitz ở Ba Lan. Ông bố Otto Frank là người duy nhất trong gia đình còn sống sót và trở về Amsterdam, Hà Lan. Anne và chị gái Margot bị đưa tới trại Bergen- Belsen thuộc miền trung nước Đức và chết năm 1945.

Anne chết tại trại tập trung, nhưng những gì cô mong muốn, “tiếp tục sống, ngay cả khi chết đi” đã trở thành hiện thực. Nhật ký của cô đã được xuất bản và trở thành một nhân chứng có sức sống động ghê gớm tới lương tri của con người.

Bé Ký, nỗi hoài nhớ niềm vui đã khuất

Photobucket

Văn chương và hội họa là những nghệ thuật bắt nguồn bằng nét (dessin). Chữ viết khởi từ nét, ngay trong cách viết chữ nho, người ta đã muốn vẽ vũ trụ và con người qua ngôn ngữ. Cho nên, chúng ta không nói quá, khi cho rằng chính dessin mới là nguồn của văn chương và hội họa.

Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký -như cái tên lựa chọn có ý tiên định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naĩf) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt.

Nếu biết rõ dessin là gì, thì sẽ thấy sự lựa chọn này không dễ dàng, bởi con đường đơn giản bao giờ cũng là con đường khó khăn. Văn mà đạt tới mức không rườm là khó. Vẽ mà đạt tới mức giản dị tối đa không dễ.

Hội họa Bé Ký chỉ thuần túy nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc. Ðây là một quy luật khác thường, vì trong hội họa, trước khi vẽ, có thể họa sĩ chưa biết mình sẽ đi đâu, đường nét và màu sắc sẽ dẫn lối cho họ; cũng như trong văn, ý nọ sọ ý kia, ý trước "đẻ" ra ý sau. Với Bé Ký, sự thể ngược lại: Trước khi vẽ, bức tranh đã phải "xong" rồi, và đặt bút là kết thúc tác phẩm.

Photobucket

Tính chất này của hội họa còn gọi là ngẫu hứng hoặc trực giác, mà cũng là thiền: Trực giác định hình, khi người nghệ sĩ thấy được "ánh sáng", "ngộ" rồi thì họ hoàn thành tác phẩm. "Ánh sáng" ấy là chất liệu, là nguồn cội của ký họa.

Trong thế giới hội họa của Bé Ký, nhân vật, động vật và tĩnh vật, rọi lọc qua ánh sáng giác ngộ, có những nét hồn nhiên và ngây thơ. Từ con trâu, em bé, đến chiếc xe thổ mộ, cái váy của người đàn bà, chiếc khăn mỏ quạ, tóc vấn đuôi gà... tất cả đều thoát ra một cái gì chân chất, rất lành, rất mộc mạc như chưa từng có lớp sơn màu lòe loẹt nào bay đến làm ô uế, ô nhiễm đi.


Photobucket

Bé Ký trong hội họa cũng như Nguyễn Bính trong thơ, sợ sự trưởng thành; cả hai đều đã cấu tạo nên được vũ trụ quê của riêng mình. Quê mùa như thơ Nguyễn Bính, thế giới người, đồ vật và sinh vật của Bé Ký, hòa hợp với nhau, chung sống với nhau trong khung cảnh điền dã, giản dị, nghèo nàn, sinh động và hạnh phúc.

Người xem tìm thấy nguồn vui tự tại trong tranh, kèm nỗi nhớ nhung vô bờ và nỗi buồn man mác, về những ký ức tuổi thơ không bao giờ trở lại.
Hội họa Bé Ký thể hiện niềm vui đã khuất, hiện tại vô tình dẫm lên mà không biết, không hay.

Người Việt phần đông thích tranh Bé Ký, treo tranh Bé Ký, nhưng có mấy ai tìm thấy ở mỗi bức họa của Bé Ký, là một mất mát của con người. Chúng ta bán tuổi thơ đi để mua tuổi già, phá thiên nhiên, đổi thôn quê để chuốc lấy thành thị, chúng ta giã từ niềm vui vào đời để bước dần về nỗi buồn cõi chết.

Photobucket

May có người nghệ sĩ giữ lại cho chúng ta ít nhiều kỷ niệm.

Thuỵ Khuê

Người anh xấu số

Trong ba anh em chúng tôi, mẹ tôi thương anh hai tôi nhất. Mẹ tôi thương anh vì anh khổ, vì anh, vẫn theo lời mẹ tôi, đã từng biết qua trong thuở đầu xanh những ngày đào củ chuối, nấu cháo cám ăn trừ cơm.

Nhưng lòng người mẹ càng nghiêng xuống đứa con thứ bao nhiêu thì lại càng xa đứa con cả bấy nhiêu. Mẹ tôi ví chúng tôi như cây mía có ba đốt đều nhau, sinh cách nhau đúng bảy tuổi, ba đốt mà một đã bị sâu, còn hai đốt kia thì "chưa biết".


Có lần, tôi hỏi mẹ tôi:

- Tại sao anh cả con lại là đốt mía cuối bị sâu đục hả mẹ? Sao anh hai lại được là đốt giữa?

Mẹ tôi gắt:

- Rồi mày liệu, không lại sâu nốt, con ạ.

Mà kể ra anh hai tôi cũng xứng đáng là đốt mía giữa thật. Anh có vẻ dịu dàng và phong nhã. Miệng anh cười rất xinh, làm núng hai đồng tiền ở má. Anh hai tôi ít nói, mà đã nói thì hết sức chắc chắn. Mẹ tôi yêu anh và gửi gắm vào anh những ngày già sắp rụng. Anh tôi chải tóc lật ra hai phía gáy, làm nổi rõ lên cái đường ngôi thẳng tắp. Bắt chước anh, tôi nhất định nuôi tóc để chải cho đẹp, nhưng mỗi lần thấy hàng thợ húi rong đi qua, mẹ tôi hay nhìn đầu tôi mà bảo:

- Bé định búi tóc hay sao mà chưa thiến bớt nó đi?

Nhìn cái tăng đơ tàn nhẫn cày từng mảng tóc âu yếm của tôi lên, tôi hùng hổ bảo người thợ:

- Sao anh không cắt mẹ nó cái đầu tôi đi luôn thể?
- Bà dạy thế. Vả lại cắt ngắn tóc cho mát, cậu ạ.
Tôi không nén nổi tiếng khóc vì bực tức:
- Hu hu... nhưng tôi muốn... bức kia mà!

Cuối năm ấy, ba anh em chúng tôi được chụp ảnh chung với nhau để gửi về quê nội. Bức ảnh đó, tôi vẫn còn giữ được, tuy thời gian đã làm phai nước đi. Cách một ngày trước hôm chụp ảnh, anh hai tôi đã lo lắng về quần áo. Anh cả tôi lớn rồi nên tỏ vẻ lãnh đạm. Tôi thì chỉ suốt ngày ngắm anh hai tôi.

Rồi sáng hôm sau, chững chạc quá, anh hai tôi diện một bộ quần áo sọc, mái tóc chải dẹt xuống, hai mắt tươi cười, tay cầm một chiếc mùi soa.

Đến anh cả tôi mới thật khiếp! Anh mặc một bộ quần áo tây của ba tôi sửa lại, vai cứ dốc xuống, đôi ống quần bó lấy bắp chân như xà cạp. Tôi đã mất công lục hết rương hòm, rồi để chịu mặc một cái áo rộng tay và cái quần ngắn cỡn, vì có bao giờ mẹ tôi may cho tôi được một bộ quần áo nào vừa ý đâu. Cái thì rộng, cái thì hẹp, cái làm tôi đang gầy hóa béo, đang lớn hóa lùn. Nhưng cái nào cũng đẹp hết, vì mẹ tôi bảo: áo tàu mặc thế nào cũng... chững!

Ba chúng tôi ra ngoài sân với một cái ghế. Anh cả tôi ngồi giữa, tay cầm quyển sách. Anh hai tôi đứng chống nạnh bên cạnh. Tôi nhỏ, đứng vòng tay cho có vẻ lễ phép, đôi mắt đờ nhìn vào ống máy ảnh. Mẹ tôi ngắm kỹ ba chúng tôi rồi bỗng giận dữ:

- Trông con mắt thằng cả! Cứ long lên sòng sọc thế kia, trách nào!

Tôi nghe anh cả tôi thở dài một cái. Tôi biết trong nhà sắp có chuyện, nên đưa mắt liếc anh hai tôi. Lúc người thợ ảnh sửa lại dáng điệu cho chúng tôi, mẹ tôi lại nhìn anh cả tôi, lè bã trầu ra ngoài miệng, giọng gắt gỏng:

- Người thì cứ sừng sững ra ấy!

Anh cả tôi vùng đứng dậy, bước ra ngoài, vất lại mấy tiếng:

- Để cho hai đứa nó chụp!

Mẹ tôi nóng tiết, quăng que củi cầm trong tay theo anh, gắt ầm nhà. Anh hai tôi bấm vào đít tôi một cái, dấu hiệu giữ mình chúng tôi vẫn báo cho nhau vào giờ phút nghiêm trọng. Mẹ tôi bảo ông thợ ảnh:

- Ông cứ chụp cho hai cháu cũng được. Thằng con đầu của tôi chết rồi!

Do một sự hớ hênh rất có ý nghĩa của người thợ ảnh, tấm hình được chụp ra với cái chỗ trống anh cả tôi bỏ lại. Đôi mắt tôi, mỗi lần đặt lên bức ảnh, chợt thấy thiếu một cái gì, và điều này làm tôi bồi hồi, cảm động. Tôi chạnh lòng, thấy số phận của anh cả tôi hẩm hiu quá. Ngày xưa cũng như ngày nay, người anh đau khổ ấy vẫn bước những bước cô quạnh trong cuộc đời, sống với mình hơn là sống với người xung quanh, nóng nảy và liều lĩnh.

Một lần đang ngồi ăn cơm với nhau, không nhớ tôi nói hỗn điều gì, anh cả tôi ném ngay cái bát vào mặt tôi. Cơn nóng nổi lên, tôi quăng trả cái chén, và cứ thế, chúng tôi nhảy vào nhau, đấm nhau, cắn nhau.

Thường thường, sau những phút giận dữ như trên, tôi thấy lương tâm bị giày vò, day dứt. Tôi dịu ngọt làm thân với anh cả tôi, nhưng chỉ được vài ngày, chúng tôi lại xem nhau như thù địch. Có điều mãi đến nay tôi vẫn lấy làm lạ, là càng ghét anh bao nhiêu, tôi lại càng thương anh bấy nhiêu.

Trước đây, anh cả tôi có quen biết một người con gái mà đôi mắt, tôi còn nhớ, tròn như đôi mắt bồ câu. Nhưng tình yêu vốn là thứ hay vỡ vì bất cứ một cái chạm nhẹ nào, anh tôi đã thấy chết mối tình đầu âm thầm và vô vọng, rồi về quê nội lấy một người vợ mà tôi chắc rằng anh không yêu lắm.

Đây là một đoạn đời bất thường của anh cả tôi ở bên quê nhà do chính anh thuật lại:

- ... "Thế rồi đến lượt anh. Anh bị trói gô vào một xâu cùng với những người khác, chỉ vì anh là người lạ mặt lạc vào thành phố, đúng cái hôm nổ ra cuộc cách mạng đánh đổ nhà Mãn Thanh. Cây súng, anh còn nhớ rõ, cây súng có cái nòng ngắn, nhưng anh thấy nó đen ngòm và sâu không đáy. Bốn người bên anh đã ngã gục xuống, và sắp đến lượt anh..."

Tôi sợ quá, nhảy chồm lên, hỏi:

- Thế người ta có bắn anh không?

Anh hai tôi đang nghe chuyện, vênh mặt lên bảo anh cả tôi:

- Bé nó hỏi thật dở nhỉ? Đã bắn rồi thì làm gì còn sống mà ngồi kể chuyện nữa!

Anh cả tôi kể tiếp:

- ..."Thế rồi đến lượt anh. Nhưng lúc cây súng sắp giơ lên thì cũng là lúc cây súng... hạ xuống. Khi ấy là vào đúng ban trưa, vì anh nhớ rõ là trời nắng lắm. Thì ra hôm anh bị bắt, ông nội chúng mình đi vắng. May ông về kịp, hối hả gom góp được một món tiền và thuốc phiện lên biếu quan huyện. Thế là quan sai lính phi ngựa ra pháp trường, hô tên anh là Ho Yan lên, và cứu thoát!"

Nghe xong chuyện, anh hai tôi bấm tôi ra chỗ vắng mà bảo:

- Anh cả anh ấy bị một mẻ mất vía, nên từ đó anh mất vía luôn. Cứ buổi trưa trở đi là anh như người lẩn thẩn, và đêm nào cũng lảm nhảm nói mê.

Anh cả tôi có một tâm trạng đúng như vậy. Chị dâu tôi cứ việc yên lặng nằm bên cạnh mà cũng biết hết anh đã làm gì, nghĩ gì hay bậy bạ gì trong ngày hôm ấy.

Một lần, mẹ tôi mất năm chục bạc. Đến đêm, anh cả tôi tự khai ngay ra:

- Còn khoắng một mẻ nữa là ít. Ngần ấy đã ăn thua gì!

Đại để là thế. Ban ngày, anh tôi tính toan gì trong bụng, thì đến đêm nói hết ra ngoài miệng. Tâm hồn anh như căn lều trống, gió thổi qua không vướng một bức vách, thổi một mạch, thổi vù vù.

Trước đây mấy năm, và đây cũng là nguyên do khiến mẹ tôi ghét anh, một chiều đi học về, tôi ngạc nhiên thấy một quang cảnh đổ vỡ bừa bãi. Mẹ tôi, bên cạnh là người đầy tớ trai, đang giận dữ ném các đồ vật vớ được về phía anh, dồn anh vào một góc tường. Anh tôi không kêu, không khóc, nhưng nét mặt xạm lại, một nỗi hằn học lẫn đau đớn vỡ tràn trong cặp mắt ngầu đỏ.

Cuối cùng, tôi thấy anh cả tôi kêu lên một tiếng, ngã xuống: một dòng máu chảy ra trên vai anh, thấm vào manh áo rách. Trong cảnh hỗn loạn, bỗng nhiên, anh tôi vớ được một thanh mác, thứ khí giới phòng kẻ trộm hồi ba tôi còn sống, lao về phía trước mặt. Mũi mác cắm phập vào chiếc tủ đứng, và tiếng mẹ tôi la lên:

- Nó giết, nó giết tôi, các ông, các bà ơi!

Thực ra đó chỉ là cách chống đỡ điên cuồng và tuyệt vọng của một người bị thương, gần như loạn óc. Sau tiếng kêu của mẹ tôi, tôi nóng mắt, sẵn hòn gạch vớ được, ném về phía anh...

Từ đấy, mẹ tôi vẫn dùng hai tiếng "sát nhân" gán cho anh, mỗi lần tức giận. Lòng mẹ tôi đã gần như mất hết thiện cảm đối với giọt máu của mình, đốt mía sâu đục. Còn tôi, tôi không thiếu tình thương hại mỗi lần tôi nghĩ đến người anh đau khổ, nghĩ đến cái gì không tươi đẹp đã làm hoen ố cả một quãng đời của ba chúng tôi.

***

Rồi anh Cả tôi mất vào một năm lụt lội, đói kém. Anh bỏ nhà, đi lên miền ngược, tìm lại những người bạn ngày xưa, vì anh vừa đói cơm trắng lại vừa đói cơm đen. Nhưng anh đã chết ở dọc đường vì kiệt sức. Dân địa phương đi qua, làm phúc vùi tạm xác anh ở một góc rừng đâu đó.

Hôm được tin anh chết, tôi ở xa không về được, chỉ có chị dâu tôi và đứa cháu đầu lòng thất thểu kéo nhau đi tìm xác anh. Mẹ tôi thì già yếu, nhặt nhạnh được một thúng lá chuối khô, dặn chị tôi mang theo.

Tôi thương anh tôi khi anh còn sống, hơn là khi đã chết. Chết như anh là thoát. Tôi thương những giọt nước mắt mẹ tôi chắt ra từ đáy lòng để khóc lần cuối cùng đứa con dại dột. Và tôi hay nghĩ đến bó lá chuối khô của mẹ, thứ "cây nhà lá vườn", không tốn tiền mua, mà chị dâu tôi mang theo để gói hài cốt của chồng.

1942
Rút từ tập Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc.
Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1989

Saturday, November 15, 2008

Miếng da lừa - Balzac

Miếng da lừa là một.. miếng da lừa. Một miếng da của vua Salomon, đầy tai ương nhưng cũng đầy quyền lực.

Chàng thanh niên Raphael de Valantin xuất thân từ một gia đình quý tộc bị phá sản, lớn lên trong xã hội Paris thế kỷ 19, tài năng, có chi hướng, kiên định. Ban đầu anh cam chịu, quyết tâm, sống nghèo nàn trong một gian gác xép, khắc khổ như một tu sĩ, cần cù học tập, để nuôi dưỡng ước mơ của chính mình : viết ra một tác phẩm kinh điển. Raphael mang trong mình hoài bão sáng tác ra những tác phẩm lớn lao phục vụ cho nhân loại.

Nhưng chuyện nuôi dưỡng ứơc mơ đó không đồng nghĩa với một ông-thánh-sống đang tồn tại trong lòng Raphael. Anh khao khát giàu sang, anh ước ao có được tình yêu và muốn sống cảnh yêu được trong nhung lụa.


Raphael đã từng có một tuổi trẻ rất nồng nhiệt, anh tin tưởng ở con người, ở quyền năng của lý trí. Nhưng chẳng bao lâu sâu, anh cay đắng nhận ra sự lãnh đạm ghê gớm, tàn nhẫn của xã hội đối với công việc của anh cũng như với bản thân anh, với cả những cái gì gọi là vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Trong xã hội đó, trí tuệ, tài năng, nghị lực của anh không đáng giá một xu và anh không thể sống nếu anh chỉ có từng ấy thứ.

Niềm tin bị lung lay, hoài bão lý tưởng tan vỡ, Raphael lao vào những cuộc ăn chơi trác tác truỵ lạc với Rastinhac, đau đớn nhìn những nhà văn kém tài đức được tâng bốc trong cái xã hội thượng lưu ấy. .

Rồi một bữa, không kiên trì được, anh nghe theo bạn từ bỏ cuộc đời lao động nghèo khổ để chạy theo cuộc sống phóng đãng, phù hoa của xã hội thượng lưu. Và anh yêu..Anh yêu say mê nữ bá tước Fedora, một tượng đá, người đàn bà thời thượng có sắc đẹp và tiền của nhưng lại vô tình, kiều diễm nhưng phù phiếm, đỏm dáng mà vị kỷ, không tâm hồn, thiếu một trái tim.
Vì tình yêu đó, anh sẵn sàng từ bỏ Polin, con gái bà chủ nhà nơi anh trọ học, mặc dầu sự ân cần chăm sóc của hai mẹ con nàng. Polin trong trắng và thuần khiết của anh mà mãi cho đến cuối đời anh mới nhận ra được

Raphael yêu Fedora điên cuồng, anh trở thành một ngừơi si tình đúng nghĩa, số gia sản ít ỏi của anh đựơc nướng sạch vào những chiếc găng tay mới tinh, những bộ đồ mới, những lô ngồi trong rạp hát, những bó hoa mà Fedora chỉ ngửi một lần rồi quăng bỏ. Rafaen chìm đắm trong thế giới của tình yêu cho đến khi chàng nhận ra Fedora không phải của chàng, Fedora cũng không của Racxtinhac, Fedora không phải của Emil, không của bất kỳ một ông quận công nào.. nàng không thuộc về ai để tất cả phải là của nàng.

Đây là đoạn văn vết về Fedora. Valantin sau khi kể cho Emil nghe về mối tình tuyệt vọng của mình với người-đàn-bà-không tim Fedora, đã kết chúc câu chuyện bằng một câu :

"Tôi không nói hết với cậu những lời cay chua mà tôi vừa nói với nàng vừa cười, thế nhưng lời nói sắc nhọn nhất, điều mỉa mai cay độc nhất không làm cho nàng có một cử động, một cử chỉ hờn giận. Nàng vừa nghe tôi nói vừa giữ trên môi, trong con mắt, cái nụ cười quen thuộc của nàng, nụ cười nó như chiếc quần áo nàng khoác lên mình, và vẫn nụ cười đó đối với bạn thân, đối với những người chỉ quen biết, đối với khách lạ.."

Bạn có thể tìm thấy Fedora ở đâu ?

"Fedora à, anh sẽ gặp nàng. Đêm qua nàng ở rạp Bupphông, tối nay nàng sẽ tới Viện ca kịch, ở đâu cũng thấy nàng, nếu anh muốn, nàng chính là cái xã hội này."

Cuối cùng anh bị Fedora cự tuyệt. Đau đớn, anh lăn mình vào những cuộc hành lạc cho tới khi khánh kiệt, anh định ra sông tự tử.

Nhưng vừa lúc đó, Raphael được cứu thoát bởi một một miếng da lừa tìm thấy trong tiệm bán đồ cổ.
Miếng da to như tấm địa đồ, là tượng trưng cho cuộc đời anh. Miếng da đầy uy quyền và có phép màu làm thỏa mãn mọi ước nguyện của anh, nhưng mỗi lần được toại nguyện thì miếng da lừa co lại và tuổi đời của anh lại giảm đi.

Với miếng da, Raphael trở thành con ngừơi quyền lực nhất, anh sống giàu sang, trả thù đựơc tất cả mọi người. Anh gặp lại Polin cũng trở nên giàu có, anh định kết hôn với nàng thiìđây lại là khoảng thời gian anh sống quằn quại nhất. Raphael - một đôi mắt trẻ trung trong thân hình già cỗi. Anh trở nên quá già để có thể thưởng thức một đoá hoa, ăn một món ăn ngon hay đi thưởng ngoạn một thắng cảnh đẹp. Lo sợ trước cái chết và không sao phá được phép thiêng của tấm bùa, Raphael tìm cách xa lánh mọi ngừơi, sống như cây cỏ, không ước mơ, không hy vọng.

Cái chết vẫn là cái chết, trong cơn hoảng loạn cuối cùng, Raphael đã ứơc mơ đựơc ân ái với Polin và chết trong tay nàng.

Cái chết của Raphael để lại cho người ta cả bức tranh xã hội đương thời ghê tởm và đáng khinh bỉ. Bạn có biết Taylor đã trắng trợn tuyên bố như thế nào không ? "Thưa các ngài, xin nâng cốc chúc cho quyền lực của vàng. Ông De Valantin trở thành sáu lần triệu phú là nắm được mọi quyền hành. Từ đây, đối với ông ấy, lời ghi trên đầu Pháp điển :"Mọi người Pháp đều bình đẳng trứơc pháp luật" là một lời nói láo. Ông ấy sẽ không tuân theo pháp luật, pháp luật sẽ tuân theo ông ấy. Đối với các bậc triệu phú thì không có đoạn đầu đài, không có đao phủ." Liệu còn lời nào điển hình hơn không để nói về xã hội tư sản do đồng tiền ngự trị ? Không.

Đến khi Raphael trở nên bệnh hoạn, cái xã hội thượng lưu ấy lại hiện lên với tất cả vẻ tàn nhẫn, cay độc của nó thông qua hình tượng đám ngừơi thượng lưu sống nhàn hạ ở suối nứơc nóng (nơi Raphael chữa bệnh). Cuộc xung đột đó đã nói lên cái man rợ của đồng tiền : "Cái xã hội hào hoa trục xuất ra khỏi nó những kẻ đau khổ, như một ngừơi tráng kiện tống ra khỏi thân thể mình một nguyên tố bệnh tật. Xã hội thượng lưu kinh hãi những đau thương và bất hạnh, nó sợ chúng như bệnh lây, nó không bao giờ do dự giữa chúng và thói hư: thói hư là một xa xỉ phẩm."

Phải, Raphael đã chạy theo cái xa xỉ phẩm đó cho đến tận khi nhận ra cái chết đang treo trên đầu mình. Raphael lòng đầy tham vọng nhưng tinh thần yếu đuối. Lỗi tại Raphael à ? Không, khi cái xã hội ấy nó vẫn còn như thế, không bao giờ chỉ dừng lại ở 1 Raphael.

Miếng da lừa là tác phẩm đầu tiên đưa Balzac lên đài danh vọng bởi tính tố cáo hiện thực của nó. Vậy sự xuất hiện của miếng da lừa - một hình ảnh mang tính chất siêu nhiên - liệu có làm cuốn tiểu thuyết mất đi chất hiện thực ?

Hãy gạt bỏ bớt các đề tài khác trong một thời gian để cố mà đọc cuốn sách này, vì NÓ LÀ MỘT TRƯỜNG ĐỜI THỨ THIỆT ”! Nó vẫn còn nhiều cái đáng để cho chúng ta suy nghĩ về thực trạng cuộc sống của xã hội ta hôm nay...

Friday, November 14, 2008

Thăm nhà nữ nhà văn Margaret Mitchell

Đầu tiên là tòan cảnh ngôi nhà

DSC01406 DSC01460



DSC01458


Một vài hình về cuộc đời Margaret Mitchell


DSC01409 DSC01412 DSC01416 DSC01425 DSC01411



Bà đã sử dụng chiếc máy đánh chữ này để sọan ra 1 một tiểu thuyết bất hủ

DSC01418



Tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió" sau khi chuyển thể thành phim DSC01426


DSC01443



DSC01439 DSC01440


Cuộc tình đã đi vào huyền thọai của Scarlett O'Hara và Rhett Butler DSC01434 DSC01452 DSC01453 DSC01433

Nàng Scarlett xinh đẹp

DSC01435 DSC01445

Bản thảo đầu tiên của "Gone with the wind" DSC01447 DSC01451

Bìa ngòai bản in màu

DSC01432


Lời tác giả

DSC01454

(St)

Văn viết khác văn nói

Văn nói là lời ăn tiếng nói hàng ngày, là khẩu ngữ (parlando). Người ta nghĩ sao, nói vậy, tuỳ văn cảnh, tuỳ đối tượng và tuỳ ở trạng thái tâm lý, cảm xúc của họ. Văn nói dễ hiểu, gần gũi với đời thường, phù hợp với tính cách người nói và trình độ người nghe.

Vậy nên, không thể lẫn lộn giữa văn viết và văn nói. Có khi nếu là viết thì một đoạn văn, câu văn nào đó được coi là hay, nhưng nếu là nói, thì lại dở, trở nên... buồn cười.

Trong báo chí, có một tình trạng là nhiều người cầm bút đã lẫn lộn, không phân biệt được hai loại văn viết và nói nêu trên. Tình trạng sử dụng khẩu ngữ trong bài viết của mình là phổ biến. Một đoạn viết như thế này có thể tìm thấy ở bất cừ một trang báo nào, ở bất cứ tờ báo nào kể cả một số tờ báo lớn, có uy tín từ lâu: "Tôi lao xe ra khỏi nhà từ sáng sớm. Thời tiết hôm nay hơi bị tuyệt vời. Nghĩ là sẽ đến cơ quan cái đã, lấy thêm mấy tài liệu cho yên tâm. Nhưng thôi, cần gì, xoay xở được. Từ nhà đến cơ quan đâu có gần. Mà cái anh chàng trưởng ban cũng kỳ. Việc quái gì phải quá lo lắng đến mức ấy. Mình chứ đâu phải lũ nhau mới ra trường mà phải cẩn thận...". Hoặc nữa: "Làm gì ra có. Của quý thì sức mấy mà kiếm được. Thôi đành phải "okie" phương án "sơ cua" vậy. Biết thể nào "sếp" cũng đâu có ưng. Nhưng biết làm quái gì được hơn. Đâm lao thì phải theo lao chứ còn sao nữa...". Đó không phải là lời lẽ độc thoại nội tâm hay đối thoại của nhân vật trong truyện hoặc trong tiểu thuyết nào, mà ở một bài báo. Văn phong kiểu đó là khẩu ngữ vì rất tuỳ tiện, nghĩ sao nói vậy, như nói chuyện hàng ngày.

Một bài báo viết về việc gia nhập WTO của nước ta với những thời cơ và thách thức: "Đã có bao giờ Việt Nam ở vào vận hội lớn trong việc làm ăn và phát triển kinh tế như lúc này. Cũng làm gì có nhiều thách thức lớn như sắp tới. Nhưng không sao. Càng khó khăn, càng thử thách, chúng ta càng không ngán. Mà việc gì phải ngán? Ngán thì còn làm ăn được gì...". Không thể hiểu nổi một đoạn văn như thế lại có thể được đăng mà không hề được biên tập. Đó là khẩu ngữ, chứ không phải văn viết. Phải sửa lại: "Chưa bao giờ Việt Nam gặp vận hội lớn đồng thời có nhiều thách thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế như lúc này. Nhưng chúng ta biết chấp nhận. Càng khó khăn, càng thử thách, chúng ta càng có dịp rèn luyện bản lĩnh để vượt qua...".

Một đoạn trong bài báo khác: "Đã năm lần bảy lượt tôi phôn đến gặp ông "sếp" ở Công ty đề nghị gặp để làm việc nhưng không được ông ta "okie". Lúc thì bảo bận, lúc lại nói sắp đi công tác gấp. Tôi tìm kiếm hoài suốt cả tháng kiên nhẫn chờ đợi, mong gặp bằng được. Nhưng ông ta vẫn mất hút con mẹ hàng lươn. Đúng là ông ta đã lẩn tránh tôi còn hơn cả trạch". Rõ là một thứ khẩu ngữ quá tuỳ tiện, thiếu nghiêm túc. Có lẽ tác giả bài báo trên cho rằng đang nói về một nhân vật thuộc loại tiêu cực, cần phê phán nên đã tìm đến những từ ngữ không mấy lịch sự để thể hiện nội dung thông tin của mình. Những từ như "phôn" (thay cho "gọi điện thoại"), "okie" (thay cho "đồng ý" hoặc "chấp thuận"), "mất hút con mẹ hàng lươn" (thay cho "mất hút, không hề hồi âm" hoặc "ông ta vẫn cố tình lảng tránh")...

Để giữ uy tín cho tờ báo và tác giả, tôi xin không nêu cụ thể những bài báo trên cùng người viết. Nhưng tình trạng viết lách bằng lối văn khẩu ngữ như trên đang có khuynh hướng gia tăng. Rất cần được cảnh báo và khắc phục.

Khác với văn nói, văn viết mang tinh chất hành chính hoặc báo chỉ nên cách viết phải bảo đảm tính khúc chiết, trong sáng, mạch lạc, tiết kiệm ngôn từ mà giàu lượng thông tin.

Nguyễn Đình San
Nguồn:
Tạp chí Người đọc sách

Thursday, November 13, 2008

Tân Cảng

Ba giờ.
Căn nhà của họ một tầng, rộng hai trăm năm mươi mét vuông, năm phòng nằm trên con đường gần phi trường, bên cạnh vài chục biệt thự của những thương gia đang giàu lên thời cơ chế thị trường. Mặt tiền của căn nhà rộng mười bốn mét, chia làm hai phần lệch nhau. Bên nhỏ dành cho đường ôtô vào gara, bên to là hàng rào thưa và cao, màu xanh lá cây thẫm. Sau hàng rào là khoảng vườn rộng, trồng cỏ và hoa.

Mùa hè.
Những bụi hoa mẫu đơn ba màu mượt mà bên những hàng tóc tiên. Có một cây xoài cao vượt quá mái nhà, cành thưa nhưng trái lại nhiều. Mỗi chùm có từ năm đến bảy trái. Những trái xoài xanh ngắt phần đuôi nhưng lại vân đỏ phần cuống, mịn màng phấn như má con giá 16. Dọc thân cây xoài là những giò phong lan rủ dài với những cánh hoa, đẹp như không có thật.
Qua vườn là phòng khách được ngăn bởi hai tấm cửa kính cao từ đất lên tới trần. Bộ sa lông anh mang từ Hy Lạp, những hoạ tiết vằn vện nâu vàng như thảm hoa cúc gấm dọc đường Nghi Tàm khi Tết đến. Mỗi khi ngồi lên thảm hoa êm ái đó, như có cảm giá dịu êm của nhiều bàn tay vô hình vuốt ve. Một cánh cửa kính lớn để sang phòng ngủ của họ, những cửa sổ trông ra vườn. Bình minh lên. Ánh sáng hồng nhạt rồi vàng dần hắt từ ngoài vườn. Từ những tán lá xanh của bụi mẫu đơn lóng lánh đủ màu. Từ những hạt sương đêm đọng lại hay của những giọt nước sau cơn mưa rào hiếm hoi nhanh đến nhanh đi của trời Sài Gòn. Và đêm đến. Trăng lên. Khu vườn như nhuộm bạc. Mờ ảo lắm nhưng cũng rõ ràng lắm. Và khi cơn gió đi qua, tất cả trở nên ma quái.
Cạnh phòng của anh chị là phòng các con. Anh chị lấy nhau mười năm thì tám năm nghèo. Lúc nào họ cũng hớt hải, vội vàng chả đâu vào đâu. Có được ít tiền hay mua được một thứ đồ gì là mừng cuống lên như thể niềm vui đó bất diệt hơn mọi niềm vui trên đời.
Rồi bỗng dưng anh nhận được từ bạn bè một hợp đồng đi làm cố vấn luật cho vụ kinh doanh ở Hy Lạp- một đất nước xa xôi anh rất yêu và hiểu về nó qua những gì anh đã đọc và đã biết.
Hai năm sau. Anh mang về từ gạch lát nền, gạch lát tường buồng tắm, những bộ bàn ghế, những chiếc đèn bàn, đèn ngủ. Và mua được mảnh đất vuông vắn cũng do bạn tốt bán lại. Anh xây một cung điện cho bốn người sau bao năm sống trong môi trường công cộng.
Ba năm sau ngày họ có căn nhà, cuộc sống này. Họ còn lại một ngày.

*

Bốn giờ.
Chị và thằng lớn học lớp bảy về căn nhà chị đã ra đi gần một năm trên một chiếc xe hơi thể thao đời mới màu xanh - lại màu xanh chị thích. Màu xanh từ hàng rào, từ những tay vịn cửa, từ chân những chiếc đèn ngủ, đến những chiếc khăn bông trong nhà tắm.
Thằng em lên sáu cười toét miệng chạy từ phòng khách ra khi xe của chị đỗ ở cửa, chứng tỏ nó đã đợi từ lâu. Nó líu lưỡi hét vào trong nhà gọi chị giúp việc: " Chị Ba, mở cửa cho má với anh".
Chị giúp việc trên bốn mươi tuổi, nhỏ bé, gọn gàng như thanh lương khô chạy ra, tay lắc chùm khoá xủng xoảng, lập cập tra chìa vào ổ.
Vừa kéo rộng cánh cổng sát, vừa hỏi :" Mợ cho xe vô luôn?" Chị lắc đầu lôi trong xe ra một bọc to tướng: " Thôi khỏi, để xe về bên kia".
Hai thằng bé đã theo nhau vào trong phòng riêng và khép cửa lại.
Chiếc giường tầng của chúng giờ xếp những bọc chăn mền và quần áo lạnh. Ngày xưa. Buổi tối. Thằng anh nằm học thuộc lòng tầng trên. Thằng em ngồi chơi xếp hình tầng dưới, lẩm bẩm đọc theo thằng anh giống một con yểng. Khi chuông đồng hồ thả 9 nhịp chuông, chị ngó vào, nháy mắt với 2 thằng, ngó nghiêng một lượt chờ thằng anh xếp gọn sách vở vào cặp rồi tắt điện. Đóng cửa. Trong căn phòng vàng nhạt, mờ ảo, thằng anh nằm sấp, thò hai tay xuống nắm lấy hai bàn tay bé xíu của thằng em, kéo nó lên dần dần qua những bậc thang sắt, thì thào " Giữ chặt tay anh". Yên ấm cạnh nhau rồi, thằng anh hỏi: " Hôm nay bác mua chuyện gì?" " Chuyện ông huyện về quê". Thằng em cười rinh rích " Bác mua bao nhiêu lần rồi ăn không chán à". " Không bao giờ tôi chán ông lão đánh cá cả". " Ngày xưa.... ở một bờ biển kia...có một ông lão đánh cá"... " Nhà ông rất nghèo, không có cái gì ngoài một chiếc máng cỏ...". Giọng thằng em tiếp theo.
Đấy là ngày xưa.

Còn bây giờ. Thằng em đổ vào tay thằng anh một đống những miếng nhựa, ngọng líu:" Bố mua Lêgô cho em xếp đấy, giống nhà mình cực". " Ừ, xếp lên sẽ giống nhà mình". Thằng anh gật gù.
Trong lúc đó, thằng em chui vào các xó, hì hục lôi tất cả những đồ chơi nó có, chất thành từng đồng như cửa hàng không thiếu một cái gì. " Cái tàu điện này dài ơi là dài". Nó nói. Rồi đưa tay thằng anh chiếc điều khiển " Chạy nhanh cực, vừa thay hai cục pin liền". Mắt nó tròn nhay nháy như hai hạt nhãn chờ đợi thằng anh bật điều khiển. Chiếc tàu điện với đầu tầu kéo hơn ba chục toa nhỏ chạy như con sâu trên đuờng ray mỏng mảnh. Thằng em sung sướng nhìn thằng anh để chia sẻ sự thích thú chứ không phải nó thích đoàn tàu. Tất cả những thứ này với nó quá quen. Ngoài giờ đến trường. Nó sống một mình với những đống đồ chơi ngày càng hiện đại, những băng phim hoạt hình và tivi mở suốt ngày. Giờ thì nó có anh để chia sẻ sự thích thú. " Cái ôtô cứu hoả này kêu hơi bị sướng tai". Thằng em nói và bấm nút điều khiển chiếc ô tô. Chiếc xe rú còi chạy rầm rầm đâm thẳng vào bức tường, cỏi rít lên như xuyên thẳng vào tai.

*

Năm giờ.
Chị ngồi bệt dưới thảm. Nhìn ra vườn.
Chiều xuống thong thả. Nhẹ nhàng. Khu vườn nhuộm màu vàng sậm, ánh chút đỏ phía góc trời.
Anh vào. Trên tay là chiếc khay có 2 cốc nước trong suốt màu nâu tím, vài viên đá tròn xoe nhảy nhót. Họ im lặng.
Đẩy khay nước về phía chị, anh quay sang bật tivi. Bản tin thời sự chiều. Tình hình chiến sự ác liệt đẫm máu ở Côsôvô. Bom đạn trùm lên thành phố. Nhà đổ. Người chết. Những đoàn người già, trẻ ngơ ngác chạy loạn. Những đứa trẻ nằm thoi thóp trên giường bệnh, hai mắt trắng đục.
Chị rùng mình.
Anh tắt tivi. Và bật nhạc.
Tiếng hát Tuấn Ngọc, từ tốn, mạch lạch nhưng da diết vang lên. Căn phòng trở nên ấm áp, bình yên " Thôi. Xin hãy cho tôi tạ từ. Xin hãy cho tôi qua đời em"...
Chị lại rùng mình.
Anh không tắt nhạc mà đứng dậy. Đi ra.

*

Sáu giờ.
Thằng anh đã lắp lại tất cả chân tay của bọn siêu nhân bị rụng và xếp chúng lại thành những hàng trật tự.
Thằng em ra chỗ để tivi, đẩy một cuốn băng video vào. Và bật lên. Một tiếng nổ long trời lở đất. Và trong luồng hói, một siêu nhân áo trắng lao ra, múa kiếm như điên. " Đây là siêu nhân bé tí". Thằng em giảng giải và bày ra một chồng a trước mặt anh " Bố mua cho em nhiều lắm, xem không bao giờ chán". - Thằng anh lật lật đám a hình, lắc đầu :" Xem nhiều không tốt đâu, hại mắt lắm". " Chả sao đâu. Em thuộc hết". Thằng em hãnh diện.
Chỗ ổ cắm điện, có tiếng lách cách. Thằng anh cau mặt, tắt tivi, rút phích cắm. Rồi nó lấy mũi kéo vặn chặt óc lại, vẻ mặt hài lòng. Thằng em nhìn anh thán phục. " Còn 2 thằng người máy rụng đầu", thằng em thì thào, mắt tròn xoe, chờ đợi. Thằng anh gật, vẫn cắm cúi xếp những chú siêu nhân. " Cả chiếc xe bánh đà này tự nhiên chẳng chạy gì cả" " Còn cái gì hỏng nữa không, em mang ra hết đây". Thằng em xuýt xoa, cuống lên " Thế thì nhất em còn gì".

*

Bảy giờ.
Anh hỏi chị:" Mai cô bay mấy giờ?"
Chị ngoảnh hẳn ra vườn, cúi lau nước mắt. " Mười rưỡi sáng" " Còn gì vướng không?". Chị thở dài. " Nó phải học chậm một năm?" Anh hỏi tiếp. Chị thở dài. " Rồi cô thì sao?" " Học một năm xong sẽ đi làm" " Lão ta sẽ phải nuôi 2 người?". Chị thở dài. Và im lặng. Nhạc cũng đã tắt. Cuối chiều. Tất cả bỗng mênh mang. Mọi tiếng động như xa xôi hơn. Căn nhà của họ như lạc vào một cõi nào đó rất sâu trong một thế giới không tồn tại.
Rồi tấm cửa kính bật mở. Gió bên ngoài ùa vào xua tóc chi bay rối lên. Gió làm những nan thuỷ tinh của chiếc đèn chùm va lanh canh.
Ngày trước. Khi đêm xuống. Khuya dần. Anh đi vắng. Chị nằm trên giường và nhìn qua cửa sổ. Khu vườn phủ một màu vàng rượi của những ngọn đèn đường như vườn cổ tích. Khuya lắm, anh về. Vẫn nguyên quần áo hội nghị. Anh pha một cốc nước giải nhiệt với những vị thuốc nam, một hai lát sâm mỏng, thơm ngai ngái " Em uống rồi ngủ trước. Anh phải chuẩn bị cho cuộc họp ngày mai". Chị đỡ cốc nước và nhìn vào mắt anh. Khẽ thở dài khi anh quay đi ra. Anh không nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của người chưa đến bôn mước tuổi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ dần đang cần sự yêu chiều ve vuốt. Anh không kịp thấy chị đợi anh bằng chiếc váy sa tanh bóng mát lịm như miếng thạch mới mua. Và anh cũng chẳng kịp thấy một lọ hoa chị cắm góc phòng đang dịu dàng toả hương. Tất cả. Tất cả đều đầy đủ và hoàn thiện. Chỉ đợi có anh.
Còn anh. Anh luôn luôn thấy hài lòng và yên tâm khi săn được những hợp đồng mới. Không gì sướng bằng chưa xong việc này đã có việc khác. Để khi về nhà, đi vào qua cánh cửa, bỏ lại xã hội ngoài đường, anh có chị. Có hai thằng bé với một căn nhà như thiên đường trên mặt đất. Anh tưởng thế là đủ. Đủ lắm cho một gia đình cho đến khi chị đi. Đi hẳn. anh mới bừng tỉnh.
Chị ngoảnh lại. Nhìn anh rất nhanh. Rồi nhìn ở đầu giường, chỗ để chiếc đèn ngủ. Có cái cặp tóc nhỏ và một lọ sơn móng tay màu hồng, hỏi " Tháng sau, cô ta sẽ về đây?" Anh thở dài. " Cô ta có ghét thằng bé không?". Anh thở dài. "Thằng bé có ghét cô ta không?" Anh lại thở dài và gật. " Sẽ ra sao?" Anh im lặng. Lại thở dài. Rồi nói " Sẽ quen".
Chị lại quay ra vườn.
Không hiểu từ đâu nhỉ? Từ lúc nào bắt đầu của chuyện này? Chị rùng mình " Sẽ quen". Mọi thói quen đều bắt đầu bằng vô thức. Vô thức tồn tại thành thói quen. Thói quen thành ngôn ngữ. Thói quen tạo ra tác phong cho cá nhân và phong tục cho cả cộng đồng. Thói quen làm thành số phận và con người phải gánh số phận bằng chính hai vai mình.
Từ đâu nhỉ? Chắc là từ hôm chị bay ra Hà Nội họp. Một hợp đồng ký thành công với phía đối tác và chị là người đóng góp không nhỏ. Đêm liên hoan. Chị uống rượu. Ba ly rượu vang khai vị chua chua. Nhẹ nhàng say lúc nào không biết. Chị lâng lâng tỉnh và thấy mình đang ngồi ghế sau trong một chiếc ôtô sang trọng. Bên cạnh một chàng người Pháp đẹp trai, lịch lãm. Vô thức nói. Vô thức cười. Vô thức thấy lòng chộn rộn. Vô thức thấy rạo rực đôi môi. Và tim vô thức đập nhanh. Mọi thứ đều vô thức. Chắc tại một thứ không vô thức là bản năng đàn bà khao khát trỗi dậy bên trong. Gặp rượu vô thức. Gặp trời Hà Nội se lạnh vô thức. Gặp những động chạm thân xác vô thức. Nó bỗng thành ý thức đánh thức chị dậy. Đến khi chỉ còn chị và người đàn ông đó, mọi thứ như nổ tung ra.

*

Tám giờ.
" Em đói". Thằng em lăn ra sàn giang thẳng chân tay. " Sắp xong rồi". Thằng anh vẫn cặm cụi chữa chiếc ôtô. Phía bên chữa xong, mọi vật xếp ngay ngắn, thẳng hàng. Phía bên hỏng chỉ còn hai khẩu súng. Giữa phòng một khu nhà Lêgô xếp hình tuyệt đẹp giống nhà của chúng ở. Ôtô đậu ở ngoài đường. Tàu hoả chạy ngoài đường. Những siêu nhân dũng mãnh đủ màu đứng xếp hàng bảo vệ ngoài đường. Gấu bông, chó bông đứng chơi loanh quoanh. Thằng em đăm đăm ngắm tác phẩm, vẻ mãn nguyện. Nó không biết rằng thằng anh đang mím môi làm, hai bên thái dương tóc ướt mồ hôi bết lại. Thỉnh thoảng liếc nhanh vào chiếc đồng hồ con gấu đang thong thả đành nhịp. Nó thở dài.
Thằng em chợt ngồi nhổm dậy. Hỏi" Anh thích ôtô không? Em cho anh chọn đấy". Thằng anh nhìn em đăm đăm, rồi gật " Anh lấy chiếc điều khiển từ xa này này, chạy hơi bị nhanh đấy". Thằng anh lắc đầu. Mắt nó lia qua mấy chục chiếc ôtô từ to rồi đến chiếc bé nhất. Cầm gọn trong tay. Thằng em cầm một chú siêu nhân màu trẳng, đưa và tay anh " Thằng trắng này đánh nhau hơi bị kinh đấy, nó sẽ chiến đấy bảo vệ anh khỏi bọn hắc tình tình". Thằng anh cầm lấy chú siêu nhân trắng và chiếc ôtô. Thằng em nhìn anh. Hỏi" Bao giờ mẹ lại cho anh đến chơi với em?". Thằng anh im lặng. Thằng em lại hỏi:" Mẹ có hay cho anh đi siêu thị không?". Thằng anh lắc đầu. " Anh chỉ đi theo mẹ nhặt bóng thôi à?". Thằng anh gật đầu. Thằng em chui vào gậm giường, lôi những quả bóng tennít vàng ra say sưa " Nhiều chưa?". Thằng anh nhìn em. Rùng mình...
Những buổi tối. Mẹ đưa nó đến sân bóng. Mấy đứa trẻ con chơi với nhau còn bố mẹ chúng thì đánh bóng. Sân bóng rộng. Qua sân bóng là khu vườn ven sông Sài Gòn. Buổi tối. Dọc sông thanh niên nam nữ ngồi tâm sự và uống giải khát, trong không khí mát rượi của gió sông mênh mang. Thường những lúc nghỉ giữa trận, mẹ cùng nó ra bờ sông ngồi. Mẹ mặc váy trắng, áo pull trắng, tóc cặp cao, hai má đỏ hồng, uống một hơi hết hai cốc nước chanh. Mẹ nói khi cả hai cùng nhìn về phía Tân Cảng:" Con thấy cuộc sống ở đó không? Suốt ngày đêm tàu ra vào tấp nập. Đấy là bến cho các con tàu đến, rồi đi". Quay sang phía khác, tờ mờ trong bóng tối bên kia sông là làng xóm, âm thầm tĩnh lặng. Mẹ lại bảo: " Đấy là các gia đinh tối đến quây quần, loanh quanh rồi ngủ để ngày mai dậy sớm đi làm".
Nó lặng lẽ nhìn sâu vào vùng tối yên bình đó. Bên kia. Phía đằng sau. Tân Cảng sáng trắng ánh đèn và tiếng động cơ của những con tàu làm mặt nước như cuộn sóng lên. Nó hỏi " Tân Cảng là gì ạ?" " Là cảng mới. Bao giờ cũng cần bến mới cho những con tàu!".
Rồi tiếng những người bạn gọi mẹ ra chiến đấu tiếp. Vớ chiếc vợt và đôi giày trắng nhảy nhót trên thảm cỏ, mẹ chạy đi như một thiếu nữ. Thiếu nữ ấy bỏ lại tờ 50.000 đ cho nó " cứ ngồi đây cho mát, con nhé". Nó khẽ vâng và nhặt tờ tiền cất vào túi. Những lần sau nó mang theo ông nhòm. Nhòm về phía Tân Cảng. Chỉ thấy tàu và xà lan chở đủ các thứ vào bến. Rồi đi. Thỉnh thoảng có chiếc xà lan chở than trôi lừ lừ trên sông như lưng một con cá sấu khổng lồ. Rồi lại soi về phía làng xóm. Thỉnh thoảng chỉ thấy một ánh đèn điện lấp loé sau rặng cây. Tân Cảng. Bao lần ngồi một mình, uống nước đợi mẹ, nó đều ước giá có em ngồi cùng. Thằng bé sẽ chạy chơi trên những bãi cỏ xanh và khô. Nó sẽ gọi cho em một cốc kem to để thằng bé chén bởi kem là thứ nó thích nhất. Sẽ cùng em đếm những chuyến tàu vào ra mê mải. Vậy mà đến giờ. Chưa một lần nó cho em đến được Tân Cảng.

*

Chín giờ.
Chị đứng lên.
Đằng sau. Anh đốt thuốc khói phả mù mịt, đặc quánh. Ngày trước. Đêm động phòng ngủ mới. Anh bảo phòng ngủ của mình chỉ có hương hoa và mùi da thịt chị. Anh bảo hút thuốc lá trong phòng ngủ là không văn minh, và bẩn thỉu...
Chị nói. Giọng khản dặc " Sang đó, ba năm tôi có thể đón con". Anh lắc đầu, cười rất nhạt trong những quầng khói đục: " Đến ngày mai thế nào còn chẳng dám nói trước huống hồ những ba năm sau". " Con ở với mẹ vẫn tốt hơn". Chị cố gắng. Anh lắc đầu. Cười mai mỉa chế giễu trên khuôn mặt trẳng bệch. Và bấm nút điều khiển tivi. Kênh VTV1 của đài THVN dang phát những hình ảnh về cuộc chiến ở Nam Tư. Từng đoàn người chạy tản cư sang các nước bạn và ách tắc ở biên giới. nhà cửa, đồ đạc bỏ lại. Họ lếch thếch chạy thoát thân. Chạy để tìm cuộc sống.
Lần này thì chính chị đứng lên và tắt tivi. Những người dân Nam Tư đó. Những cuộc di tản khốc liệt dưới bầu trời đầy bom đó không quan trọng với chị bằng việc chỉ còn một giờ đồng hồ nữa. Chị phải đi khỏi căn nhà này. Phải xa những gì lâu nay là máu thịt của chị. Xa đứa con trai bé bỏng thơm như một chiếc bánh ga tô mới ra lò. Không có một điều gì làm chị xúc động hơn chính bản thân bão tố trong lòng chị lúc này. Chiến tranh đã nổ ra. Bom đã rơi vào chính chị. Và chị cũng phải chạy đi. Đến một cảng mới để làm lại từ đầu.
Xung quanh họ. Bỗng im lặng đáng sợ. Ngoài vườn. Có tiếng gió rất nhẹ. Nhẹ đủ để thỉnh thoảng lùa vào làm những nan thuỷ tinh va lanhh tanh. Im lặng đến nỗi thập thõm ở đâu đó, có lẽ rất xa, tiếng dương cầm của một bé gái đang tập. Chỉ một vài nốt nhạc bắt đầu của một bản nhạc. Lúc nặng, lúc nhẹ. Vẳng đến rồi lại mất đi.
Chị lặng lẽ vào trong.
Đến cửa phòng hai đứa trẻ thì dừng lại.
Thằng anh đặt chiếc ô tô bé xíu và thằng siêu nhân xuống sàn nhà. Kéo chiếc ba lô và lôi một chiếc máy bay khá to, với hai cuốn chuyện tranh " Chú lính chì dũng cảm" và " Bé tìm hiểu luật giao thông". Thằng anh kéo thằng em vào lòng mình. Nói:" Ngày mai, em bảo chị Ba đọc cho nghe nhé. Đây là quyển sách dạy về luât đi đường. Em phải thuộc cho kỹ để mai kia đi học đỡ bị xe đâm. Còn quyển này. Em nhớ để có lòng dũng cảm " như chú lính chì". Thằng em gật gù. Say sưa nhìn hai cuốn truyện. " Còn đây là chiếc máy bay". Giọng thằng anh run run. Nghẹn tắc. Lấy tay nắm lấy bàn tay bé xíu của thằng em, đặt vào một chấm trắng trên thân máy bay, tượng trưng cho ô cửa sổ. Nói: " Anh sẽ ngồi ở đây. Coi như anh là ô số 5 này. Mỗi lần muốn nói chuyện với anh, em nhìn vào sẽ thấy". Và di ngón tay đếm đi. Một. Hai. Ba. Bốn. Năm. Thằng em quay lại nhìn anh. Mặt láu lỉnh. " Anh là số ba để em đếm cho nhanh". Thằng anh lắc đầu:" Em lại lười học rồi. Em phải chăm học. Em càng học giỏi, anh em mình càng chóng gặp lại nhau". " Em chán học lắm". Thằng em thở hắt ra. " Phải chăm học. Em có nghe anh không?". " Em chỉ thích chơi với anh thôi". " Thì em cứ để chiếc máy bay này bên mình, coi như là anh đang chơi với em". " Thế thì em là thằng siêu nhân trắng, em ở bên cạnh anh suốt ngày"." Anh sẽ mang siêu nhân bé tí này theo".

*

Mười giờ.
Chị đứng ở cửa vào.
Thằng anh đeo ba lô đứng bên cạnh. Anh đứng đối diện chị, bế trên tay thằng em đang díp mắt buồn ngủ. Tay cầm chặt chiếc máy bay. Chị cúi lại gần thằng bé. Rúc khuôn mặt đầy nước mắt vào cổ, hít một hơi dài như muốn nuốt mùi da thịt thơm tho của nó vào lòng.
Anh cúi xuống. Thằng anh đang im lặng nhìn ra vườn. Những bụi cây rung rung. Đưa vào tay nó mấy tờ 100 USD. Anh lầm bầm:" Con cất đi, sang đó còn có tiền tiêu". "Con xin". Thằng anh nói rồi cất tiền vào một ngăn của ba lô. " Anh cố gắng chăm sóc con. Nó còn bé lắm". Chị chùi nước mắt. Mặt méo xệch. " Cô xin cho con học trường Trung tâm, cố tìm chỗ có nhiều người Việt Nam cho con có bạn".
Thằng anh nhìn thằng em. Lúc này nó mới khóc. Tiếng khóc ri ri. Đau đớn như muốn nuốt ngược vào trong. Như bị oan ức không thanh minh được.
Chị cúi mặt. Cắn chặt môi. Bất giác chị đưa tay ra nắm lấy tay anh đang bóp chặt. " Xin lỗi anh. Xin lỗi con trai của mẹ...". "Tôi mới là người có lỗi. Cái lỗi của tôi...là sống với cô mà không hiểu cô cần gì... Nên cô mới bỏ đi...". Anh nghẹn giọng. Rồi đặt tay lên vai con trai. Lầu bầu trong miệng: " Tha lỗi cho bố, thanh niên".
Thằng anh ngẩng đầu nhìn bố. Nhìn thằng em đang ngủ gà ngủ gật. Gật đầu.

*

Buổi sáng. Phi trường.
Gió thổi hào phòng trên những khoảng sân rộng mênh mông. Chiếc máy bay Boeing 747 dài và to như một con cá voi khổng lồ đang gầm rú. Những luồng khói đặc phụt mạnh ra sau bị gió thổi sóng sánh lại. Những chiếc cánh quạt quay tít. Nhà ga náo động tiếng động cơ. Tiếng loa đọc lịch trình các chuyến bay. Tiếng người nhí nhéo, hỗn độn.
Chị và thằng anh đứng gần cửa máy bay. Mặt hai người đều thất thần hoảng loạn. Người chồng mới hớn hở vác đồ bên cạnh. Nhìn anh ta, thấy rõ sự chân thành và độ lượng của người đang yêu và được đền bù. Hai mẹ con dừng lại chân cầu thang. Và vô thức cùng ngoảnh lại nhà chờ. Chưa bao giờ chị đẹp và khuôn mặt lại nổi hình khối lên như thế. Tất cả lên cầu thang máy bay và chui vào trong khoang. Tiếng máy bay rú ro như muốn nổ tung.
Mặt thằng anh thất thần, hoảng loạn. Nó đi vào giữa hai hàng ghế. Chăm chăm đếm như không cần biết có ai bên mình. Một. Hai. Ba. Bốn. Và năm. Nó dừng lại. Bên ô cửa sổ. Một người đang ông ngoại quốc mặt đầy râu, mắt đen nháy đang ngồi phưỡn bụng thở. Ông ta chắc phải hơn một trăm cân. Chị và người chồng mới vẫn đi tiếp xuống giữa khoang rồi đứng lại. Ông mở cánh cửa trên đầu và xếp những va li nhỏ vào dó. Còn chị thì chui vào ghế, và quay lại. Thằng anh cứ đứng ở hàng thứ 5 như bị thôi miên bởi ông béo bụng. Chị gọi "Con ơi, ghế của mình ở đây cơ mà. Xuống đây". Thằng anh nhìn mẹ mắt đầy nước.
Nó lắc đầu tuyệt vọng. " Dưới này cơ mà con". Chị lại gọi. Nó vẫn lắc đầu, nhìn người đàn ông đầy vẻ kinh hãi. Rồi chị nhìn. Nói " Con hẹn với em là ngồi ở đây. Ô cửa số 5".
Chị thử dài đánh sượt và ngồi phịch xuống ghế. Nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt méo xệch. Người chồng mới đã xếp xong đò, chui vào ghế trong. Chị cắn chặt môi, ngó ra vẫy thằng anh " Xuống đây con".
Thằng anh vẫn lắc đầu. Nó nhìn mẹ bằng đôi mắt mở to chưa từng thấy bao giờ. Rồi lại nhìn qua ô cửa đã bị lão béo kéo sập tấm chắn nắng xuống và đang nhắm mắt ngủ. Thằng anh chồm người qua mọt người khách bên ngoài. Chồm qua lãi béo. Đấm như điên vào ô cửa tròn đã đóng. Lão béo giật mình. Ngơ ngác và hiểu ra. Rồi lấy tay đẩy tấm nhựa trắng lên.
Ngoài trời. Nắng vàng ong. Mùa khô đã đến. Phía nhà chờ, cửa kính sáng loáng như gương.
Thằng anh vừa đấm vào ô cửa, vừa hét trong những giọt nước mắt: " BÉ ơi, có thấy anh không. Anh đang ở đây này".
Phía sau.
Chị cúi gục, khóc ngất đi.

*

Sau những khuôn cửa lớn sáng choang. Anh và thằng em đứng dán người vào cửa kính. Tay thằng bé cầm chiếc máy bay, một tay nắm chặt tay bố. Nó nhìn chiếc máy bay to đùng đang gào rú ngoài xa. Rồi cúi xuống chiếc máy bay ở tay. Rút bàn tay nhỏ xíu khỏi tay bố. Nó lấy ngón trỏ chỉ vào những chấm trắng trên thân máy bay. Lẩm bẩm đếm. " Một. Hai. Ba. Bốn... Năm. Anh ngồi đây. Đây là anh mình".
Mắt anh nhoè nước. Tai anh như có một luồng khí đặc quánh phủ lấp. Sao lại thế này nhỉ? Bao năm nay. Từ lúc linh cảm mách bảo về sự ra đi của chị. Ban đầu là thể xác. Rồi đến tinh thần. Lúc nào anh cũng bị ám ảnh về chuyện này để rồi bây giờ, anh lại chẳng hiểu tại sao?
" Một. Hai. Ba. Bốn... Năm", thằng em vẫn lẩm bẩm đếm. Chăm chỉ một cách kỳ lạ.
Tại sao? Tại sao? Hôm qua anh không vứt bỏ lòng tự ái, sự ghen tuông và tha thứ cho chị. Thậm chí van xin chị nghĩ lại? Tại sao anh luôn lường ra những rủi ro cho những hợp đồng ký với đối tác cả Ta lẫn Tây mà lại không lường được cái rủi ro ngày hôm nay? Tại sao đến hôm qua anh vẫn nghĩ là sự chia tay này sẽ không có thật? Chỉ là một câu chuyện đùa? Tại sao cơ chứ?
*

Trên máy bay.
Lão béo như hiểu được tình cảm của thằng anh, liền ngồi thẳng dậy óp bụng lại cho thằng anh đến sát được ô cửa. Vòng tay ra cho nó lọt vào lòng. Ông ta nhún vai, trìu mến nhìn nó.
Thằng anh mở to mắt nhìn xuống, một tay nắm chặt thằng siêu nhân trắng.
Bên dưới. Phía xa. Chỉ thấy nắng chiếu vào ô cửa kính laong loáng như những tấm gương trời. Người đi tiễn bé xíu với những cái đầu đen như hạt đỗ.
Nó lùi người lại. Chùi nước mắt. Đi ra đứng giữa hai hàng ghế, và nhìn mẹ. Mẹ nó đang cúi gục xuống khóc.
Chiếc máy bay lạnh lùng chạy một vòng ra xa và dừng lại. Rú to lên. Rồi nhấc hẳn lên khỏi mặt đất.
*

Đằng sau những tấm kính. Thằng em vẫn đứng với chiếc máy bay trên tay, lấy ngón trỏ chỉ vào những chấm trắng bé xíu và đếm " Một. Hai. Ba. Bốn... Năm"

Nguyễn Thị Thu Huệ

Bát canh nước trong rau biếc

Anh mở cửa rồi nhìn sang phòng khách, không thấy chị ở đó. Anh mỉm cười, đi vào bếp, quả nhiên chị đang đảo cơm trong nồi. Anh ngửi thấy mùi cơm thơm, rất thơm. Điều lạ là ở nơi khác, hầu như anh chưa ngửi thấy mùi cơm thơm như thế bao giờ.

Anh rửa tay, ngồi vào bàn ăn. Chị bưng lên hai đĩa nhỏ có hoa xanh, một đĩa đựng mười mấy con ốc hạt mít, một đĩa đựng rau non mỡ, trong trong. Cuối cùng chị bưng lên một âu sành nhỏ, đây mới chính là món anh mong chờ nhất. Lập tức anh mở nắp âu ra xem, trong đó có trắng có xanh, có đỏ, trông thật vui mắt.

Anh tự múc trong âu ra nửa bát canh. Nước canh trong, không có váng mỡ, xanh là rau cải, trắng là đậu phụ, lại còn dăm ba hạt câu kỷ đỏ. Mùi vị canh tuyệt hảo, bảo chay tịnh thì lại rất đậm đà, bảo đậm đà thì lại rất thanh đạm, bảo thanh đạm thì lại rất ngọt ngào. Bát canh chẳng khác gì có đoá phù dung nổi trên mặt nước trong, đầy vẻ thiên nhiên. Chỉ húp một ngụm thôi đã thấy các giác quan bị tê liệt cả một ngày bỗng dưng thức tỉnh, vẻ mặt anh cũng biến đổi theo. Dường như vỏ bọc mỏng trên mặt đã bị vỡ tan, tất cả các thớ thịt, tất cả các nếp nhăn đều duỗi ra... thật là một món canh ngon tuyệt! Nó khác hẳn các bữa tiệc anh phải thù tiếp - tiệc công việc. Loại tiệc như thế không bao giờ có cơm. Lúc nào cũng quá nhiều chất béo, quá nhiều vị nồng cay làm cháy cả cổ, lưỡi hầu như tê dại.

Anh húp liền hai bát canh rồi mới ăn cơm, cứ một con ốc hạt mít lại một gắp rau, một đằng béo, một đằng giòn, đều là những món trôi cơm. Bát cơm hết veo lúc nào cũng chẳng hay, nhưng anh không xới thêm mà chỉ nhấm nháp một lưng canh nữa, sau đó anh đặt bát xuống, mỉm cười với chị:

- Em nấu sao được món canh này? Ai cũng bảo tiệm ông Vương Già có món canh ngon, nhưng theo anh thì canh ở tiệm ấy cũng không ngon bằng canh nhà nấu.

- Nói ra thì... Kỳ thực rất đơn giản, nhưng phải có lòng kiên trì.

Sau này nhiều lần anh thấy luyến tiếc cuộc sống lúc đó. Cuộc sống thật yên bình. Cảm giác thật tuyệt khi ngồi vào bàn ăn đợi vợ bưng chiếc âu sành lên, màu sắc đẹp mắt khi mở nắp âu ra.

Anh đã kết hôn mười bảy mười tám năm rồi. Vợ anh là bạn thời học đại học, là mối tình đầu. Ra trường hai năm, họ làm lễ cưới và chẳng bao lâu đã có con. Thằng bé chẳng những học vào loại ưu mà còn rất xinh trai, bởi vì chị là hoa khôi của trường, chẳng cần trang điểm cũng đáng yêu. Vì thế nên anh không dễ bị sắc đẹp đàn bà làm kinh động. Vả chăng anh cũng biết sắc đẹp của phụ nữ bây giờ phần lớn nhờ vào mỹ phẩm.

Nhưng sự xuất hiện của Đô Đô là một việc hoàn toàn bất ngờ. Lúc đầu anh thấy đó chỉ là cô bé còn chưa trút bỏ được vẻ ấu trĩ, như một bình hoa thuỷ tinh, đẹp và trong suốt, chỉ để ngắm chứ không dùng được bao lâu. Tới khi nhận ra ý đồ của cô bé, anh còn cảm thấy buồn cười. Nếu không phải là nhân viên của anh, cô bé đáng gọi anh bằng chú. Đương nhiên anh cũng thầm lấy làm thích thú. Cô bé chẳng những xinh đẹp mà gia đình cũng không xoàng. Cha là luật sư nổi danh, mẹ là bác sĩ nổi tiếng, gia đình vốn định cho cô sang Đại học Cambridge du học. Một cô bé như thế mà gần gũi đàn ông thì...

Lúc đầu anh thật sự không hề để ý vì cho rằng Đô Đô chỉ bốc đồng nhất thời, hơn nữa anh không thể phá hoại gia đình của mình. Nhiều năm nay, vợ anh xin nghỉ công việc dạy học ở một trường trung học mà chị đang làm rất tốt, chuyên tâm ở nhà giúp chồng, dạy con. Một phụ nữ ngoài bốn chục tuổi, không có sự nghiệp, cũng không có bạn bè, chị sẽ sống sao đây? Huống hồ rất nhiều đàn ông bây giờ sau khi thành đạt đều tìm thú vui mới, bỏ mặc người vợ kết tóc xe tơ. Anh không muốn mình cũng là hạng đàn ông tầm thường. Nhưng con gái thời nay chỉ thích làm theo ý mình. Các cô muốn gì là vừa khóc vừa gào đòi chết. Bình hoa thuỷ tinh Đô Đô vì yêu anh vô vọng nên đặt mình trên vách đá thẳng đứng. Cuối cùng anh đành phải giơ tay đỡ lấy cô ta.

Anh không về nhà ăn cơm nữa. Sau đó cả đến tối cũng không về. Anh bảo anh quá bận, sau đó lại nói anh muốn ở một mình cho yên tĩnh. Chị im lặng hồi lâu. Cuối cùng chị bảo:

- Thôi thế này vậy, khi nào anh muốn về thì gọi điện.

Anh không thích thuê nhà, bảo phải mua một căn hộ trang bị đầy đủ, đồng bộ, từ đồ đạc đến đồ điện. Đô Đô lại không thích, cô bảo kiểu nhà như thế không có phong cách. Cuối cùng cô đưa anh về ở nhà cô. Đô Đô một mình ở căn hộ hai phòng ở, một phòng khách do cha mẹ mua cho. Cô tự trang trí lấy, một phong cách gọn nhẹ, hiện đại nhưng lại là kiểu còn tốn tiền hơn cả bài trí hoa lệ.

Tình yêu mới, nhà ở mới, không khí mới, điên cuồng mới, cả anh cũng thấy mình như đổi mới. Mấy tháng trời qua đi như có cánh bay. Cũng có lúc cả hai thấy đói. Anh là nhân vật của một nửa công chúng, không thể đi ăn hàng ngày ở tiệm, Đô Đô đành phải gọi các tiệm mang đồ ăn tới nhà. Món ăn đưa đến không có canh, họ có lúc uống thay bằng trà Ô Long đóng hộp và thường xuyên hơn là uống Côca Côla.

Dần dần bữa ăn trở thành công việc khổ sai, bởi các món đưa đến trở nên khó nuốt, hơn nữa anh còn phải che giấu, bởi chỉ cần anh tỏ ra không vừa ý là Đô Đô nói ngay: "Em biết anh lại nhớ cuộc sống trước kia rồi chứ gì? Anh thấy hối thì cứ nói toẹt ra đi!".

Chẳng ngờ một hôm, vừa vào qua cửa, anh đã nhìn thấy khuôn mặt ửng hồng vì hưng phấn của Đô Đô. Đô Đô kéo anh vào bếp. Trong bếp là cảnh một siêu thị thu nhỏ sau cơn động đất. Mọi thứ đều rối loạn, cả đến mái tóc của Đô Đô cũng dính một thứ gì đó vàng vàng như mỡ. Tất bật một lúc lâu rồi Đô Đô cũng làm xong. Anh làm ra vẻ không do dự xúc món xúc xích Viên sốt cà chua thêm mười mấy thứ gia vị khác nữa. Ăn xong, anh nói: "Từ nay không cần phải nhiêu khê đến thế. Người giỏi làm cơm thì cho dù chỉ có canh nước trong cải biếc, ăn vào đã thấy sướng!".

Dứt lời, anh lập tức nhận ra mình đã nói một câu không nên nói.

* * *

Khi tiếng chuông cửa vang lên, trong một giây, chị tưởng anh trở về, nhưng chị hiểu ngay là không phải. Chị mở cửa, một cô gái trẻ đứng ngay trước mặt chị, da trắng nõn nà. Chị thầm hỏi bằng ánh mắt, cô bé nói: "Em là Đô Đô, bạn của chồng chị!".

Chị hiểu ra ngay. Đô Đô muốn tìm một tình cảm nào đó biểu hiện trên nét mặt chị nhưng không hề có. Cô ấy đi vào đề:

- Hôm nay em đến đây, một là muốn thấy chị là người như thế nào, hai là muốn được chị cho ăn cơm chị nấu. Anh thường khen chị nấu món đơn giản nhất cũng thành được món ngon nhất nên em tò mò.

Chị dường như cảm thấy khó nghĩ, lát sau mới nói:

- Thế thì cô ăn tạm bữa cơm xoàng vậy.

Chị dọn ra một bát cơm, hai đĩa thức ăn nhỏ và một cái âu sành. Đô Đô mở âu sành, múc một bát canh, húp một ngụm rồi chẳng cần suy nghĩ đã reo "Oa!". Cô ngờ vực nhìn chị:

- Đây chính là món canh nước trong rau biếc hay sao?

- Anh ấy gọi như thế! - Chị đáp.

- Chị có thể cho em biết canh này nấu như thế nào không?

Chị dường như khẽ trút một tiếng thở dài, sau đó mới nói:

- Phải chuẩn bị nhiều thứ đấy. Sườn ngon, giămbông Kim Hoa, gà cỏ Tô Bắc, tôm tươi Thái Hồ, măng núi Mạc Can, sò tươi, nấm hương, đến mùa cua thì mua cua hồ Dương Trừng, chặt làm đôi, cho tất cả vào âu đun nhỏ lửa chừng ba bốn giờ. Nước một lần phải đổ cho đủ, không cho muối, bột nêm. Hầm xong, vớt tất cả bã ra, cả những vụn bã nhỏ cho nước thật trong. Lúc gần ăn mới thả đậu phụ, rau cải, những thứ này có thể hút hết váng mỡ.

Đô Đô hít vào một hơi dài. Đây chính là món canh được gọi là "nước trong rau biếc" sao? Lòng dạ người phụ nữ này mới sâu lắng làm sao! Còn người đàn ông kia nói mà chẳng hiểu gì hết. Hàng ngày được hưởng thụ món ngon như thế mà anh lại cho rằng đó là món đơn giản nhất, dễ làm nhất? Chính trong giây phút đó, Đô Đô sâu sắc hiểu ra người phụ nữ ấy. Cô cũng hiểu ra trên thế giới này, giữa tình yêu này và tình yêu kia khác xa nhau biết mấy!

Chị nhìn Đô Đô, cười khoan dung rồi hỏi:

- Cô có thể vì anh ấy mà nấu như vậy không?

Đô Đô ngoẹo đầu, nghiêm túc suy nghĩ rồi đáp:

- Em có thể làm như vậy, nhưng không cần nữa rồi.

Một tháng sau. Chiều muộn, như thường lệ chị ở trong bếp. Chuông cửa bỗng reo vang, chị mở cửa, bất ngờ lại là anh. Chị ngẩn ra, buột miệng hỏi:

- Sao thế? Quên không mang chìa khoá à?

Anh cảm thấy như trút được gánh nặng, xác định mình có thể rửa tay ngồi vào bàn ăn được rồi. Chị bưng lên một khay to. Chứ không mang thành nhiều lần như trước. Trên khay có hai bát cơm, hai đĩa nhỏ thức ăn và một cái âu sành. Đó là thứ anh nhớ nhung nhất. Không chờ được, anh mở nắp âu, múc ra lưng bát canh. Vẫn có xanh, đỏ, trắng, vẫn là màu nước trong vắt, không có váng mỡ. Anh hấp tấp hút một ngụm, chỉ một ngụm ấy là đã biến sắc mặt.

- Canh gì thế này? - Anh không dám nhổ ra.

Chị nếm một ngụm rồi nói:

- Nước trong rau biếc thì chỉ có thế này thôi.

Anh đặt thìa xuống xét nét nhìn chị. Chị không nhìn anh, thản nhiên ăn cơm. Anh không ăn, châm một điếu thuốc. Chị không hề nhìn anh lấy một cái. Ăn xong miếng cuối cùng, chị thu hết bát đĩa vào khay, sau đó mới nhìn thẳng vào anh nói:

- Nhà ta sau này có thể phải thuê một người giúp việc theo giờ. Em tìm được việc rồi mà việc nhà lại nhiều như vậy.

- Em đi làm? Làm gì? - Anh kinh ngạc hỏi.

- Anh quên rồi à? Em vốn là một cô giáo.

Ngụm canh khó nuốt vừa nãy dường như cuộn lên trong ruột, anh buột miệng hỏi:

- Việc lớn như thế sao không bàn với tôi? Em bây giờ sao thế? - Vừa hỏi xong, anh đã thấy hối. Người đuối lý là anh.

Nhưng chị không nói gì thêm, chỉ nhìn anh một cái. Cái nhìn ấy khiến anh bắt đầu nhận ra mình thật ngu xuẩn.

Phạm Tú Châu trích dịch

Tuesday, November 11, 2008

Ảo ảnh thiên đường

Nàng nhận lời gặp mặt với người đàn ông ảo ấy chỉ sau khi nghe con gái hỏi về "gia đình của con"

Sau lần đổ vỡ, Huệ Vân thận trọng và trầm tĩnh hơn trong các mối quan hệ, nhất là với đàn ông. Không còn Phong, cô thật cô đơn và trơ trọi. Và để giết thời gian, cô thường lên mạng đọc tin tức, tham gia một số diễn đàn.
Không biết số phận run rủi thế nào cô lại quen được anh. Người đàn ông ấy có nickname là Future1840. Họ thường online sau 10 giờ đêm. Cô đánh giá cao sự chân thật của anh khi cô hỏi về gia đình:

- Hiện tại thì tôi sống một mình. Cô muốn hỏi về quá khứ không?
- Không cần. Tôi cũng như anh.

Cô không ngần ngại đáp lại. Qua câu trả lời cô biết rằng người đàn ông này không phải là không có quá khứ nhưng với cô như thế là đủ. Cô chỉ cần hiện tại.

Cô nhận thấy điểm hợp nhau giữa anh và cô là họ không bao giờ gõ chữ tắt hay tiếng lóng như nhiều cư dân mạng. Thói quen không viết tắt cô có từ thời đi học. Sau này nhiều khi lười, nhắn tin qua điện thoại cho Phong, cô đã viết ko thay cho không, đc thay vì được và Phong đã khó chịu: "Cưng đừng viết tắt, nhìn vào thấy thiếu sự tôn trọng!".

Lại nhớ Phong, nhớ cách xưng hô độc đáo của anh. Anh gọi "cưng", không phải kiểu gọi của những cặp tình nhân. Tiếng "cưng" ở quê anh người ta thường dùng để gọi em gái. Huệ Vân đã vô cùng thích thú với cách gọi này. Cô đã từng hỏi anh: "Sau này em già anh vẫn gọi em bằng cưng à?".

Cuộc đổ vỡ sau năm năm chung sống đã không còn cơ hội cho cô được biết câu trả lời.

- Anh có bao giờ sợ nỗi cô đơn không?
- Theo cô thì thế nào là cô đơn?
- Cô đơn không phải là không có ai bên cạnh. Nhưng cô đơn nhất là khi có người bước vào cuộc đời mình rồi lại ra đi.

Anh nghe lòng mình se lại. Chính anh cũng đã từng bước vào... Có cái gì nhoi nhói trong tim. Bất giác anh gõ:

- Nếu phải yêu một người đàn ông, cô có đặt niềm tin tuyệt đối vào anh ta không?
- Không. Lòng tin của tôi chỉ vừa đủ để thể hiện sự tôn trọng mà tôi dành cho anh ấy, không thể hơn được. Tôi đã từng thất bại và sau khi vấp ngã tôi đã rất thận trọng. Thế giới của đàn bà là người đàn ông, trong khi thế giới của đàn ông là cả thế giới. Người phụ nữ chỉ là một trong các mối quan hệ của họ, có thể đặc biệt hơn nhưng chỉ một chút thôi.

Cô gõ một mạch. Những câu cô viết ra đều lấy từ kinh nghiệm thương đau của mình:

- Thật buồn cười, nếu bây giờ anh hỏi tôi yêu điều gì nhất, có lẽ tôi không ngần ngại trả lời rằng tôi yêu bản thân mình! Tôi nghiệm ra tất cả những gì tôi nói, tôi thể hiện trên các trang sáng tác của mình ít nhiều đều có dính dáng đến hạnh phúc,đau thương, thành công và thất bại của tôi.Tôi biết tôi sẽ không có trang viết nào ra hồn cho đến chừng nào tôi thôi yêu bản thân mình.

Anh ngạc nhiên:

- Công việc của cô là sáng tác? Tôi rất phục những người này vì khả năng và trí tưởng tượng của họ.
- Không phải là công việc chính đâu, tôi chỉ vận dụng chút ít vốn liếng có được thời còn đi học. Khi không còn ai bên cạnh để san sẻ, tôi thể hiện tâm sự lên trang viết của mình. Thế thôi!

Đêm hôm đó, anh trằn trọc không ngủ được. Anh đã làm nát lòng một người đã tuyệt đối tin anh. Giá vợ anh đừng quá thần tượng anh. Giá vợ anh có được một chút tỉnh táo, một chút thực tế để hiểu rằng anh cũng chỉ là người đàn ông bình thường như bao người khác.

Vợ anh coi anh là người đàn ông không có khuyết điểm duy nhất trên đời. Tất cả cũng vì anh nhất thời cao hứng hứa hẹn, vẽ vời rằng anh sẽ tạo dựng cho nàng một gia đình hạnh phúc, hạnh phúc đến ai cũng thèm muốn khát khao. Anh triết lý: "Đam mê nhau lúc mới cưới ai chả làm được, giữ lửa cho nhau lâu dài mới là điều đáng quý".

Anh lại nhớ đến cô gái anh quen qua mạng. Thật khác xa vợ anh. Nếu vợ anh cũng như cô gái đó, chấp nhận rằng thế giới của anh không chỉ có mình nàng mà có nhiều điều khác: sự nghiệp, bạn bè...Đằng này nàng thuộc vanh vách từng câu từng lời anh đã hứa.

Anh đã cố gồng mình thực hiện trong hai năm đầu, vì chữ tín thì ít mà chữ sĩ thì nhiều. Anh kiệt sức. Anh bắt đầu có phản ứng vung giẫy để tự cứu mình. Đầu tiên là những buổi nhậu lúc nàng đi công tác. Dần dà anh đi cả khi nàng có mặt ở nhà. Nàng chuyển từ im lặng nín chịu sang khóc lóc, giận dỗi, rồi phân tích phải trái, vẫn không hiệu quả.

Nàng của anh cũng có chút năng khiếu viết văn. Lúc mới cưới anh đã động viên nàng, nhưng nàng hay cười e thẹn: “Em không có hứng thú sáng tác nữa". À thì ra nàng không viết được chỉ vì nàng đang hạnh phúc. Đến khi hạnh phúc mọc cánh bay đi, nàng có thói quen gửi thư vào hộp thư điện tử của anh. Lỗi lầm của anh dưới ngòi bút của nàng làm cho anh vô cùng đau đầu và bất mãn. Anh không sao chịu được những lời lẽ trách móc chua chát đó.

Mối quan hệ của anh và Huệ Vân kéo dài đúng một năm. Họ vẫn chưa biết tên tuổi thật của nhau. Anh cũng không yêu cầu cô gửi webcam, không xin số phone. Nhưng cả hai đều tự thấy rằng họ đã trở nên thân thiết. Chat với anh, cô thấy lòng nhẹ nhàng vì trút được tâm sự. Đôi khi cô còn gửi những sáng tác mới của mình cho anh đọc.

Một hôm, anh bỗng nảy ra ý định.
- Sao chưa bao giờ cô hỏi tên thật của tôi?
- Chẳng để làm gì cả! Hơn nữa, anh hoàn toàn có thể nói dối! Vậy còn anh, anh cũng chưa bao giờ hỏi tôi?
- Tôi cũng nghĩ như cô. Nếu chúng ta nghiêm túc tại sao không gặp nhau đi!.
- Được thôi, nhưng chưa phải bây giờ.

Cô khẳng định. Đề nghị của anh làm Huệ Vân muốn biết thêm nhiều điều về anh. Cô hỏi:

- Nếu phải kết hôn, anh có tự tin rằng sẽ đem lại hạnh phúc mỹ mãn cho người khác không?
- Có nhưng không hoàn toàn. Nghĩa là tôi tin bản thân mình chung thuỷ và sống có trách nhiệm. Tôi có những ưu điểm và khuyết điểm. Tôi nghiệm ra rằng hôn nhân sẽ hạnh phúc khi người trong cuộc biết chấp nhận khuyết điểm của nhau.

Không có tín hiệu trả lời anh gõ tiếp:

- Nói cô đừng cười, tôi vẫn còn yêu vợ. Chỉ có điều tôi không chịu được khi cô ấy cứ nhìn vào mặt hạn chế của tôi một cách quá nặng nề. Nếu được quay trở lại… Mà không, chắc cô ấy không bao giờ tha thứ cho tôi. Thật sự, tôi là đàn ông, tôi luôn muốn thể hiện bề nổi của mình.

Câu trả lời của anh là Huệ Vân nhớ đến Phong. Nếu mối tình đầu của cô được bắt đầu bởi những giao ước thận trọng và thực tế thế này thì cô đã không hụt hẫng. Đằng này, Phong đã tạo cho cô một niềm tin mãnh liệt rằng sau khi lấy nhau họ sẽ có một thiên đường. Sau này, khi bình tĩnh nhận ra Phong cũng là con người bình thường và anh cũng phải có những giới hạn, cô đã nỗ lực phá bỏ đi thiên đường ấy để chấp nhận thực tại. Cô nỗ lực đến đau đớn, cho đến khi trong lòng cô đầy rẫy những thương tích.

Ba tháng sau khi anh chàng có nickname Future1840 đề nghị gặp mặt, Huệ Vân nhận lời. Kỳ thực, trong lòng cô không hề mảy may dự định sẽ tìm hiểu anh để tiến xa hơn. Cô ý thức rất rõ sự phức tạp của những quan hệ ảo. Ban đầu, cô chỉ cần anh như cần một chỗ dựa tinh thần mà độ an toàn được bảo đảm bởi chẳng ai biết mặt ai.

Cho đến một hôm, con gái cô thỏ thẻ với cô những điều mà người lớn không sao ngờ tới:

- Mẹ ơi, tại sao gia đình bạn Khang hạnh phúc, gia đình mẹ hạnh phúc mà gia đình của con không hạnh phúc?
- Con nói gì lạ vậy, gia đình của mẹ cũng là gia đình của con đó!
- Mẹ không hiểu ý con rồi, con muốn nói là gia đình bạn Khang có đầy đủ bố mẹ. Còn mẹ lớn như vậy cũng có đầy đủ ông bà ngoại. Còn con tại sao chỉ có mẹ mà không có ba? Mai mốt con lớn như mẹ con đi ở riêng rồi, con muốn mẹ được hạnh phúc như ông bà ngoại.

Họ quyết định gặp nhau. Để cô không phải ngồi chờ một mình trong quán, anh đã đến trước 15 phút. Anh lúc nào cũng vậy, ga-lăng và lịch sự, nhiệt tình với tất cả bạn bè. Vợ anh từng nói đó là ưu điểm và cũng là khuyết điểm của anh. Anh không hiểu sao mình lại nhớ đến vợ trong lúc này. Anh nhớ nàng những lúc vui đùa, nụ cười trong veo như đứa trẻ. Anh gọi ly cà-phê và đọc báo để lấy lại sự quân bình.

Cô đến đúng giờ hẹn. Cô tự dặn mình phải thật bình tĩnh dù lòng cũng đã bắt đầu xao động. Đột nhiên cô nhớ đến Phong…Đột nhiên cô không muốn vào quán nữa.

Thả hồn theo dòng suy nghĩ, cô không hay chân mình đã bước vào bên trong tự lúc nào. Và kìa, ở góc quán, người đàn ông mặc sơ mi trắng thắt cà vạt nâu đang nói chuyện điện thoại. Trên bàn là bó hoa hồng trắng và chiếc bánh kem. Đây cũng là dấu hiệu để Huệ Vân nhận dạng theo như quy ước. Nàng giật nảy mình, nhưng chỉ kịp lắc đầu phủ nhận: chỉ là sự trùng hợp. Nàng tự trấn an mình mà tim đập loạn xạ.

Huệ Vân nhanh chóng bước ra khỏi quán sau khi kịp giải mã bốn số sau nickname của anh chính là bảng số chiếc xe Future mà Phong đang chạy Future1840!

Đêm đó Huệ vẫn lên mạng sớm hơn thường lệ, cô nhắn cho anh dòng tin offline: “Cô đơn là khi có người bước vào cuộc đời mình hai lần rồi lại ra đi”.
Sau một hồi suy nghĩ, cô xoá bỏ và thay bằng dòng chữ: “Ngoại trừ sự chết, mọi thứ đều có thể làm lại”.
Cô xóa vĩnh viễn nickname của mình. Thiện chí còn lại tuỳ thuộc ở anh.
(St)

Giấc mơ ngày

Bin leo lên chiếc Spacy của mẹ, hí hửng khoe: - Cô giáo treo tranh Bin lên tường.

- Cưng mẹ vẽ gì?

- Nhà bố ở quê. Có cây cau, đụn rơm, gà mẹ dẫn con đi kiếm ăn, con mèo nằm sưởi nắng, cu Mót ngồi chơi.

- Ai bảo thế?

- Ông nội - mẹ cau mặt, lảng qua chuyện khác:

- Bin thích mẹ thưởng gì?

- Thuốc lào.

- Gì cơ? - mẹ sửng sốt.

- Thuốc lào để Bin thưởng ông nội.

Xe dừng trước cổng, Bin chạy vào réo: - Ông ơi! Cháu được cô giáo treo tranh lên tường. Tranh vẽ nhà bố ở quê đấy!

Nó tìm ông khắp nơi nhưng không thấy. Thường ông đợi nó từ ngõ cơ mà!

- Ông đâu? - nó hỏi chị Hai. Chị im lặng.

- Gối này của ông - cu Bin cúi nhặt chiếc gối trong đống đồ chị Hai đang dồn đống trước phòng. Lạ chưa, phòng ông dọn sạch đồ đạc, xịt mùi nước hoa thơm lừng đuổi mùi thuốc lào quen thuộc.

- Ông đâu mẹ?

- Ông ốm đi bệnh viện.

- Chở Bin vào thăm ông.

- Vào đó bác sĩ chích!

- Thế Bin chơi với ai? - Bin mếu máo.

- Bin chơi với con robot mẹ mới mua. Đẹp lắm!

Bố đi làm về, Bin níu áo:

- Bố biết ông đâu không?

- Ông về quê.

Ngẫm nghĩ, Bin bảo: “Ông đi tìm cu Mót”.

Bin đếm một mạch từ một đến trăm.

- Ai bày Bin thế?

- Ông.

Bin đọc: “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

- Ai dạy Bin thế ? - mẹ ngạc nhiên.

- Ông.

Bin vẽ một bức tranh trong đó ông nắm tay cu Mót. Vẽ xong, Bin bảo: “Ông ra đi! Bin đã tìm cu Mót cho ông rồi kìa!”.

Ông và Bin đều ham coi tivi nhưng ông thích cải lương, Bin thích hoạt hình. Chiều nay đang coi hoạt hình, Bin đứng dậy nhìn ra cổng gọi lớn: “Ông về đi! Bin nhường ông coi cải lương đấy”.

Bin ngủ nhưng bố mẹ và đêm thao thức.

Mẹ hỏi: “Cu Mót là ai mà con nhắc hoài vậy?”. Giọng bố đều đều như tiếng mưa rơi từ dĩ vãng:

“Cu Mót ra đời trong đói khổ. Ăn củ khoai, hạt lúa mót mà tượng hình nên đặt là cu Mót. Nghèo mà sáng dạ. Nghe gì là nhớ. Nhìn qua là biết. Thấy con thông minh, bố mẹ quyết cho học chữ. Mùa đông cha cõng đi học. Mùa nước nổi, mẹ đẩy thúng qua mương. Có gì các chị cũng nhường. Ai cũng làm gấp đôi để dồn sức cho cu Mót học. Học hết trường làng, qua trường huyện, lên thành phố... Học hết mồ hôi nước mắt, tiền của cha mẹ rồi đi làm, lấy vợ và xù!” - bố chua chát.

- Anh kể... ai thế?

“Cu Mót lấy vợ giàu. Vợ thích cái gì cũng sang, sạch, hiện đại. Ông bố chồng như cái bát sành sứt cũ kỹ muốn quẳng cho khuất mắt... - giọng anh vút cao nhọn hoắt như đâm kim vào lòng rồi trầm lặng như đá chặn ngực - Mai tôi đem cu Mót về cho bố. Tôi không muốn thằng Bin lớn lên lại thành cu Mót đi lạc và tôi lại đi tìm nó như cha”...

Ngày đông có nắng ốm. Bát sành sứt, bình vôi mẻ chụm lại trên băng đá hong nỗi buồn. Cái mốc meo. Cái phai nhạt. Cái còn tươi rói. Họ giống nhau ở đôi mắt mờ đục mà cái nhìn hong hóng như trẻ thơ, đậu ở cổng ngóng phép lạ. Phép lạ hiếm mà niềm đau thì khối! Mỗi niềm chạm tay vào cổng để lại một vệt thế là dày cộm, mở ra, khép lại đều rướm máu. Nỗi buồn của Thi cán bộ choáng một vạt sân. Lão ở đây đã bảy mùa lá rụng. Có năm người con thành đạt ở nhiều ngành. Các con dỗ cha bán nhà chia vàng, thay phiên phụng dưỡng cha.

Được đôi năm xem cha như cục nợ, đùn đẩy, gây gổ, chửi mắng. Cuối cùng không chịu nổi cảnh ấy, lão đi lang thang rồi vào trung tâm nuôi dưỡng người già. Lão nói năng, kể chuyện hay nhất đám, lại từng làm cán bộ, có con cán bộ nên gọi là Thi cán bộ. Lão có ý định góp nhặt những thước phim buồn của 300 bi kịch nhờ ai đó chấp bút thành quyển Tam bách bất hiếu thời hiện đại.

Ông lão mới vào không kể gì ngoài chuyện thằng cháu. Dường như lão ở đây mà quả tim móc để đằng cháu, dõi theo từng giờ. Giờ này cháu tôi đi học về. Giờ này có phim hoạt hình. Giờ này cháu tôi ăn cơm. Nó biết chan canh cho tôi vì tay tôi run làm canh đổ... Đôi mắt tèm nhẹp hấp háy của lão lưng rưng lướm rướm khi nhắc cháu. Riết rồi cháu lão thành cháu cả nhóm. Lão rỉ rả kể, bình sứt bát mẻ gật gù nghe. Chuyện nó đòi mẹ đẻ con bồ câu. Chuyện hai ông cháu lén nuôi con mèo...

Phép lạ hiện ra ở cổng khi ba người xuất hiện. Thi cán bộ gào to: “Con cháu ai vào thăm kìa!”.

Nghe chữ cháu, ông lão như có điện xẹt qua tim. Ông nhìn ra và không tin ở mắt mình.

Thằng Bin chạy trước, vừa chạy vừa réo: “Ông nội ơi, Bin tới đón ông nội về!”. “Cu Mót” theo sau. Sau nữa... vợ thằng cu Mót!

Ông lão nhắm mắt lại. Phải chăng đây là giấc mơ ngày?

“Mở mắt ra ông! Bin nè?”.

Ông lão mở mắt ôm chầm lấy cháu vừa cười vừa mếu: “Lớn mà khóc cô giáo không cho phiếu bé ngoan đấy!”. Rồi nhìn quanh, Bin nhận xét: “Trường ông nhiều ông, còn trường cháu nhiều cháu”.

Quay qua những bạn già đang nhìn cảnh ấy với đôi mắt mừng lẫn tủi, ông lão giới thiệu: “Đây là cu Bin!”. Cu Bin dễ thương đến nỗi ai cũng muốn sờ đôi má mịn như nhung, nhìn vào đôi mắt trong veo như giếng và nghe tiếng bi bô nói cười khua động chốn lạnh lẽo buồn thiu. Đang đầu đông mà vui như tết. Cả ông giám đốc cũng bảo mấy mươi năm rồi mới có cảnh vui thế này!

Cũng đã lâu lắm rồi, cánh cổng trung tâm mở ra, khép lại mà không rướm máu...

(Theo Tuổi Trẻ)

Bàn về ca từ trong các ca khúc

Cuối năm 2006, Tạp chí Thời báo Kinh tế Sài Gòn có tổ chức tiệc tất niên tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự của nhiều cộng tác viên trong và ngoài nước. Nhân dịp về thăm nhà, tôi cũng hân hạnh được mời tham dự buổi tiệc đầy ấn tượng. Tôi còn có cơ duyên ngồi bên cạnh một anh cộng tác viên mà sau một lúc “trà dư tửu hậu” tôi mới biết đó là Nhà thơ Đỗ Trung Quân. Chúng tôi say sưa nói chuyện làm nhiều anh chị em trong bàn tưởng rằng chúng tôi là đôi bạn quen nhau tự thuở nào! Từ chuyện dịch cúm gà, chẳng hiểu sao chúng tôi nhảy tót sang nói chuyện văn hóa và văn nghệ. Khi biết người mình đang nói chuyện là tác giả bài thơ Quê hương, tôi nói đùa rằng anh làm tuyên truyền giỏi quá. Thật vậy, thời đó (thời “Việt kiều” chúng tôi còn nhiều khó khăn về thăm quê) mà nghe những câu Quê hương là chùm khế ngọt / cho con trèo hái mỗi ngày / Quê hương là đường đi học / Con về rợp bướm vàng bay hay Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi ? quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người làm xao xuyến và rung động con tim của biết bao nhiêu người xa quê.

Có lần tôi đọc trên Thanh Niên về những tranh luận xung quanh nhạc sến, một cậu sinh viên trẻ nói thẳng với Nhà thơ Đỗ Trung Quân rằng “Xin lỗi, nói ra chú đừng buồn nhé, bài Phượng hồng của chú sến lắm!” Tôi quả thật sốc khi đọc nhận xét này, vì tôi nghĩ ca khúc đó có nhiều đoạn văn với những ca từ mà tôi cho là rất đẹp:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
em chở mùa hè cũa tôi đi đâu ?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18,
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.

Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,
Là áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở,

Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.


Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.


Nhân dịp vui vẻ, tôi hỏi anh nghĩ gì về nhận xét của cậu sinh viên trẻ. Anh cho biết anh rất thông cảm với cậu sinh viên đó và những người trẻ hiện nay, vì thời đại bây giờ giới trẻ sống vội vàng, họ không có thì giờ để trao chuốc câu văn hay lời thơ. Họ phải tiết kiệm thì giờ để đi thẳng vào vấn đề. Họ trao đổi bằng “message” và điện thoại di động, chứ không viết thư tình bằng giấy như ngày xưa. Trong môi trường đó, họ phải nhanh: yêu thì nói là yêu, không có lòng vòng gì cả. Lớn lên trong môi trường như thế họ không cảm nhận những lời thơ mượt mà, không cảm nhận được những ý tưởng đằng sau ca từ của thế hệ trước.

Đi thẳng vào vấn đề. Đó là xu hướng tôi thấy xuất hiện rất nhiều trong các ca khúc mới đang thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến một bài ca (không dám gọi đây là “nhạc phẩm”) do Cẩm Ly ca, có giai điệu hay, nhưng với ca từ rất lạ lùng. Xin viết ra đây vài hàng để các bạn hiểu tại sao tôi nói “lạ lùng”:

Sao anh bỏ ra đi, em nào có tội tình gì
Sao anh bỏ ra đi, em nào có lỗi lầm chi
Sao anh bỏ ra đi, để em thương nhớ hoài
Ôm kỉ niệm, buồn lên mấy nẽo hẹn hò,
Anh biết không.

Sao anh bỏ ra đi, bỏ quên em giữa dòng đời xuôi ngược
Giờ đây mất nhau rồi,
Tình mồ côi …

Trong bơ vơ, trong nỗi đau vùi
Em chợt nhớ rằng: tội em nghèo rớt trái mồng tơi
Mà trèo cao, vướng sợi tình rồi
Nên té giữa đời, ôm trái sầu
Buồn đơn côi

Em mang tội si mê, nên đường yêu lạc nẽo về
Em mang tội yêu anh, khi đời em trắng bàn tay
Nay anh bỏ ra đi, đèn đêm hiu hắt sầu
Ngơ ngẩn buồn
Buồn lên mấy nẽo đường tình,
Buồn nào nguôi …

Theo tôi hiểu, cô này yêu say đắm một anh chàng nào đó, nhưng anh chàng này bỏ cô (theo duyên mới chăng ?). Trong bơ vơ và đau vùi, cô tự vấn mình “có tội tình gì”, “lỗi lầm chi” để anh chàng này phải bỏ cô. Rồi cuối cùng thì cô chợt nhận ra rằng tại cô “nghèo rớt trái mồng tơi” mà ham “trèo cao” nên bị té đau!

Nghe qua thì cũng tội nghiệp cho cô ta, và giận cho cái anh chàng nào mà bạc bẽo thế! Hồi nào đến giờ tôi chỉ nghe nhạc sĩ mô tả tâm trạng đàn ông, con trai thất tình vì bị các nàng phụ bỏ, nhưng đây là lần đầu nghe một nhạc sĩ mô tả tâm sự của một nàng bị chàng (sở khanh) phụ tình!

Còn có ca từ nào mà trực tiếp và “đi thẳng vào vấn đề” hơn như bài trên? Chắc hiếm lắm.

Nhưng có phải ca từ như thế là hay không? Tôi ngờ lắm. Tôi thấy trong bài ca trên, ca từ quá dung tục và tủn mủn. Tình yêu gì mà lẩm cẩm thế, trần trụi thế. Con gái gì mà chẳng biết mắc cỡ, si tình cứ như là điên thế? Chả lẽ con gái ngày nay lại “open” đến nỗi than vãn trước công chúng rằng cô ta yêu và bị ruồng bỏ như thế sao? Rồi lại còn than thân trách phận là nghèo rớt mồng tơi nữa chứ! Ôi, thật là không hiểu nổi, không tưởng tượng nổi rằng đó là một ca khúc!

Theo tôi, ca từ trong các bài ca ngày nay thiếu tính nghệ thuật, và nhất là hạ thấp sự sang trọng của âm nhạc. Có thể định nghĩa âm nhạc là thơ trong không khí. Mà, đã nói đến thơ thì phải nói đến giai điệu, ý tưởng, từ ngữ, tượng hình, chứ đâu thể dung tục được. Không ai nói “Em muốn chồng quá” cả. Nói như thế là dung tục. Cùng một ý người con gái có thể nói kín đáo hơn như (chỉ ví dụ thôi nhé) “Thân em như tấm lụa đào / Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” thì hay hơn không?

Âm nhạc là một nghệ thuật, mà nghệ thuật là một “ngôi đền” của cuộc sống tinh thần. Nếu cuộc sống mà không có nhạc và thơ thì đời này chẳng có ý nghĩa gì hay là một nhầm lẫn. Thật vậy, tất cả những cái gì thuộc về chiều sâu thường được mô tả qua nhạc và thơ. Vì thế, đâu thể và không nên đùa giỡn với nghệ thuật!

Xin các bạn đọc trẻ thông cảm: tôi phải viết mấy dòng này, chứ nếu không thì tôi ấm ức lắm, và có hại cho sức khỏe! Thế hệ của tôi lớn lên với những bài nhạc của những nhạc sĩ như Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Phạm Mạnh Cương, v.v… Như là những hành trình trong cuộc sống, những nhạc phẩm như Tình ca, Tình hoài hương, Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Áo anh sức chỉ đường tà, Ngậm ngùi, Kiếp nào có yêu nhau, Trương Chi, Bến xưa, Buồn tàn thu, Cát bụi, Diễm xưa, Ca khúc da vàng, Đôi mắt người Sơn Tây, Xóm đêm, Mộng dưới hoa, Thương hoài ngàn năm, Thu ca … (nhiều quá, khó kể hết ra đây) là những ca khúc tôi mang trong tâm tưởng cho đến nay và có lẽ đến ngày tôi nhắm mắt. Tôi gọi đây là những tác phẩm âm nhạc (hay “nhạc phẩm”) vì theo tôi những bài ca này được sáng tác với sự trân trọng về ca từ và giai điệu của các nhạc sĩ vừa kể.

Xin trả lại tính sang trọng và nghệ thuật cho âm nhạc Việt Nam!

NVT

Nguồn : http://tuanvannguyen.blogspot.com/